'Mái nhà thế giới' đang di chuyển
"Cao nguyên đang di chuyển do bị xô đẩy bởi mảng thạch quyển Ấn Độ", tiến sĩ Tan Kai, nhà nghiên cứu tại Văn phòng địa chấn học Trung Quốc nói. Ông đang thu thập dữ liệu cho cuộc khảo sát hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tại dãy núi Côn Luân ở thành phố Cách Nhĩ Mộc, phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hải.
Tiến sĩ Tan và cộng sự đã tìm thấy vùng đất Lhasa, nằm ở đầu phía nam cao nguyên đang di chuyển 30 mm mỗi năm về phía đông bắc theo góc 38 độ. Trong khi đó, núi Côn Luân ở trung tâm cao nguyên lại dịch chuyển 21 mm mỗi năm theo góc 61 độ. Dãy núi Qilian ở phía bắc xê dịch 7-14 mm mỗi năm theo góc 80 độ.
"Điều đó có nghĩa là toàn bộ cao nguyên đang dịch chuyển trung bình 7-30 mm mỗi năm", ông Tan nói. "Sự dịch chuyển như vậy khó có thể nhận ra và sẽ không thay đổi toàn bộ lục địa Trung Quốc trong thời gian trước mắt. Nhưng chúng lại rất ý nghĩa theo góc độ địa chất".
Văn phòng địa chấn học đã thực hiện hơn 50 cuộc khảo sát GPS trên "Mái nhà thế giới" từ năm 1991. Những cuộc khảo sát này có thể đưa ra dữ liệu chính xác theo thời gian thực để đo tốc độ di chuyển của vỏ trái đất. Kết quả có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành và tiến hoá của cao nguyên, cũng như đánh giá nguy cơ động đất và các thảm hoạ thiên tai tại khu vực.
Một cuộc va chạm giữa mảng thạch quyển Ấn Độ và Á - Âu khoảng 40 triệu năm trước đã hình thành nên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng cùng các đặc tính địa chất xung quanh. Do cả hai mảng lục địa này vẫn tiếp tục va chạm, cao nguyên sẽ di chuyển về phía bắc thêm 20 mm nữa và sẽ còn cao thêm vài mm mỗi năm.
Nguồn: vnexpress.net 17/8/2005