Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/09/2011 20:04 (GMT+7)

Những dòng sông lấp và huyền sử văn hóa xứ Bắc

Sông Dâu

Theo sách Cổ Châu Phật bản hạnhkể về sự tích Phật Tứ Pháp vùng Dâu thì vào đời Sĩ Nhiếp cai trị (185-225) có trận cuồng phong làm đổ cây dung thụ bên trong chứa con gái nàng Man Nương do sư thầy Khâudala đặt vào. Cây từ núi Mả Mang (núi Phật Tích ở huyện Tiên Du) theo sông Dâu về bến Vọng Giang Lâu thành Luy Lâu thì quẩn lại không trôi đi nữa. Sĩ Nhiếp thấy cây to sai quân kéo vào để làm nhà nhưng không kéo nổi. Khi nàng Man Nương đến chỉ cần tung dải yếm ra là kéo vào được. Đêm đó Sĩ Nhiếp nằm mơ được tiên ông báo cần xẻ gỗ làm tượng Phật thì sẽ cầu mưa được mưa và ngài đã làm theo. Đó là hệ thờ phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) đặt ở bốn chùa gần nhau là chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tương, chùa Dàn.

Truyền thuyết về Ngọc Tiên công chúa do dân địa phương kể lại thì khi quân Ngô đánh phá thành Luy Lâu, công chúa Ngọc Tiên đã lên thuyền chạy thoát, đến khúc sông Trà Lâm thì trầm mình giữ trọn phẩm tiết. Ngày nay khi khai hội Tứ Pháp bao giờ cũng phải chờ kiệu nàng từ đền Lũng sang chùa Dâu thì hội mới bắt đầu.

Rõ ràng sông Dâu là con sông lớn thông thương được đến biển đã giúp Luy Lâu trở thành đô thị cổ phát triển, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta suốt nghìn năm Bắc thuộc. Các nhà sư Ấn Độ cũng theo sông đến Dâu truyền đạo, lập ra trung tâm Phật giáo lớn thời đó do có sự ủng hộ của thái thú Sĩ Nhiếp. Thành Luy Lâu xây dựng trên khu đất cao ở phía Bắc sông Dâu, đồng thời có con hào rộng được đào gần hết thành. Trong thành có cả Vọng Giang Lâu kiểm soát bến sông Dâu. Thời Trần có chuyện trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi xây chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp ở Dâu để chuộc tội cho mẹ. Hẳn sông Dâu thời đó vẫn còn rộng lắm. Nhà sử học Trần Quốc Vượng có lẽ cũng căn cứ vào sách Cổ Châu Phật bản hạnhmà khẳng định sông Dâu phát nguyên từ chân núi Phật Tích. Chỉ đến khi sông Đuống trở thành dòng chảy lớn theo kế hoạch trị thủy của hoàng giáp Nguyễn Tư Giản thời Nguyễn, một phụ lưu sông Hồng cắt ngang dòng chảy sông Dâu thì sông Dâu mới hết vai trò thông thương của mình. Đây là nguyên nhân chính làm cho một dòng sông có vai trò lớn với đời sống xã hội trở thành cổ tích và những huyền sử văn hóa. Nguồn nước sông Dâu được phụ cấp bởi dãy núi Tiên Du và vùng đồng bằng phụ cấp không thể sánh được với nguồn nước của sông Hồng. Vào đầu thế kỉ XX, nhiều làng xóm ven sông Đuống đã phải di chuyển vào bên trong đê (như các thôn Đạo Tú, Tú Tháp, Lạc Thổ ở huyện Thuận Thành chẳng hạn) chứng tỏ dòng sông Đuống ngày càng hung hãn. Những trận vỡ đê sông Đuống gây thảm họa lũ lụt còn in đậm dấu ấn trong trí nhớ của người dân Nam Đuống.

Việc khảo sát dòng chảy sông Đuống ở phía bắc sông Đuống, nơi phát nguyên rất khó khắn. Nhưng dòng chảy sông Dâu ở phía nam sông Đuống thì còn rõ dấu vết. Bắt đầu là vị trí xóm Sông của thôn Đình Tổ (huyện Thuận Thành), nơi có đoạn đê vào mùa nước to vẫn xảy ra hiện tượng rò rỉ nước kiểu mạch ngầm mạch sủi do đê đắp trên nền lòng sông Dâu cổ không đủ độ bịt kín các khe cứng đáy sông. Tiếp theo là dãy ao hồ dài nối nhau của thôn Đình Tổ, nơi thái sư Lê Văn Thịnh (thời Lý) từ nơi đày Thao Giang trên đường về quê đã ngã xuống tắt thở khi chỉ còn cách quê nhà hơn mười cây số. Tiếp đó là khu đồng trũng và dãy ao hồ thôn Trà Lâm và thôn Tư Thế, nơi dấu vết phù sa còn rõ như ở ven dòng sông đang chảy năm xưa. Bãi Định (thôn Công Hà) gần cầu Dâu chín nhịp là nơi làm gốm nay thành chợ. Câu ca dao "Công Hà trồng bí trồng bầu" thêm phần khẳng định dòng chảy bồi đắp phù sa cho nơi đây. Qua chùa Dâu sông chảy về phía Cầu Gáy của xã Nguyệt Đức rồi đổ vào sông Cẩm Giàng và ra sông Thái Bình.

Năm 1958 khi nhà nước xây dựng công trình thủy lợi lớn mang tên Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải thì dòng chảy sông Dâu lại được khôi phục một phần, lấy nguồn nước từ kênh dẫn và cống điều tiết từ sông Đuống ở vị trí không phải dòng sông cổ. Nhưng đoạn từ bến Vọng Giang Lâu về Cầu Gáy thì theo dòng chảy cũ và có đào thêm đoạn chảy về phía huyện Văn Lâm, qua thôn Ngọc Tỉnh (xã Song Liễu), nơi Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với dân công làm mương năm 1958. Sông Dâu cổ nay còn dấu vết và chỉ là một dòng chảy nhỏ nhưng vẫn đủ cho ta hình dung vai trò của nó đối với lỵ sở một thời của đất Giao Châu xưa và sự hình thành những ngôi chùa thờ tứ Pháp còn in đậm trong tâm thức dân gian.

Sông Tiêu Tương

Đây là con sông nhỏ chủ yếu đóng vai trò thủy lợi nội vùng của các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Sông cũng hết vai trò khi dòng chảy sông Ngũ Huyện Khê từ Tam Đảo về qua huyện Yên Phong lượn gần sát dòng chảy sông Tiêu Tương cổ và hệ thống thủy lợi nội vùng hoàn thiện hơn năm 1958. Lượng nước nguồn từ dãy núi Tiên Du và đồng bằng phụ cấp là quá nhỏ so với nguồn nước từ dãy Tam Đảo. Đó chính là nguyên nhân khiến sông Ngũ Huyện Khê đã thôn tính sông Tiêu Tương. Nhưng do vai trò thủy lợi làm phát triển nghề lúa nước của người Việt nơi đây khiến con sông còn sống mãi trong huyền sử văn hóa Kinh Bắc và là nguồn cảm hứng dồi dào cho các thế hệ nghệ sĩ sáng tác ở nhiều loại hình nghệ thuật.

Những ghi chép chính thống về sông Tiêu Tương lại có đánh giá khác nhau về sòng chảy của nó. Sách Đại Nam nhất thống chí (Nxb.KHXH1971) viết: "Sông Tiêu Lương cũ (một tên khác của sông Tiêu Tương) ở địa giới phủ Từ Sơn, phát nguyên từ cái đầm lớn xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn, chảy từ phía tây sang đông bắc, qua xã Tam Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận hai huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức". Sách Địa chí Hà Bắc(1980) cõ lẽ có sự nghiên cứu thực địa kỹ còn gọi là sông Tiêu Tương, ở địa giới huyện Tiên Sơn phát nguyên từ hồ Lãng Bạc chảy từ tây sang đông bắc qua xã Tương Giang, Vân Tương, qua các làng quan họ nổi tiếng như Lim, Bưởi, Ó, Se, Bò… rồi chảy vào sông Cầu".

Theo chuyện Trương Chi thì sớm nhất có thể là thời Lý, sông Tiêu Tương còn có dòng chảy để chàng Trương làm nghề chài cá. Cũng vào thời Lý, hương Diên Uẩn còn nhiều rừng. Di tích đền Miễu thôn Dương Lỗi (đền thời Lý triều thành mẫu) còn là khu rừng Mai Lâm (bia Lý gia linh thạch ở chùa Tiêu). Thậm chí năm 1905, rừng Báng ở xã Đình Bảng mới bị khai phá thành ruộng canh tác vì quân Pháp lo sợ nghĩa quân Đề Thám dựa vào đó làm căn cứ đánh thành Hà Nội ( Lịch sử xã Đình Bảng). Những dải rừng kéo dài từ dãy núi Tiên Du này chính là nguồn cấp nước cho sông Tiêu Tương. Nơi chứa nước ban đầu từ các khe rạch chảy về chính là một cái hồ lớn ở xã Phù Lưu, nay là di tích Loa Hồ, hay cũng có thể gọi đây là đoạn phình rộng nhất của sông Tiêu Tương chứ không phải là nơi phát nguyên của dòng sông. Sông nội vùng nên dòng chảy quanh co, mà những ao hồ liền mạch của xã Đình Bảng cũng được người dân xác định là phần còn lại của sông Tiêu Tương. Đình Bảng là đất phát tích nhà Lý, vương triều thịnh trị hơn 200 năm, vậy dinh thừa tướng trong truyện Trương Chi có thể là ở đâu đó trên đất Đình Bảng này. Dòng chảy của sông có thể theo nhận định của sách Địa chí Hà Bắclà phù hợp hơn bởi dấu vết ao hồ, ruộng trũng, và các địa danh còn lại ghi nhận về dòng sông xưa. Để hình dung ra nguồn nước sông nội vùng có thể tham khảo lời kể của người dân, trước khi có hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải thì dân ta chỉ cấy một vụ mùa thuận theo nước mưa, những ruộng ven sông mới cấy được vụ chiêm, khi vào mùa khô sông cạn dòng, người ta phải bới mạch ở giữa dòng sông lấy nước cấy. Hay đứng trên cầu Nét thấy sông Ngũ Huyện Khê có đê cao chống lũ vào mùa mưa nhưng mùa khô bây giờ thấy dòng chảy như cái khe nhỏ, bờ cao mọc đầy cây dại, nếu không cần dòng tiêu mà san đê xuống lòng sông đủ làm thành ruộng cấy lúa. Ngay khu đầm Phù Lưu được coi là phát nguyên dòng sông theo ghi chép thời Nguyễn, ngày nay người ta cũng vừa mới xây con đường bê tộng rộng cắt đôi đầm, và nếu người ta bán đất đầm làm khu công nghiệp thì chỉ vài tháng đổ cát sẽ không còn một dấu vết gì về một dòng tụ thủy lớn thời cổ nữa.

Gần đây, tác giả Phạm Thị Thủy Chung trong bài Sông Tiêu Tương với văn hóa Kinh Bắcđăng ngày 2-7-2007 trên trang điện tử của Viện Nghiên cứu Văn hóa lại cho rằng sông Tiêu Tương là đoạn cuối của sông Hoàng Giang, một chi lưu sông Hồng chảy qua Cổ Loa về Phù Lưu, qua Tam Sơn vào sông Cầu. Với nguồn cấp nước dồi dào như sông Hồng thì sông Đuống đã làm mất sông Dâu để tự mình thành một dòng sông lớn, lẽ nào con sông Tiêu Tương lại tự tiêu vong trước con sông Ngũ Huyện Khê chảy về từ nguồn nước Tam Đảo. Hơn nữa cũng chưa từng có văn bản hoặc truyền thuyết dân gian nào nói về sự liên quan giữa sông Tiêu Tương và sông Hồng. Do vậy nhận định của Phạm Thị Thủy Chung cũng vẫn chỉ là một giả thuyết. Giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài Sông nước Tiêu Tươnghương Cổ Pháp(7-1996) lại mô tả song Tiêu Tương như sau: "Sông Tiêu Tương cũng là nhánh sông Hồng từ Hoa Lâm - Mai Lâm chảy qua Đình Bảng - đầm Phù Lưu và có hai nhánh, một nhánh chảy sang các làng Lũng Tiêu, Ó Chợ, Dương Ổ (làng Giấy) rồi chảy vào sông Thiếp (tức Ngũ Huyện Khê) ở vùng Đồng Bạch, một nhánh chảy xuống Đại Đồng rồi hòa nước vào sông Tào Khê chảy xuống Đại Đồng rồi hòa nước vào sông Tào Khê chảy dưới chân Phật Tích". Theo mô tả này, Ban quản lý di tích đền Đô đã có quy hoạch phục dựng sông Tương đoạn chảy qua Đình Bảng từ giáp thôn Trùng Quang (Gia Lâm) chảy phía đông đường 1A cũ, qua chùa Kim Đài vào hệ thống ao giữa làng, qua phía nam đền Đô xuống phía thôn Đại Đình. Việc phục dựng sông Tương không chỉ làm sống lại chuyện tình Trương Chi - Mị Nương mà còn vì tạo cảnh quan văn hóa và vai trò khởi nghiệp vương chiều Lý của nó.

Sông Tiêu Tương đã làm nên một vùng đồng bằng sầm uất, rồi phát tích nên vương triều Lý, dù nay đã bị lấp bồi nên ruộng nên làng nhưng nó sẽ mãi tồn tại vì đã gắn liền với huyền sử văn hóa Kinh Bắc.

Sông Thiên Đức

Giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài viết nghiêng Tiêu Tương hương Cổ Phápcòn nêu ra nhận định sông Thiên Đức, tức sông Bắc Giang do vua Lý Công Uẩn lên ngôi đổi tên, không phải là sông Đuống mà là con sông nội vùng chảy song song với sông Tiêu Tương, có vai trò quan trọng nhất với việc khởi nghiệp vương triều Lý. Con sông này còn thấy dấu vết từ dốc Lừ bên hữu Đuống chảy qua Sủi về Dương Đanh, Dương Đá vào sông Nghĩa Trụ. Đây là một nhận định mới mẻ so với nhận thức trước đó. Nếu đúng thì sông Thiên Đức cũng đã bị lấp hết và chỉ còn trong tâm thức dân gian về việc vua Lý Thái Tổ đổi tên cho nó mà thôi. Sở dĩ có nhận định này là do giáo sư Trần Quốc Vượng đứng từ núi Tiêu Sơn, nơi có mộ Hiển Khánh Vương, thân sinh vua Lý Thái Tổ, nhìn ra phong thủy, thấy tay long là dãy Nham Biền và dòng sông Cầu, vậy tay hổ là dãy Tiên Du và sông Thiên Đức (có dòng chảy theo hướng tây Tiên Du do đó không phải là sông Đuống). Tuy nhiên, nhận định này phải chứng minh sông Đuống và hệ thống đê của nó là con sông đào có sau thời Lý Thái Tổ, thậm chí có sau cả thời Lý vì nhà vua khởi nghiệp đã đặt tên Thiên Đức cho nó.

Theo sách Đại Việt sử kí toàn thưthì trước thời Lý, vùng Kinh Bắc là lộ Bắc Giang, tên đất đặt theo tên sông. Theo nhận định của giáo sư Trần Quốc Vượng thì sông Thiên Đức chưa có vai trò gì lớn so với cả vùng đất rộng lớn, khó có thể được đặt tên cho đất. Mặt khác địa danh các huyện Tiên Du, Quế Võ bên bờ bắc sông Đuống hầu như không có sự đan xen với các huyện Thuận Thành, Gia Bình ở nam Đuống để chứng tỏ ngày xưa sông Đuống đã khá lớn vì là chỉ lưu của sông Hồng. Vào thời Trần, thuyền vua từng bị mắc cạn ở sông Đuống, đoạn Bồng Lai, phải tế trâu trắng mới đi được. Nguyễn Trãi từng đi thuyền từ kinh thành về Côn Sơn có ghé thăm chùa Phật Tích (thơ Nguyễn Trãi). Vua Lê Thái Tông cũng từ Côn Sơn về kinh thành theo sông Đuống và đột tử ở Lệ Chi Viên, xảy ra thảm án đưa Nguyễn Trãi đến họa diệt thân. Thơi văn bia mộ Thượng thư Trần Danh Lâm do chúa Trịnh đề tặng cũng có câu nói sông Đuống là sông Thiên Đức. Thời chống Pháp, đơn vị quân đội tỉnh Bắc Ninh cũng mang tên Thiên Đức. Như vậy cho thấy sông Đuống do là chỉ lưu sông Hồng nên lớn hơn các sông nội vùng, và vào thời Nguyễn có việc mở rộng vai trò điều tiết nước sông Hồng nên sông Đuống rộng lớn như ngày nay. Và tất cả đều khẳng định sông Đuống chính là sông Thiên Đức thời Lý, sông Bắc Giang thời Đinh - Lê. Ngày nay sông Thiên Đức chỉ bị lấp về tên gọi mà thôi.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).