Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 18/12/2006 23:55 (GMT+7)

Đi tìm sự thật về “Hoàng tử” Vĩnh Giu: Câu chuyện về Hoàng Phi Chí Lạc

Câu chuyện như càng dài ra bởi một chứng nhân lịch sử đã sống được 85 tuổi và có hơn 23 năm gần gũi thân thiết với hai vị vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân trên đảo Réunion; ông Nguyễn Phúc Vĩnh Giu, người con thứ 5 của vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc. Đã không ít người đặt lại vấn đề của hoàng phi Chí Lạc và Giai Triệu cũng như có những nghi vấn về gia thế đối với trường hợp của Nguyễn Phúc Vĩnh Giu.

Chúng tôi đã làm một cuộc trở về Huế theo lời chỉ dẫn của ông và tìm đến An Lăng, nơi thờ 3 vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân, mong tìm được những tư liệu liên quan đến vấn đề của hoàng phi Chí Lạc và bản thân Nguyễn Phúc Vĩnh Giu, nhằm minh định và làm sáng tỏ trường hợp vốn đã chịu thăng trầm gắn với lịch sử nước nhà.

Tiếp chúng tôi tại An Lăng, ông Nguyễn Phúc Bảo Xương, con trưởng của hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Lưu, trưởng tử của hoàng phi Chí Lạc và vua Thành Thái đã cung cấp cho bộ “Hoàng triều Thành Thái Ngọc Phả” như là một cách chứng minh đầy thuyết phục đối với hoàng phi Chí Lạc và trường hợp của hoàng tử Vĩnh Giu đang sinh sống tại Cần Thơ.

Theo bộ “Nguyễn Phước Tộc đệ tứ chánh hệ Ngọc phả” thì hoàng phi Nguyễn Công Thị Mừng tức Chí Lạc là thiếp thứ 16 của vua Thành Thái. Bà sinh năm 1890 và mất vào ngày 18 tháng 12 năm Bính Tý (nhằm ngày 26 tháng 10 năm 1996). Hiện đang an táng tại An Lăng. Bà vốn là em ruột của hoàng phi Giai Triệu, con của Cảnh Dương phủ Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Năm 1904, bà Nguyễn Công Thị Nhàn được lệnh tiến cung để hầu vua Thành Thái và chỉ hai năm sau tức là vào năm 1906 bà Nguyễn Công Thị Mừng cũng được lệnh tiến công theo ý nguyện của vua.

Chuyện tiến cung của hoàng phi Chí Lạc :

Vốn làm quan ở phủ Bố Trạch cộng với vai trò là một hoàng thân nên Nguyễn Phúc Hồng Xuý đã có quan hệ mật thiết với Tôn nhân phủ và vua Thành Thái. Theo yêu cầu của hội đồng Tôn nhân ông đã cho phép người con gái đầu của mình là bà Nguyễn Công Thị Nhàn về lại thành nội để hầu hạ vua Thành Thái. Trong những lúc theo cha vào Tôn nhân phủ để thăm chị vào những dịp lễ tết, cúng kỵ tựa như một định mệnh đã an bài, bà được vua Thành Thái đem lòng yêu thương. Theo yêu cầu của vua trong lần gặp trực tiếp với ông Hồng Xuý đồng thời qua sự sắp xếp của hội đồng Tôn nhân, lệnh tiến cung đã được ban hành dự kiến vào năm 1905. Được tin bà đã không chấp nhận và tỏ ra chống đối quyết liệt. Vì theo bà đã có người chị chấp nhận làm cung nữ và còn lại bà một mình để chăm sóc cha mẹ già. Tin ấy được đưa về Tôn nhân phủ và lọt tai đến vua Thành Thái. Vào một ngày cuối tháng giêng tại nhà quan phủ Bố Trạch Nguyễn Phúc Hồng Xuý, đã bất ngờ tiếp một vị khách đặc biệt, đó là ...vua Thành Thái với lối ăn mặc rất bình dân trông dạng như một khách nho viếng xuân. Ấn tượng đẹp ấy đã thực thụ chinh phục được tình cảm của bà Nguyễn Công Thị Mừng. Vua Thành Thái đã trực tiếp gặp bà rồi định mệnh đã được sắp đặt bởi câu nói của một vị thiên tử trẻ tuổi đầy lòng yêu nước thương dân “quả nhân cần nàng vì nàng là người của Hoàng gia còn có lòng với nỗi đau mất nước” đã khiến bà bằng lòng chấp nhận cuộc đời của một cung phi, một cung nữ khép mình trong quy điều nghiêm minh của Tôn nhân phủ.

Chính những tình cảm ấy đã thu nhiếp tâm hồn của vua Thành Thái , đồng thời ông đã có những quan hệ ấm nồng với bà Nguyễn Công Thị Mừng trước sự phản đối của Tôn nhân phủ. Trước sự cương quyết của vua, hội đồng Tôn nhân đành có một biện pháp mang tính đối phó ; khai trừ hai chị em Nguyễn Công Thị Nhàn và Nguyễn Công Thị Mừng ra khỏi thân tộc của Hoàng gia, đồng thời buộc hai chị em phải chuyển sang họ mẹ là họ Hồ trước khi chấp nhận làm thứ phi cho vua Thành Thái. Trong thời gian ở cung bà đã sinh hạ được hoàng tử Vĩnh Lưu và Vĩnh Quỳnh, Sau sự kiện phế truất vua Thành Thái và đưa về giam lỏng ở Vũng Tàu, hoàng tử Vĩnh Lưu được ông bà ngoại là Nguyễn Phúc Hồng Xuý đón về làng Cảnh Dương nuôi dưỡng. Riêng Vĩnh Quỳnh theo bà và vua Thành Thái về Vũng Tàu.

29 năm theo vua Thành Thái đi đày ở đảo Réunion :

Hồi ức của ông Vĩnh Giu nhớ lại :

Vào lúc ba má tôi đến Réunion tôi chưa chào đời. Theo ba tôi kể lại rằng vào buổi chiều ngày 3 tháng 11 năm 1916 gia đình ba tôi và gia đình anh tôi (vua Duy Tân) được đưa xuống tàu Giudiana trực chỉ từ Vũng Tàu đến hải cảng Pointe-des- Galets thuộc đảo Réunion vào ngày 20 tháng 11 năm 1916. Sáu năm sau tôi mới ra đời tại đảo này. Có thể nói rằng má tôi là một con người tuyệt vời nhất và cũng là người tôi yêu kính nhất. Vốn sinh trưởng trong một gia đình hoàng gia chịu sự giáo dục của hệ tư tưởng nho giáo, khi cùng ba tôi lưu đày tại đảo Réunion đầy xa lạ này, bà đã có những việc làm hết sức phi thường để nuôi dưỡng anh chị em tôi và đáp ứng tối thiểu cho sinh hoạt của ba tôi trong điều kiện hết sức khó khăn gian khổ. Ba tôi vốn “dị ứng” với tất cả những gì của Pháp làm ra, ông không bao giờ dùng những loại thức ăn của Pháp nên má tôi là người nội trợ chính để chế biến những món ăn đầy hương vị Việt. Má tôi đã tự chế biến nước mắm, tự làm ruốc để đảm bảo hương vị cho mỗi bữa ăn của ba tôi. Vào những ngày lễ, kỵ má tôi tự tay may bộ áo dài khăn đóng cho gần 9 anh chị em tôi. Bà đã thực hiện gần chục loại bánh và thực hiện trên 100 món ăn để dâng cúng cho các bậc liệt thành tiên đế Nguyễn triều. Ký ức mà tôi nhớ nhất là ngoài việc chúng tôi được học ở trường dòng Saint Denis, về nhà má tôi phải mở một lớp học riêng cho tất cả anh chị em tôi. Bà dạy về cách viết tiếng Việt, nghe kể chuyện cổ tích Việt Nam, dạy chúng tôi về nhạc vũ cung, dạy cách làm ra những cây đờn kìm, đờn cò, đờn bầu, đờn nguyệt... Trong những giờ học ấy bà luôn đưa chúng tôi về với Tổ quốc với một cố hương đang bị giặc Pháp xâm lược. Một lần khi ba và má đưa tôi đi dạo dọc theo bãi biển, ba tôi đã nói rằng “một ngày nào đó khi con đã lớn khôn con sẽ trở về Việt Nam, con đi trên những con đường quê hương có những con đường được gọi là đường Thành Thái, đường Duy Tân. Thành Thái và Duy Tân là ai thì nhân dân sẽ nói cho con rõ”. Về nhà má tôi đã nói chuyện với tôi rất nhiều về triều Nguyễn, về ba tôi và về anh Duy Tân nữa, Má tôi dã luôn khuyên nhủ tôi rằng lớn lên phải cố gắng học cho thành tài giúp nước để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước nhà. Có một đêm mà má tôi khóc nhiều nhất làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên bởi từ trước đến giờ chuíng tôi chưa thấy má tôi khóc bao giờ. Đó là việc nhà tôi nhận được hung tin vào ngày 24 tháng 12 năm 1945 trên chuyến phi cơ Lokhied Lodester C60 chở anh tôi về lại đảo Réunion thăm gia đình đã bị nổ tung trên một ngọn đồi nhỏ vùng La Lobaye cạnh làng Bossako cách M’Baiki 35 km. Sau sự kiện này không còn lý do nào để giam giữ ba tôi nên thực dân Pháp đã đồng ý ba tôi trở về Việt Nam năm 1947 cùng với toàn thể gia đình.

Được về Việt Nam nhưng ba má tôi vẫn phải chịu sự quản chế của thực dân Pháp từ Vũng Tàu, Biên Hoà đến Sài Gòn. Năm 1957 ba tôi được phép trở về Huế. Trong chuyến đi này ba tôi đã thông báo với Tôn nhân phủ về trường hợp phong chức hoàng phi với tên gọi Chí Lạc cho mẹ tôi vì những công lao của bà trong gần 30 năm với thân phận lưu đày. Ba tôi mất tại Biên Hoà rồi má tôi về sống với chị tôi là Nguyễn Phước Lương Thầm, lúc đó đang làm việc tại nhà thương điên Biên Hoà (nay là bệnh viện tâm thần Biên Hoà). Năm 1958, má về sống với tôi ở Cần Thơ. Nhưng thấy cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng giám sát của chính quyền đối với bản thân tôi cùng với kinh tế eo hẹp, hàng đêm tôi phải đến những quán bar để chơi nhạc kiếm tiền, chỉ sau 1 năm má tôi lại trở lên Sài Gòn sống với người em gái út của tôi là Lương Cầm. Cuộc sống của bà lúc ấy dựa hẳn vào sự chăm sóc của người em gái út cho đến năm 1996 rồi mất và đưa đi an táng tại nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức) về sau nghĩa trang Gò Dưa giải toả chúng tôi đã đưa hài cốt của má tôi về Huế chôn tại An Lăng ngay cạnh cha tôi như ước nguyện của bà lúc còn sống...

Cuộc đời của hoàng phi Chí Lạc như mãi gắn chặt vào quãng đời lưu đày của nhà vua yêu nước Thành Thái. Người đã chấp nhận mọi gian khổ để hoàn thành sứ mạng của mình là chăm sóc cho nhà vua từ lúc lưu đày đến lúc băng hà và nhận về cho mình những lận đận lao đao đến cuối đời. Con người ấy đáng tuyên danh vậy.

Nguồn: Xưa và nay số 246tháng 10 - 2005 trang 26,27

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới