Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/02/2007 17:52 (GMT+7)

Nét riêng của tiếng cười trong ca dao An giang

Trước hết, đó là tính chiến đấu cao trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Có người cho rằng người Nam Bộ gắn bó nhiều với nhà Nguyễn, từ các đời chúa Nguyễn rồi sau đó là triều đình nhà Nguyễn đã có công trong việc khai phá, phát triển vùng đất phương Nam và đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong tâm trí nhân dân, cho dù sau này như lịch sử đã ghi rõ: nhà Nguyễn đã hèn nhát nên để mất nước ta vào tay thực dân Pháp. Quả thực, thái hậu Từ Dũ, hoàng hậu Nam Phương là người Nam Bộ, kinh Vĩnh Tế, lăng Thoại Ngọc Hầu còn đó và nhiều di tíchlịch sử, văn hoá cũng còn đó. Nhưng nhân dân An Giang rất công bằng. Họ ca ngợi người có công với nhân dân nhưng với triều đình nhà Nguyễn thì họ phê phán rất thẳng, rất gay gắt. Đây là những câu ca do ông Lê Văn Huyện sinh năm 1937, người xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới cung cấp.

-                                       Bảo Đại là cháu Gia Long

     Là con Khải Định, là dòng Việt gian

-                                       Gia Long cõng rắn cắn gà nhà

     Giầy mả ông bà, Bảo Đại rước voi

    Ai ơi phải nhớ mấy lời

     Đừng cho kẻ hại giống nòi mọc lên.

Với người Việt Nam ta, chửi ai cứ chửi còn đem cả tông ti họ hàng người ta ra mà chửi thì không phải bao giờ cũng được chấp nhận. Nhưng nhân dân An Giang đã chấp nhận chửi cả tông ti họ hàng nhà Nguyễn. Từ vua khai quốc Gia Long đến vua cuối cùng Bảo Đại.

Một câu ca dao khác, sưu tầm được ở một vùng rộng khắp, từ Mỹ Long (thành phố Long Xuyên) đến Vĩnh Ngươn, Châu Phú A, Vĩnh Mỹ (huyện Châu Đốc), từ Hiệp Xương, Phú Thọ, Phú Bình (huyện Phú Tân) đến Phước Thạnh, Phú Hội, Vĩnh Lộc (huyện An Phú), từ Bình Long, Mỹ Phú, Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú) đến Lương Phi (Tri Tôn)... đã nói lên những ghi nhận của nhân dân An Giang với tội bất nhân, ác độc của Tự Đức:

Chiều chiều bắt két nhổ lông

Két kêu bớ Tự sao mày ác nhơn?

Bất nhơn chi lắm bớ mày

Tiền vay bạc mượn tới ngày nợ treo.

Nợ treo thì trả nợ treo,

Qua đi qua bán bánh bèo qua trả nợ treo

Câu cuối của bài ca không phải chỉ có tám chữ theo lẽ thường của thể lục bát. Nó có vẻ thô ráp, nó có tới mười chữ, nó phá cách như sự bất cần đời của người dân, người đang muốn phá tung hết mọi thứ cùm kẹp tàn ác bất nhân của triều đình phong kiến.

ở An Giang cũng như Nam Bộ nói chung, đạo Phật rất được sùng mộ. Nhưng nhân dân An Giang cũng có thái độ rất sòng phẳng. Theo đạo Phật hoặc tôn trong đạo Phật, kính trọng Đức Phật nhưng không thể không chê những kẻ đội lốt tu hành, những kẻ đi tu mà không trót đường tu.

A di đà Phật

Chùa chật cho nên

Hai cô nằm ngủ hai bên

Thầy chen vào giữa trùm mền cho vui.

Hình ảnh “trùm mền cho vui” rất hài hước, lí do để phải trùm mền chung như vậy cũng rất hài hước. Đó là tại “chùa chật”. Thực ra cửa chùa không chật, nó luôn rộng mở với mọi người lỡ bước sa chân, nó chỉ chật với những người như tên thầy tu kia. Và đây là thái độ của nhân dân với ông thầy chùa ăn cả thịt chó:

Con chim ăn quả bồ nu

Ai làm nên nỗi thầy tu đeo xiềng?

Thầy tu ăn nó cà riềng,

Em thưa quan cả đóng xiềng thầy tu.

Tôi đã hỏi nhiều ngưởi và được biết rằng: tiếng Nam Bộ có nhiều từ bắt đầu bằng tiếng “bồ” (như “bồ bồ, bồ hố, bồ hong, bồ ột, bồ tèo, bồ tọt, bồ xoè...) nhưng không có từ nào là “bồ nu”. Chắc chỉ là từ đưa đẩy cho vần với chữ “tu” ở câu dưới. Cũng có thể đó là một “dị quả” tương đương với sự dị dạng của ông thầy tu kia.

Tiếp theo là nội dung chống đối, châm biếm, cười vui trước tất cả mọi thói xấu trong xã hội: từ những cô gái tham tiền không lấy trai An Giang mà đi lấy Ba Tàu đến những cô gái gian dối, lông bông, ham chơi, lười lao động, “nằm đâu ngủ đấy lại toan chê chồng”, từ các cô gái thích ghẹo trai khiến “Cái miệng méo xệch như quai chèo đò” đến những cô gái thích ăn diện thích khoe mẽ ngoài cho dù “đen thủi đen thui” từ những cô gái tính tình nhỏng nhảnh như con chuồn chuồn “khi vui nó đậu khi buồn nó bay” đến anh chàng bất tài “Trói gà còn sợ gà bay” “Lại còn lên núi giang tay bắt hùm” hoặc sợ vợ mà còn nguỵ biện:

Đàn ông sợ vợ thì khôn

Vợ nạt hết hồn mới đáng mày râu

Hình ảnh con quạ lôi anh hở mông chui đầu trong đống rạ ấn tượng biết bao? Những câu ca chống thói nhậu nhẹt “sáng say chiều xỉn bỏ đàn con thơ”, khiến “tan hoang cửa nhà” có thể tìm thấy rất nhiều trong ca dao An Giang. Đôi khi lại có cả những câu chống cả cha mình, khi người mình ham nhậu nhẹt.

Cò kè cúc kích cù nhằng,

Có ai uống rượu cho bằng tía tôi?

Uống rồi ngã tới ngã lui

Đút đầu vô bụi, chổng khu la làng.

Đây là một câu ca đặc biệt Nam Bộ từ câu mở đầu có vẻ như vô nghĩa, đến danh xưng “tía” để gọi cha, cho cả đến hình ảnh “Đút đầu vô bụi chổng khu la làng” của người cha đáng trách mà cũng đáng thương.

Về cách thức thể hiện, ca dao An Giang cũng có những câu giống như ca dao toàn dân, bóng bẩy, xa gần kiểu như: “Chim tham ăn sa vào vòng lưới, cá tham mồi mắc phải lưỡi câu”... nhưng nổi bật nhất vẫn là những câu ca với thuật “treo cao, quật mạnh” để tô đậm vẻ đáng chê cười trách cứ.

Trống treo tại chợ Mỹ Lồng

Chữ đề tên bậu: “Có chồng lấy trai.”

Ngoài ra, cũng phải kể tới cách vận dụng ca dao toàn dân vào những nội dung riêng của vùng, của địa phương rất tài tình. Này là một câu gieo vần trắc có gốc gác là một câu ca dao toàn dân:

   Tưởng nước giếng cạn, anh nối sợi dây cụt,

   Ai dè nước sâu anh bị hụt sợi dây.

Này là câu chỉ có gốc gác toàn dân ở câu mở đầu:

   Cái cò, cái vạc, cái nông,

   Ba cái lười học lông bông suốt ngày.

   Bi da, điện tử, đánh bài,

   Cuối năm thi rớt, nằm dài ăn roi.

Này là câu có gốc gác từ ca dao Nam Bộ nói chung:

   Ví dầu cầu ván đóng đinh,

   Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi,

   Khó đi anh cũng ráng đi,

   Sòng bài tụi nó đang bày bên kia.

Tuy nhiên, người An Giang cũng như người Nam Bộ nói chung, trong cuộc sống khẩn hoang khai phá gian nan, cực nhọc, họ rất cần tiếng cười vui. Cười vui cả cái đáng cười và cả là ... chỉ để cười cho vui.

Đây là cái đáng cười hay chỉ để cười cho vui?

Taymang cặp táp bè bè,

Tưởng là cán bộ ai dè giác hơi!

Còn các anh tự hào là người cao ráo oai phong hay các anh lùn lùn đường bệ. Hãy coi chừng, bởi vì:

Tướng anh mập mập lùn lùn,

Em tưởng cái thùng em quẳng xuống ao.

Tướng anh ốm ốm cao cao,

Em tưởng cây sào em thọc cầu tiêu.

Lại có những câu mà ở nhiều miền khác, tỉnh khác có thể bị coi là hốn láo, bất hiếu bất nghì nhưng vẫn được lưu truyền ở An Giang:

Vái trời cho má rụng răng,

Con mua chục mía con ăn một mình.

Còn cánh làm trai, các anh phải luôn luôn cảnh giác coi chừng. Nghe tới câu “Làm trai cho đáng nên trai” chớ vội liên tưởng tới câu “Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên” mà vội mừng.

Làm trai cho đáng nên trai,

Đi đâu cũng có bộ bài sau lưng.

Văn học dân gian là những sáng tác văn học do nhân dân sáng tác và lưu truyền... Văn học dân gian cũng là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ như văn học viết. Văn học dân gian lại cùng với văn học viết hợp thành nền văn học dân tộc...(Văn học 10, Tập 1, GD, 1966). Đó là câu chữ đã được dạy cho học sinh phổ thông trung học. Nhưng để cho học sinh chuyển nhận thức đó thành ý thức và thành tình cảm yêu thương với văn học dân gian thì còn là cả một con đường dài. Các trường trung học phổ thông An Giang với sự giúp sức của Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ ĐBSCL thuộc Hội Ngôn học Việt Nam đã tổ chức sưu tầm văn học dân gian An Giang trong năm học 2004-2005. Đợt sưu tầm này thu thập từ hơn 12000 người, được tới vài chục chục ngàn tư liệu quả là việc làm rất có ý nghĩa với việc khai thác, tập hợp văn học dân gian cho tỉnh An Giang và có ý nghĩa giáo dục to lớn tới các thế hệ học sinh. Xin giới thiệu đôi nét về cách cười trong một bộ phận ca dao An Giang như trên để bạn đọc tham khảo.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Ấn tượng Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh về Bảo vệ môi trường trong học đường với chủ đề “Ngôi trường xanh”
Sáng ngày 28/12/2024, Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh về Bảo vệ môi trường trong học đường với chủ đề “Ngôi trường xanh” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức đã chính thức diễn ra tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở HWS (Hanoi Westminster School), Hà Nội. Gần 150 thí sinh từ các miền tổ quốc đã trực tiếp đến nhận giải.
Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
An Giang: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ
Trí thức khoa học công nghệ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tại An Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) đã khẳng định vai trò là "người dẫn đường", kết nối và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức.