Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 29/10/2010 23:25 (GMT+7)

Đào Cam Mộc, vị công thần triều Lý

Đào Cam Mộc quê làng Lang Thôn, huyện Yên Định, thân phụ mất sớm, ông theo mẹ về quê ngoại nay là thôn Nam Thạch, xã Yên Trung. Vốn thông minh, quyết đoán và sức khỏe hơn người, viên tướng họ Đào được nhà Tiền Lê tin dùng, làm chức Chi hậu (hầu cận vua). Theo hai bản thư tịch Ngọc phả tướng Đào Cam Mộc và Công chúa Thiềm Hoa - An Quốc tại phủ Vũ Bị, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và bản Tự phả chùa Đông Hải - chùa Thiên Đô, nay là đền Vệ xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, cho ta biết thêm một số tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của vị công thần bậc nhất triều Lý.

Ngọc Phả phủ Vũ Bị do Tiến sĩ Phạm Tráng quê ở Dũng Nhuệ, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, soạn ngày 2-2 niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (Nhâm Tuất 1502). Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) được Tam giáp Ngô Thế Vinh quê Bái Dương huyện Nam Trực ( Nam Định) chép. Trong Phả chép rằng, mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tổ về quê Kinh Bắc thăm tổ đường, trên đường trở lại Hoa Lư, Lý Thái Tổ ghé thăm đất Hương Ngư, huyện Thượng Hiền (nay là thôn Vũ Bị, xã Vũ Bản), các cuộc tuần du có phò mã Đào Cam Mộc hầu giá, coi như chuyến khảo sát cuối cùng cho công cuộc dời đô.

Thấy đất Vũ Bị thế đẹp, dân làng thuần hậu phò mã xin vua nhận đất để sau này đưa công chúa về ở. Tại đây, vợ chồng ông khuyên dân tương thân cư xử, tương trợ cấy cày xây thuần phong mỹ tục. Công chúa An Quốc xuất tiền riêng mở mang ruộng đất, xin vua dựng bia thế nghiệp, đến nay phủ Vũ Bị còn giữ hai tấm đá cổ, các nhà chuyên môn gọi là Thạch Kiệt, hiểu chung là mốc ruộng đất 'Sắc cấp tứ' nhà vua cấp cho người có công. Thạch Kiệt được dựng vào năm Hồng Thuận thứ 5, ngày 25-2 năm 1513, ghi chép trên 140 mẫu ruộng ở các xứ trong vùng, xa nhất là đồng Ba, thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục. Các di tích thờ vợ chồng Đào Cam Mộc đều có miếu nguy nga, được các vua nhà Nguyễn ban 10 đạo sắc phong, các nhà khoa bảng đề thơ ca tụng... hằng năm dân làng thường xuyên mở hội.

Trong Thư tịch cổ cho biết, khi được vua Lý Thái Tổ trao cho trọng trách dời đô, Đào Cam Mộc chuẩn bị hai đoàn thuyền gồm 300 chiếc, một ngả đi đường biển qua vùng đất huyện Hải Hậu, Xuân Thủy mới bồi sau thời Lý vào sông Hồng lên thành Đại La; một ngả nơi sông Nhị cũng lên thành Đại La. Khi thuyền đến chân thành, thấy có hai con rồng vàng hiện ra chào đón, nhà vua mới gọi kinh thành là Thăng Long.

Bản 'Tự phả chùa cổ Đông Hải', do Minh Tuệ thiền sư trụ trì chùa chép năm Canh Tý (1840), cũng theo Ngọc phả thời Lê do Quản giám bách thần Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc (1557) ghi rằng: Chùa này có từ thời Đinh - Tiền Lê, gần biển nên gọi là chùa Đông Hải. Thời trẻ Đào Cam Mộc từng tu học, giỏi võ, thông văn được sư tổ cho đi tìm minh quân, sau đó ông vào Hoa Lư làm quan cho nhà Tiền Lê, nhà Lý. Tháng 6-1010, Lý Thái Tổ phong Đào Cam Mộc chức Thiên Đô tiên phong tướng quân chỉ huy cuộc dời đô, tại đây triều đình làm Lễ tế cáo trời đất, xuất quân nên từ đó đổi tên là chùa Thiên Đô.

Thái sư Á vương Đào Cam Mộc mất ngày 2-2 năm Thuận Thiên thứ sáu 1015 tại chùa Tề Thánh, ấp Mã Chiên, huyện Thái Bình (các nhà nghiên cứu cho rằng, đấy là đất phủ Quốc Oai, Hà Nội ngày nay), hưởng thọ 73 tuổi, còn công chúa An Quốc mất vào năm sau (1016) tại Vũ Bị.

Những bản thư tịch cổ và di cảo thơ văn của các vị đại khoa triều Trần, Lê và Nguyễn... là những tư liệu quý mới sưu tầm được, góp phần tìm hiểu sự kiện lớn của đất nước cách đây nghìn năm. GS sử học Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người đề dẫn, tổng kết hội thảo khẳng định: “... Các thông tin mới sẽ giúp cho người nghiên cứu có thêm cơ sở để đẩy sâu hơn nữa công việc nghiên cứu thời kỳ lịch sử này. Đây cũng mới chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng đầy hứa hẹn, cần được tiếp tục đi sâu đẩy mạnh hướng tới sự thật lịch sử”.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.