Nguyễn Đình Thi là một ngôi sao sáng trên nhiều lĩnh vực. Giới văn nghệ sĩ, giới trí thức và những ai đã đọc ông, biết ông đều thống nhất nhận định đó. Thật hiếm có một con người thông minh, có khả năng ở nhiều mặt như vậy. Ngay ở tuổi vị thành niên, trong khi đất nước đang sống lầm than dưới ách thực dân bán phong kiến thì ông đã xác định cho mình con đường đúng phải đi, dù vô vàn chông gai, nguy hiểm. Ông tham gia phong trào Việt Minh (1941) phong trào văn hóa cứu quốc (1943), tham gia Ủy ban giải phóng dân tộc (1944, 1945).
Mới bước vào tuổi 18 khi đang học trường Luật ông đã nghiên cứu và viết sách về triết học. Ông viết về Nít sờ, Kăng, Đề các – Các nhà triết học phương Tây thời xưa – trên quan điểm lịch sử kết hợp với ánh sáng của tư tưởng thời đại.
Ông giải thích thuyết lý duy tâm của họ trong quan hệ đa chiều, tương phản với những thuyết lý khác để gián tiếp giới thiệu một phần chủ nghĩa duy vật. Ngay cả trong cuốn siêu hình học, ông lý giải mặt đối lập của nó với phép biện chứng cũng có phần để giới thiệu mặt ưu việt của phép biện chứng.
Cách viết thông minh tài năng của ông đã giúp cho những bộ sách triết học theo cách nhìn mới được ra đời trót lọt dưới con mắt cú vọ của nhà cầm quyền cũ và có tiếng vang. Các tác giả một cuốn từ điển Pháp (Dictionnaire des Philosophes: từ điển các triết gia) đã dành mấy trang giới thiệu Nguyễn Đình Thi và tác phẩm triết học của ông.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, dù ông mới bước vào tuổi 20 nhưng đã được tín nhiệm cử làm thường trực Quốc hội, làm tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc. Ông chững chạc là một nhà hoạt động chính trị, một nhà quản lý văn hóa với thực tài của mình chứ không phải nhờ có cái mác “đi theo Đảng” sớm. Bài chính luận “nhận đường” của ông là một tuyên ngôn về hướng đi của giới tri thức, của văn nghệ sĩ, một biểu hiện rõ rệt sự nhạy cảm chính trị của một nhà hoạt động văn hóa.
Thực tiễn sôi động với nhiều cái mới đau thương nhưng hào hùng đã làm máu nghệ sĩ trong người ông trào lên. Hai bài “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”chẳng bao lâu đã âm vang khắp các nẻo đường ngõ xóm tràn vào cả những phòng trà quán bar khắp đất nước, trở thành 2 tác phẩm tiên phong của trào lưu âm nhạc cách mạng, tạo ra chất hùng ca hoành tráng trong âm nhạc Việt Nam.
Nhưng rồi con người nghệ sĩ của ông lại bước sang lĩnh vực thi ca. Ông đã có những bài thơ, những vần thơ làm say đắm lòng người, sống mãi trong sổ tay, trong ký ức ấm áp của những người lính trên mọi nẻo đường hành quân: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây”.
Những ngày chuẩn bị rời Hà Nội đi chiến trường, tôi đã chép trọn bài thơ “Đất nước” của ông mang theo và học thuộc. Những đêm nằm trong rừng trên chiếc võng dù, tôi đã ngâm nga bài thơ đó và láy đi láy lại nhiều lần những câu tâm đắc: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”hay những hình ảnh gợi cảm ấn tượng“Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều”.
Ông thấy thơ ca truyền thống êm ái, ngọt ngào nhưng vẫn có cái gì đó công thức gò bó không hợp với sự biểu cảm thoải mái chân thực. Ông chủ trương thơ tự do, không lệ thuộc vần điệu và số chữ trong câu:
“Ta chào trái tim đất nước anh hùng
Em
Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em”
Văn Cao là người ủng hộ nhiệt liệt và đã cho ra đời những bài thơ cũng không theo luật lệ nào, tiêu biểu là trường ca “Những người trên cửa biển”,không lụy vần nhưng có tiết tấu có nhạc điệu, đọc vẫn thấy rất thơ: “Không có tiếng vỡ trong không gian, sao có tiếng vỡ trong lòng tiếng vang âm rền rĩ…”
Nhưng rồi trên văn đàn không còn sự bàn luận sôi nổi về quan điểm thơ không vần của Nguyễn Đình Thi nữa. Phái thơ Nguyễn Đình Thi yếu thế. Thơ ông phải trở lại khuôn khổ. Song trên thực tế loại thơ tự do vẫn phát triển mạnh như một dòng chảy xiết không thể nào ngăn nổi.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, tham gia chiến dịch Trung du, ông thấy cần đến với một thể loại văn học khác, có điều kiện để phác thảo chân dung con người thời đại rõ nét hơn: thể loại tiểu thuyết. Chỉ sau 40 ngày, ông cho ra đời cuốn “Xung kích”xuất hiện như một tác phẩm tiên phong mở đầu cho một trào lưu tiểu thuyết cách mạng.
Nguyễn Đình Thi chủ trương không để cho nhân vật phát triển theo một khuôn mẫu định sẵn mà tính cách, tâm lý được miêu tả diễn biến theo một lôgic hợp lý mà thoải mái. Bố cục truyện cũng phải linh hoạt để mô tả cái hiện thực đầy biến động của thời cuộc. Ông không thích cái hiện thực phơn phớt được tô điểm cho thành một thứ hàng mỹ nghệ như văn của Tự Lực Văn Đoàn hay khơi sâu nặng nề với những ngôn từ đao to búa lớn theo một bố cục gò bó như truyện của văn học hiện thực phê phán.
Theo dõi 2 nhân vật Sản, Kha và mọi diễn biến trong “Xung kích”,ta thấy khá rõ điều đó. Tác phẩm được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt nam. Nhưng rồi cũng có ý kiến của một đồng chí lãnh đạo cho rằng nhân vật điển hình cách mạng trong “Xung kích” mang nặng tư tưởng tiểu tư sản. Ngòi bút tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi có chững lại nhưng hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa theo hướng mở vẫn xuất hiện.
Giữa lúc lý luận, phê bình văn học nghệ thuật chưa có nền tảng, ông tung ra một loạt tiểu luận, thể hiện một nhãn quan học thuật mới. Giới văn nghệ và bạn đọc đặc biệt quan tâm đến bài đánh giá văn phẩm của Nam Cao. Qua ngòi bút phân tích của ông, Nam Cao đang chìm trong quên lãng đã hiện ra như một văn nhân hiện thực tiêu biểu. Ông đã thể hiện một cách nhìn sắc sảo đầy chất triết lý đối với truyện của Nam Cao.
Cách nhìn đó đã mở ra một hướng phát triển cho lý luận, phê bình văn nghệ trong thời kỳ mới. Nhưng rồi ông cũng bị nhắc nhở: Hãy cẩn thận. Và, rồi ông phải “cẩn thận” thật. Song cách nhìn nhân hậu, hiện đại của ông vẫn chi phối tư duy của nhiều người. Lịch sử vẫn coi ông là người đi tiên phong xây nền tảng tư tưởng cho lý luận, phê bình văn học nghệ thuật cách mạng.
Nguyễn Đình Thi lại đi sang lĩnh vực sân khấu. Ông viết một loạt vở kịch, đều có giá trị. Người ta chú ý nhiều đến các vở “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”.Ở đây, người ta nhìn thấy một Nguyễn Đình Thi đầy trí tuệ, một sự kết hợp tài năng Đông Tây kim cổ. Ông viết chuyện xưa mà không lụy cổ, ông viết về trời phương Đông mà có ánh sáng của văn hóa phương Tây.
Ông viết về một nhân vật có thật, không lụy sự thật mà rất thật. Ông viết về một con người của một giai đoạn lịch sử cho những độc giả sống trong mọi thời đại. Nhưng rồi những tác phẩm sân khấu của ông cũng bị chiếu tướng, thậm chí có vở đang diễn đã bị đình lại. Nguyễn Đình Thi lại bị nhắc rằng kịch của ông có tính ám chỉ không tốt. Ông có thanh minh nhưng sân khấu vẫn vắng mặt vở diễn của ông. Song người đời vẫn ghi nhận công khai phá của ông trong lĩnh vực này.
Tôi không được may mắn gần gũi ông, quen ông nhưng do tình cờ mà tôi đã có 4 lần ngồi cạnh ông, nghe ông phát biểu (một lần ông tiếp và trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp, một lần ông đến nói chuyện ở Báo Giáo dục - Thời đại, một lần ông gặp và trao đổi với một số tổng biên tập báo xung quanh việc thay đổi Tổng biên tập Báo Văn nghệ, một lần cùng dự tọa đàm về nhạc Văn Cao trong diện hẹp).
Tôi là người tin tưởng quý trọng ông, có nhiều ấn tượng tốt đẹp về ông qua những ấn phẩm của ông mà tôi đã đọc, nên tôi có ý quan sát và lắng nghe ông nói. Ông quả là một con người lịch thiệp, thông minh, trí tuệ và đa tài.
Tôi rất đồng tình với sự đánh giá cao tài năng và sự đóng góp của ông cho đất nước, nhất là công khai phá trong sự nghiệp văn nghệ. Tôi thấy ông rất xứng đáng được nhận những phần thưởng mà nhà nước đã ban tặng (giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, huân chương Độc lập hạng nhất…), các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam .
Nhưng đó là đứng ở góc nhìn so sánh với khách thể mà phân tích chứ nếu kết luận trên cơ sở đóng khung trong chủ thể (nghĩa là so sánh giữa kết quả hành động của ông với hoài bão của ông, tài năng đa dạng của ông) thì tôi có thể khẳng định ông chưa làm được nhiều ông đã buông lái giữa giòng.
Ông chỉ mới mạnh dạn bước vào vùng đất thánh cải cách văn hóa bằng những phát súng và những hồi kèn xuất phát ròn rã. Nhưng sự hoàn thiện, những bước tiếp thành công thì không có dấu chân ông, súng và kèn đã trao cho người khác, nếu không nói có lúc ông đã vô tình trở thành lực cản.
Tiếc cho con người cải cách nửa vời, tự hãm tài năng
Tôi không coi đây là thái độ khiêm tốn, là ý thức tổ chức kỷ luật. Ông vốn là người rất tự tin, có chính kiến rõ ràng. Nhưng ông đã không dám tỏ bày, trao đổi tranh luận để bảo vệ lập trường của mình là do ông nể e sợ và là do tinh thần bảo mạng. Phải chăng cái góc tâm hồn tăm tối này đã khống chế cái tầm trí tuệ rộng lớn và ngòi bút năng động của ông, làm cho ông có lúc trở thành một thường dân trong giới trí thức và văn nghệ. Thật đáng tiếc.
Tôi không trách ai đã kìm hãm tài năng của ông mà tôi thực sự không hài lòng về ông. Những năm từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây Đảng ta đã đổi mới, có nhiều chính sách mở đối với trí thức văn nghệ sĩ nhưng ông vẫn chưa thoát ra khỏi cái lề thói tầm thường của một tư tưởng tầm thường. Tôi không muốn ông thẳng thắn trung thực để rồi gặp phải những thăng trầm đau đớn như các ông Kim Ngọc, Trần Đức Thảo vì ông là người khôn khéo trong giao tiếp văn hoá.
Nhưng Nguyễn Đình Thi phải hiểu rằng chính những người như Kim Ngọc hay Trần Đức Thảo lại được cuộc đời trả lại tất cả những gì họ đã làm cho cuộc đời này. Còn ông, ông đã yên phận tự xóa bỏ mình (một người mà giới tri thức văn nghệ sĩ đặt nhiều kỳ vọng) để bảo vệ một sự yên ổn cho một chức vụ tàm tạm, một cuộc sống tàm tạm nào đó là có tội với cuộc đời.
Tuy ông đã có mấy vần thơ hối hận vào cuối đời: “Tôi biết tôi đã nhiều lần ác. Và ngu dại còn nhiều lần hơn. Mong anh em hiểu, đừng cười…”tôi vẫn thấy chưa hết buồn và xót xa khi nghĩ đến ông. Phải chăng vì tôi đã quá yêu ông, tin tưởng ông.
Mong ông ở dưới suối vàng thông cảm với những điều suy nghĩ của tôi, có thể còn chưa chín nhưng là tiếng nói tự đáy lòng.