Yếu tố hóa học với việc ương tôm sú trong bể
Ương tôm bột trong bể sau 2 tuần để được postlarvac 15-20 (PL 15-20). Đây là giai đoạn quyết định sự thành công hay thất bại của một đợt sản xuất. Bởi vì đến giai đoạn này chi phí sản xuất đã cao, nếu tỷ lệ sống thấp có thể bị lỗ vốn hoặc dẫn đến con giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình nuôi tôm thịt. Những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm, ngoài yếu tố vật lý (nhiệt độ, độ mặn, độ đục của nước). Nguyên nhân chính và quan trọng chi phối đến đời sống của tôm trong bể là các yếu tố hóa học. Trong đó có: khí oxy hòa tan, độ chua của nước và hydro sunfua....Vì vậy khi ương tôm trong bể cần phải theo dõi chặt chẽ các yếu tố này.
- Khí oxy hòa tan (dưỡng khí): Đây là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng từng phút đến sự sống của tôm. Sự thiếu dưỡng khí trong nước là nguyên nhân thường xuyên gây tử vong cao và nhanh nhất cho ấu trùng tôm, dù chỉ bị thiếu dưỡng khí trong một thời gian ngắn, sau đó được cung cấp là đủ ngay, tôm trong bể ương tuy sống sót song cũng bị yếu và còi cọc. Lượng dưỡng khí thích hợp cho ấu trùng tôm sú ít nhất phải lớn hơn 5ppm. Khi môi trường thiếu dưỡng khí, tôm thường có biểu hiện: tập trung bơi trên mặt nước, gần nơi nước chảy vào và theo dọc thành bể ương và gia tăng nhịp thở, hoạt động kém. Để đo được lượng dưỡng khí (oxy) trong nước, người ta gọi là oxygen meter với đơn vị được đọc là phần triệu (ppm). Lượng dưỡng khí trong môi trường ương thường thay đổi lớn về đêm, gần sáng. Để tránh phải đo liên tục, theo kinh nghiệm chỉ cần đo lượng oxy vào ít nhất hai thời điểm là 20 giờ và 23 giờ rồi suy ra lượng oxy vào các thời điểm tiếp theo. Ví dụ lượng oxy đo được lúc 20 giờ và 23 giờ là 7,3 và 5,5ppm. Từ đó ta có thể đoán ra được lượng oxy vào lúc 3 giờ sáng là 2,5ppm và ta có thể chủ động điều hành máy sục khí về ban đêm.
- Độ chua của nước (pH): pH là ký hiệu để chỉ độ chua hoặc kiềm của nước. pH biến thiên từ 1 đến 14. Nếu môi trường nước có pH=7 gọi là môi trường trung tính (không chua cũng không kiềm). Nếu pH>7 thì môi trường thuộc loại kiềm và pH<7 là môi trường thuộc loại chua. Độ pH chịu ảnh hưởng rất nhiều của khí cacbon (CO 2). Các thực vật nổi sử dụng khí này khi quang hợp. Vì vậy trong môi trường nước, pH thường tăng về ban ngày, giảm về ban đêm. Do đó, khi đo pH của nước, nên đo cả buổi sáng và buổi chiều để thấy rõ sự cách biệt trong ngày. Nếu pH của nước nằm trong khoảng từ 7-9 là thích hợp cho tăng trưởng của tôm. Ngược lại độ chua và độ kiềm làm cho tôm chết là 4 và 11.
Khi trong môi trường nước có nhiều CO 2có thể trừ khử chúng ra khỏi nước bằng cách cho gia tăng máy sục khí cho khối nước, CO 2sẽ thoát đi.
- Chất kiềm: Môi trường nước ương tôm có độ kiềm cao sẽ làm giảm bớt sự thay đổi pH. Qua thực tế nếu trong nước có lượng kiềm tổng cộng ít hơn 20mg/l thì thường có ít CO 2sẵn sàng cho hiện tượng quang hợp của thực vật nổi.
- Độ cứng của nước: Được tính bằng mg canxi cacbonat tương đương trong 1 lit. Tuỳ theo độ cứng, nước được phân loại như sau: 0-75ppm: mềm; 75-150ppm: cứng trung bình; 150-300ppm: cứng; >300ppm: rất cứng
Môi trường nước có độ cứng 20-150 thì thích hợp cho tôm phát triển.
- Hydro sunfua (H 2S) ở dạng hơi (khí) thường được tạo thành trong điều kiện hiếm khí. H 2S thường ở mức độ thấp nếu trong môi trường có nhiều oxy. H 2S là chất hơi nên cũng dễ đẩy ra ngoài bằng khí thổi hoặc máy sục khí. Nước trong bể ương chứa từ 0,01 đến 0,05mg/l H 2S là có thể làm tôm chết. Trong thực tế, muốn khử được H 2S, biện pháp tốt nhất trong bể ương là dùng máy sục khí.
Trong bể ương nếu quản lý tốt các ảnh hưởng của yếu tố lý, hóa học tỷ lệ sống của tôm bột 15-20 là 70-80%.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 39 (1757), ngày 16/5/2005