Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/04/2009 00:08 (GMT+7)

Tính hợp và tính mở của ngôn ngữ học đối chiếu

Cũng cần nói thêm rằng gần 20 năm trước, vào năm 1989, trong chuyên luận thực hiện loại nghiên cứu này ở Việt Nam, bấy giờ chúng tôi dịch là “ Ngôn ngữ học xuyên các nền văn hoá”. Dịch là “xuyên” có ý hạn chế hơn. Nay cách dich “qua các nền văn hoá” có ý nghĩa bao quát hơn nên công trình của chúng tôi tái bản 2004 đã dùng cách dịch này (2).

Sự thực như đã biết, nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ đã có từ rất lâu đời. Phôi thai của nó từ khi con người biết học ngoại ngữ, bắt đầu thực hiện bản dịch đầu tiên, từ công việc biên soạn những từ điển song ngữ đối dịch ra đời. Hoạt động này càng phát triển mạnh trong các thời kì có sự giao lưu tiếp xúc sâu rộng của các cộng đồng người nói các ngôn ngữ khác nhau từ thời cổ xưa cho đến đương đại. Về mặt lý thuyết thì cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến, ví dụ như trong “Tuyên ngôn” của trường phái ngôn ngữ học cấu trúc - chức năng Praha, trong công trình Sa. Balli “Ngôn ngữ học đại cương và một số vấn đề của tiếng Pháp” có đối chiếu động từ tiếng Pháp với động từ tiếng Đức, hay công trình “Thử nghiệm một lí luận từ điển học” của viện sĩ Nga L. V. Secba từ những năm 30 của thế kỉ trước (3). Tuy nhiên công trình của Lađô 1957 có cách đặt vấn đề toàn diện hơn cả. Đã hơn 50 năm trôi qua, nhiều công trình, nhiều thành tựu đã được xác lập. Ngày nay NNHĐC đã trở thành một phân môn độc lập. Vì vậy việc nhìn nhận tìm hiểu sâu hơn vào tính chất của lĩnh vực nghiên cứu này là cần thiết để tiếp tục phát triển, khai thác vận dụng…

Để thấy rõ tính chất tổng hợp và tính mởcủa ngôn ngữ học đối chiếu cần thiết so sánh nó với những phân môn đã phát triển trong ngôn ngữ học về: định hướng đối tượng, mục đích, phương pháp nghiên cứu, triển vọng đóng góp về lí luận và thực tiễn cũng như khả năng khắc phục hạn chế, mở đường cho sự phát triển của ngôn ngữ học nói chung. Có một sự thực hiển nhiên được mọi người thừa nhận rằng ngôn ngữ học của nửa đầu thế kỉ XX là thời kì phát triển rực rỡ nhất của ngôn gữ học cấu trúc. Khởi đầu từ F. de Saussure với “Giáo trình ngôn ngữ đại cương”, ngôn ngữ học cấu trúc đã phát triển từ Tây Âu qua Hoa Kì, từ những năm 30 đến những năm 60, với hàng loạt công trình của các tác giả tiêu biểu như A. Martinet L. Hjemslev, R. Jacopson… Z. Harris, L. Bloomfield, những tên tuổi đã làm nên danh tiếng và uy tín cho trường phái Ngôn ngữ học cấu trúc chức năng Praha, trường phái cấu trúc phân bố luận Mĩ. Tuy nhiên, do sự đối lập cực đoan giữa ngôn ngữ (langue) và lời nói (parole) do sa vào cấu trúc luận thuần tuý, sa vào một thứ “ngôn ngữ học tự nó và vì nó”, chủ nghĩa phân loại luận cứng nhắc… Nói khái quát là “hướng vào đơn ngữ luận” tức là hướng vào phân tích từng ngôn ngữ một tách rời, từng cấp độ tách tầm nhìn và thành tựu ứng dụng của ngôn ngữ học thời kì này. Đó là các lí do làm xuất hiện ngôn ngữ học tạo sinh cải biến của N. Chomsky, và nhiều thứ ngôn ngữ học khác, trong đó có Ngôn ngữ học đối chiếulà thứ ngôn ngữ học đặt vấn đề “cần thiết phải so sánh có hệ thống các ngôn ngữ và các nền văn hoá (tiêu đề chương I cuốn sách của R. Lado). Rõ ràng đây là một cách đặt vấn đề mới, cách nhìn mới có tính tổng hợp và cởi mở “đa ngữ luận”, đa ngành thoát khỏi đóng kín, cấu trúc cực đoan, “đơn ngữ luận” trước đó.

Tính chất tổng hợp của NNHĐC có nhiều mặt, nhiều phạm vi, xét cơ bản có thể chỉ ra một số điểm sau đây.

Về khách thể nghiên cứu phân tích, NNHĐC thực hiện khảo sát phân tích đồng thời một lúc nhiều ngôn ngữ, thường là hai ngôn ngữ, không phân biệt các ngôn ngữ đó thuộc hay không thuộc cùng ngữ hệ, loại hình.

Những phân tích đối chiếu thường là diện đồng loại. Mục đích phân tích nghiên cứu là tìm những giống/ tương đồng và khác/ dị biệt các hiện tượng, phạm trù đối chiếu. Hướng đóng góp không chỉ thuần lí luận (như ngôn ngữ học lí thuyết) mà cả các ứng dụng thực tiễn, thiết thực (dạy/ học ngoại ngữ, dịch thuật, soạn sách công cụ…). Như vậy là khách thể tiếp cận đa ngữ/ liên ngữ, đồng đại, thiết thực được quan tâm thực hiện trong NNHĐC.

Nghiên cứu đối chiếu là thực hiện so sánh, chuyển đổi đồng thời hai hay nhiều ngôn ngữ nhằm tìm tương đồng/ dị biệt, tương đồng, tương ứng các ngôn ngữ, nên nó không bị giới hạn cứng nhắc sự phân biệt ngôn ngữ - lời nói - hành động ngôn từ mà có thể tổ hợp, tổng hợp những thuộc tính, đặc điểm của các phạm vi này, đồng thời kết quả phân tích các phạm vi đó không chỉ nhằm mục đích lí luận mà cả ứng dụng, nên nó thể hiện tính hiện thực linh hoạt và biện chứng trong tiếp cận đối tượng nghiên cứu.

Khi thực hiện tìm tương đương, tương ứng hai hay nhiều ngôn ngữ trên cơ sở đồng nhất lí luận xuất phát, NNHĐC nhận thấy không nhiều những đồng xuất hoàn toàn, vì vậy việc tìm những khác biệt là hết sức cần thiết và thú vị. Trong trường hợp như vậy các tương đương, tương ứng có thể không cùng cấp độ mà có hiện tượng xuyên, chuyển cấp độ là thường gặp và kết quả rất có ích cho việc học ngoại ngữ, cho lí luận và thực tiễn dịch thuật.

Có điều hiển nhiên là, để có ngữ liệu đối chiếu, tất yếu phải sử dụng kết quả phân tích miêu tả trên cơ sở lí luận đồng nhất. Trường hợp cần thiết phải phân tích lại, phân tích đồng thời trong quá trình đối chiếu. Điều này cho thấy NNHĐC có lợi thế sử dụng thành tựu của ngôn ngữ học miêu tả và khi kết quả xác định tương đồng và dị biệt đủ lớn có thể mở đường cho xây dựng ngữ pháp phổ quát hay quy nạpcác ngôn ngữ. Tính tổng hợp của NNHĐC nhằm mục đích này được tận dụng tối đa và có thể là một hướng tổng hợp rộng lớn mà ngày nay với phương tiện tin học hiện đại có khả năng trở thành hiện thực. Như vậy là tính tổng hợp, tích hợp kết quả, tri thức nghiên cứu nhiều ngôn ngữ thuộc diện đồng đại làm nên một lợi thế, một tính chất quan trọng của NNHĐC so với các lĩnh vực ngôn ngữ học khác. Tính chất này càng được nổi rõ nếu kết hợp với tính chất mở của ngôn ngữ học đối chiếu.

Về tính chất mở có thể nhận thấy ở một số điểm sau:

Như trên đã nói tính tổng hợp của NNHĐC thể hiện ở việc mở rộng phạm vi đối tượng, khắc phụ đối tượng bị thu hẹp, với khả năng bao quát tích hợp tài liệu, kết quả nghiên cứu miêu tả… thì tính mở thể hiện ở tính đa/ liên ngành trong nghiên cứu và tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Những trải nghiệm của loài người cho thấy trong những giá trị xã hội và nhân văn cao quý, văn hoá là hệ gía trị tổng hợp, cao quý bậc nhất. Ngày xưa có câu ngạn ngữ “mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm” thì ngày nay, sau bao biến thiên thăng trầm, phát triển và huỷ diệt có thể nói “mọi dân tộc muốn trường tồn đều cần đến văn hoá”. Tính mở của NNHĐC là gắn nghiên cứu này với văn hoá, qua văn hoá. Ngôn ngữ dân tộc không chỉ được xem là công cụ, phương tiện giao tiếp và tư duy, là công cụ chuyển tải sáng tạo văn hoá, cố định lưu giữ văn hoá mà còn là một thành tố, một bộ phận của văn hoá dân tộc. Nghiên cứu ngôn ngữ cần gắn với văn hoá và văn hoá dân tộc không thể thiếu ngôn ngữ dân tộc. Văn hoá là nền tảng tinh thần của dân tộc một phần lớn định hình trong ngôn ngữ và thông qua ngôn ngữ dân tộc. Tính chất mở của NNHĐC còn thể hiện ở khả năng ở hiệu lực ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các hoạt động thực tiễn có liên quan trực tiếp. Từ đầu những năm 70 trong công trình “ Cấu trúc ngôn ngữ trong đối chiếu” Di Pietro đã chỉ rõ “ngôn ngữ học đối chiếu ra đời từ đúc kết kinh nghiệm dạy ngoại ngữ. Mỗi người học và dạy ngoại ngữ dễ dàng nhận ra một điều là trong nhiều trường hợp, tiếng mẹ đẻ cản trở không nhỏ việc hiểu và nắm thuần thục ngoại ngữ. Vì vậy, việc tích luỹ những tri thức và kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta khắc phục một cách có hiệu quả khó khăn này” (4). Trong việc vận dụng phương pháp so sánh chung nhằm mục đích tìm những tương đồng/ dị biệt giữa các ngôn ngữ ở diện đồng đại, NNHĐC có lợi thế hơn Ngôn ngữ học so sánh - lịch sử, Loại hình học, Ngôn ngữ học khu vực, khắc phục các giao thoa ngôn ngữ, khắc phục lỗi học tiếng nước ngoài mà còn giúp ích nhiều cho biên/ phiên dịch, biên soạn từ điển song ngữ, soạn sách dạy ngoại ngữ.

Đi sâu hơn, nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ có thể góp phần xây dựng lí luận và giải quyết hàng loạt các vấn đề thực tiễn dịch thuật, góp phần tìm hiểu quá trình thụ đắc ngôn ngữ thứ hai, khảo sát hiệu quả các quá trình song ngữ/ đa ngữ…. Như vậy với tính chất mở, tính chất tổng hợp và có khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu thiết thực, NNHĐC không chỉ khắc phục được hạn chế của Ngôn ngữ học cấu trúc cực đoan mà còn mở đường tổng hợp, tích hợp những kết quả phong phú đa dạng, sâu sắc của Ngôn ngữ học cấu trúc, NNHĐC cũng phân biệt và bổ sung cho NNHSS - LS, cho Loại hình học, cho Ngôn ngữ học khu vực, nó tìm được địa bàn ứng dụng giáo dục pháp sư phạm thiết thực, hiệu quả trong giảng dạy ngoại ngữ cũng như hoạt động dịch thuật vô cùng rộng rãi và phổ biến ngày nay. Khả năng tổng hợp, tích hợp tri thức ngôn ngữ với văn hoá để xây dựng ngữ pháp phổ quát quy nạp cũng là một đường hướng, mục tiêu đầy triển vọng của lĩnh vực nghiên cứu này, nhất là trong điều kiện công nghệ tin học ngày càng phát triển nhanh chóng mạnh mẽ hiện nay.

Chú thích

1. Robert Lado (1957), Linguistics across cultures. Michigan University Press. Ngôn ngữ học qua các nền văn hoá. Bản dịch của Hoàng Vân Vân, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2003.

2. Lê Quang Thiêm (1989), Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ. Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 336 trang.

(Tái bản có bổ sung 2004, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 360 trang.

Tái bản lần thứ 2 quý II – 2008. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 360 trang).

3. S. Balli (1935), Ngôn ngữ học đại cương và một số vấn đề của tiếng Pháp. Nxb Tiến bộ. Mạc Tư Khoa, 1956.

4. L. V. Secba (1939), Thử nghiệm một lí luận từ điển học.

5. Di Pietro (1971), Language structures in contract. Ronley Mass. 1971.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.