Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 13/05/2013 21:58 (GMT+7)

Y học cổ truyền và hội chứng rối loạn lipid máu

Mặc dù nguyên nhân của bệnh vữa xơ động mạch chưa hoàn toàn được làm sáng tỏ nhưng hội chứng rối loạn lipid máu đã được chính thức coi là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của mảng vữa xơ. Bởi vậy về mặt điều trị vấn đề điều chỉnh hội chứng này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trong y văn của y học cổ truyền (YHCT) không có cụm từ “rối loạn lipid máu”, nhưng căn cứ trên các biểu hiện lâm sàng có thể thấy hội chứng này thuộc phạm vi các chứng “đàm ẩm”, “huyết ứ”, “đầu thống”, “tâm quí”, “hung tý” của YHCT. Trong đó vấn đề “đàm trọc” là nổi bật hơn cả.

Theo quan niệm của YHCT, đàm có thể chia ra làm hai loại: đàm nghĩa hẹp và đàm nghĩa rộng. Đàm nghĩa hẹp nói chung là để chỉ vật ứ lại ở phế và được đưa ra ngoài hay còn gọi là đàm hữu hình hay ngoại đàm. Đàm nghĩa rộng là để chỉ thứ đàm do công năng các tạng phủ rối loạn hoặc hư tổn sinh ra. Vì khó quan sát được nên gọi là đàm vô hình hoặc nội đàm (đàm trọc nội sinh). Loại đàm này là sản phẩm trung gian từ nước chuyển thành tân dịch, bao giờ cũng có một lượng nhất định, khi tạng phủ bị rối loạn hoặc hư yếu chúng tăng lên nhiều và trở thành yếu tố gây hại rất rộng lớn. Vì thế, người xưa có thuyết “bách bệnh kiêm đàm”, “bách bệnh đa nhân đàm tác sùng”.

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt ở Trung Quốc đã đi sâu phân tích, tìm mối liên hệ giữa hội chúng rối loạn lipid máu của YHHĐ với các chứng trạng của YHCT. Căn cứ trên các biểu hiện lâm sàng, người ta thấy giữa hội chứng rối loạn lipid máu và hội chứng đàm thấp có một sự tương đồng khá sâu sắc. Tuy nhiều khía cạnh còn phải bàn cãi nhưng về cơ bản đã thống nhất được các vấn đề cụ thể sau đây:

I. Bệnh nguyên.

Hội chứng rối loạn lipid máu phát sinh do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Yếu tố thể chất: do tiên thiên quyết định, thường là tiên thiên bất túc. Sách Linh khu thiên “thọ yểu cương nhu” viết: “Con người ta sinh ra, có cương có nhu, có cường có nhược, có dài có ngắn, có âm có dương”. Yếu tố này có thể hiểu tương tự như nguyên nhân di truyền của YHHĐ.

Yếu tố ăn uống (ẩm thực bất điều): do ăn quá nhiều các chất cao lương, thức ăn ngọt béo làm thương tổn tỳ vị, khiến vận hóa thất điều, đàm thấp nội sinh mà dẫn đến bệnh tật. Yếu tố này tương tự như việc ăn quá nhiều thức ăn giàu mỡ động vật mà YHHĐ quan niệm.

- Yếu tố ít vận động thể lực: sách “Tố vấn thiên tuyên minh ngũ khí luận viết: cửu ngọa thương khí, cửu tọa thương nhục” (nằm nhiều hại khí, ngồi nhiều hại cơ nhục), thương khí dẫn đến khí hư, thương nhục dẫn đến tỳ hư, tỳ khí hư suy mà gây ra bệnh.

- Yếu tố tinh thần (thất tình): lo nghĩ hại tỳ, giận dữ hại can, can mộc vượng khắc tỳ thổ làm tỳ thổ rối loạn, hư yếu, công năng vận hóa suy giảm, đàm trọc ứ trệ kinh mạch mà sinh bệnh. Đây chính là yếu tố căng thẳng thần kinh (stress) của YHHĐ.

2. Bệnh cơ.

Các yếu tố gây bệnh kể trên trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho công năng của các tạng phủ bị rối loạn hoặc hư tổn, trong đó liên quan nhiều đến tỳ, thận, tâm, can mà đặc biệt là tỳ và thận (sơ đồ).

Tỳ là nguồn sinh đàm, tỳ khí hư yếu thì không thực hiện được công năng vận hóa thủy cốc khiến chất thanh khó thăng lên, chất trọc khó giáng xuống, chất tinh vi của thủy cốc không thể vận hóa, lưu chuyển bình thường, tụ lại mà hóa thành đàm trọc gây bệnh. Mặt khác, tỳ thổ suy yếu không chế được thủy thấp khiến thủy thấp ngưng đọng mà thành đàm.

Thận là gốc của đàm, thận dương hư suy, hỏa không làm ấm được thổ, thủy thấp và tân dịch không hóa khí được tràn lên thành đàm (thận hư thủy phiếm thành đàm). Thận âm khuy tổn, hư hỏa ở hạ tiêu chưng bốc hun nấu tân dịch cũng tạo thành đàm.

Can cũng có thể sinh đàm. Các chứng uất đàm, kinh đàm, khí đàm, phong đàm mà cổ nhân đã nói không loại nào không quan hệ đến can. Phế khí hư suy mất khả năng túc giáng thông điều thủy đạo, thủy dịch ngưng lại thành đàm hoặc giả phế âm bất túc, âm hư hỏa vượng, hư hỏa hun nấu tân dịch cũng tạo thành đàm...

Tóm lại, ngũ tạng hư tổn đều có thể sinh đàm. Đàm khi đã sinh ra đi theo khí và phân bố rất rộng. Trên thì lên tới đỉnh đầu, dưới thì xuống đến Dũng tuyền, trong thì vào tạng phủ, ngoài thì ra cơ nhục, bì phu làm cho kinh lạc nghẽn tắc, huyết mạch không thông, mạch lạc ứ trệ, mà thành ra các chứng đầu thống, huyễn vựng, tâm quý, hung tý... với các biểu hiện lâm sàng tương tự như bệnh cảnh của hội chứng rối loạn lipid máu của YHHĐ.

Như vậy theo YHCT, hội chứng rối loạn lipid máu là một chứng do nội đàm gây nên (đàm vô hình) có đặc điểm “bản hư, tiêu thực”, “tiêu” là đàm trọc nội sinh, tâm huyết ứ trở, “bản” là công năng tạng phủ thất điều hoặc hư tổn mà chủ yếu là ba tạng tỳ, thận và can.

3. Nguyên tắc trị liệu.

Vì bệnh có đặc điểm “bản hư, tiêu thực” cho nên về nguyên tắc là phải chú ý đầy đủ cả “tiêu” và “bản”. Tùy theo thế bệnh hoãn hay cấp mà lấy phù chính làm chủ, khứ tà là phụ hoặc khứ tà làm chủ, phù chính là phụ hoặc vừa phù chính vừa khứ tà, tiêu bản đồng trị. Bản hư chủ yếu là tỳ thận hư tổn, tiêu thực chủ yếu là đàm trọc, huyết ứ. Trị bản phải chú ý bổ tỳ, ích thận, trị tiêu phải chú ý các phép khứ đàm trừ thấp, thanh lý thông hạ, hoạt huyết hóa ứ...

Vì đàm trọc có vai trò rất quan trọng trong cơ chế bệnh sinh cho nên trong điều trị phải rất chú trọng phép chữa đàm. Phép chữa đàm rất phong phú nhưng có thể chia thành hai mặt: một là trị bản để chữa đàm gồm có các phép bổ tỳ, ích thận, nhuận phế, thư can..., hai là khi đàm đã hình thành thì phải chữa thẳng vào đàm gồm các phép lý khí hóa đàm, táo thấp hóa đàm, nhuận táo hóa đàm, thanh nhiệt hóa đàm, trừ phong hóa đàm, trừ hàn hóa đàm.

Vì khí có vai trò rất quan trọng trong việc sinh ra đàm nên trong các phép trị đàm phải chú ý nguyên tắc “trị đàm tiên trị khí” “khí thuận thì đàm tự tiêu” (Hải thượng Lãn Ông - Y trung quan kiện) và trong trị đàm “nhất thiết không nên vét sạch cả đàm đi” “vì đàm vốn sẵn có từ lúc sơ sinh và cũng là một vật để nuôi sống nữa” (Hải thượng Lãn Ông), có nghĩa là chỉ loại bỏ phần đàm dư thừa mà thôi.


Sơ đ:Cơ chế bệnh sinh hội chứng rối loạn lipid máu theo quan niệm của YHCT

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.