Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 26/02/2012 03:08 (GMT+7)

Những câu chuyện dân gian về Rạch Gầm – Xoài Mút

Làng Bình Đức của cụ Trác nằm ven rạch Xoài Mút, đây là địa danh ở đất Tiền Giang có liên quan đến chiến công oanh liệt của vị anh hùng “áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ. Trong lúc trò chuyện, thấy tôi cứ thắc mắc mãi địa danh Xoài Mút, cụ Trác cười cho biết: “Bởi vì xưa kia vùng này có một rừng xoài. Và đã là xoài rừng, thì trái nhỏ, hột to, cơm ít, muốn ăn được, sau khi gọt vỏ, phải đưa vào miệng mút. Rồi lần hồi bà con gọi là Xoài Mút, cũng có người kêu là Xoài Hột. Xoài Mút thường để chỉ tên rạch, Xoài Hột là tên chợ, bởi vì ở đây có chợ Xoài Hột ở xã Thạnh Phú kế bên xã Bình Đức”.

…Vào độ tháng 11 Âm lịch, mặc dù nước đã rút, nhưng nước sông Tiền theo chu kỳ hàng năm, vẫn còn dâng cao chảy vào đồng ruộng lan tràn mà bà con gọi là nước rong. Các con mương trong vườn nhà cụ Trác cũng đầy ắp nước. Nhìn nước ngập lé đé bờ, cụ Trác sôi nổi hẳn lên: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long của mình lạ lắm chú a! Đi đâu cũng toàn gặp sông rạch, kênh mương. Bây giờ nước còn ngập ra sát đường cái như vậy, thì cách nay, trên 200 năm, thời trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút xảy ra, đất đai chắc hẳn là thấp lắm, cả vùng đồng bằng vào mùa nước nổi là một biển nước mệnh mông. Do đó, theo qua, thời đó, có lẽ ông Nguyễn Huệ đã dẫn hạm đội Tây Sơn từ Sài Gòn băng qua bể nước Tháp Mười mà tiến đến đóng ở Mỹ Tho để lập trận địa phục kích ở Rạch Gầm và Xoài Mút, tiêu diệt quân Xiêm. Và chỉ có theo con đường này, nghĩa quân Tây Sơn mới hành quân thần tốc như vậy”.

Tôi biết, đây cũng là ý kiến của cụ trong Hội nghị khoa học về chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút được tổ chức tại Tiền Giang hồi năm 1985; và ý kiến này đã được PGS, TS sử học Nguyễn Phan Quang, thay mặt Hội đồng khoa học, trong bản tổng kết Hội nghị cho rằng, đây là một ý kiến mới mẻ, táo bạo, bởi vì từ trước đến nay, giới nghiên cứu đều cho rằng nghĩa quân Tây Sơn tiến vào Tiền Giang - Mỹ Tho chỉ bằng một con đường hành quân duy nhất là từ biển vào cửa Tiền rồi ngược dòng sông Tiền đến đặt bản doanh tại Mỹ Tho.

Rạch Gầm, trong thư tịch cổ, gọi là Sầm Giang, là một con rạch dài mười mấy cây số, lượn lờ, uốn khúc qua các làng Kim Sơn, Vĩnh Kim, Mỹ Long, Thuộc Nhiêu hiền hoà và trù phú. Rạch Gầm cách rạch Xoài Mút 7 cây số, cách TP Mỹ tho về hướng tây khoảng 14 cây số.

Theo người xưa kể lại: “Ngày xưa, miệt Rạch Gầm của mình đâu được sầm uất như ngày hôm nay. Thuở đó, khi ông bà mình đến đây khẩn đất, lập điền, thì chỉ toàn là rừng rậm, cây cối mịt mùng, còn dã thú nhiều không sao kể, nhất là cọp. Tiếng rống của cọp vang dậy cả một vùng, nên ông bà đặt tên chỗ này là rạch Cọp Gầm, rồi về sau, kêu bằng Rạch Gầm cho dễ nhớ. Thuở xưa, tại vùng mình đây, ở bên bờ này sông Tiền và Phú Túc ở bên bờ kia, trời đất tối tăm, mịt mù. Bỗng một đêm nọ, trời mưa như trút nước, sấm chớp đùng đùng. Tiếng gầm thét từ bên bờ này vang sang bờ bên kia, rồi sau đó dội lại, như đối đáp nhau. Đến sáng ra, trời mưa quang mây tạnh, phong cảnh sáng sủa, tươi tốt. Nhờ vậy, dân chúng làm ăn ngày càng khấm khá. Để ghi lại chuyện cũ, ông bà đặt tên cho con rạch ở miệt mình là rạch Ông Gầm, sau đó gọi tắt là Rạch Gầm, còn con rạch ở bờ đối diện thuộc cù lao Phú Túc là rạch Bà Hét” (*).

Vàm Rạch Gầm rộng khoảng vài chục mét. tại đó có chợ Rạch Gầm sung túc, bán nhiều nông sản, nhất là trái cây vào tháng giáp tết; cam, quýt, bưởi, chuối, sapô, vú sữa… Theo thư tịch cổ, làng Kim Sơn được lập vào khoảng thế kỷ XVIII, tức thuộc loại sớm ở Nam bộ. Đình làng thờ vị Tiền hiền Lê Công Giám đã có công lập làng, nổi tiếng linh thiêng. Dân làng Kim Sơn kiêng cữ tên “Giám”, mà gọi trại thành “Giếm”, thể hiện sự tôn kính, biết ơn của người đời sau đối với vị Tiền hiền đã có công lao khởi dựng xóm ấp, điền thổ.

Các cụ già ở miệt Rạch Gầm – Xoài Mút còn có vô số những câu chuyện nói về nhân dân Tiền Giang giúp đỡ nghĩa quân Tây Sơn lương thực, dầu dừa, dầu mù u để nghĩa quân làm bè lửa, đánh hoả công thiêu cháy toàn bộ thuyền chiến địch. Vỏ dừa khô có vẽ hình mặt người kết bè thả gần chỗ đóng quân của địch để địch ngỡ nghĩa quân lặn đục thuyền, phải lo đối phó, bắn hết tên đạn, kể cả việc bảo vệ bí mật trận địa mai phục và hướng đạo Nguyễn Huệ đi thực địa, để từ đó, vị anh hùng dân tộc có quyết định tối quan trọng là thiết lập trận địa phục kích ở Rạch Gầm – Xoài Mút,.. tạo nên chiến công chói lọi, sáng ngời ngàn thu. Trong ký ức của dân gian vẫn còn lưu giữ về một cây đa cổ thụ ở đầu vàm Rạch Gầm, và xem đó là nơi phát tín hiệu của nghĩa quân ở rạch Xoài Mút và cồn Thới Sơn biết là hạm thuyền Xiêm đã lọt vào trận địa mai phục để tiến công, về Chòi Mong được nghĩa quân dựng lên bên bờ rạch Xoài Mút để Nguyễn Huệ quan sát và chỉ huy chiến trận, mà hiện nay, tại đây còn địa danh Chòi Gác ở xã Bình Đức. Vâng! Tất cả những câu chuyện ấy, dù đã được huyền thoại hoá nhưng đã phản ánh được những kỷ niệm không thể phai nhoà của người dân đối với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút và nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Huệ.

… Đêm cuối năm, trời se lạnh, gió chướng thổi về từng chập làm dãy bàn ven sông lay động xào xạc với hằng hà sa số ánh đóm lung linh, huyền dịu. Tựa lưng trên lan can cầu Rạch Gầm, tôi trông ra dòng sông Tiền rộng mênh mông, nhấp nhô sóng vỗ, như thấy trước mắt mình hiện ra khung cảnh hoành tráng của chiến trận năm xưa: hàng trăm chiến thuyền Tây Sơn dũng mãnh đè bẹp toàn bộ hạm thuyền Xiêm trong tiếng reo hò dậy đất, trong biển lửa ngút trời bên sông nước Tiền Giang…

Chú thích:

(*) Ngoài những cách kiến giải nêu trên, Rạch Gầm còn có một xuất xứ khác: TS Lê Trung Hoa trong quyển Địa danh thành phố Hồ Chí Minh, trang 43, có dẫn tư liệu từ quyển Dictionnaire Vietnamien – Chinois – Francaiscủa E. Gouin, cho biết “Gầm” là biến âm của “gằm” là tên cây. Cũng theo TS Lê Trung Hoa thì “không biết đó là loại cây gì, bởi vì không thấy tự điển nào định nghĩa”. Riêng chúng tôi đã nhiều lần đi điền dã vùng Rạch Gầm, được gặp và hỏi nhiều vị bô lão về cây Găm (?), nhưng không ai biết cả.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.