Xã hội hóa hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách
Ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 734/TTg về việc thành lập hệ thống cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý giành cho NN&ĐTCS. Sau 7 năm thực hiện Quyết định trên có đủ cơ sở khẳng định hoạt động Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TVPL, TGPL) thuộc chức năng xã hội của nhà nước, là hoạt động rất cần thiết, đúng đắn và hợp lý, thể hiện trách nhiệm của nhà nước với nhân dân trong việc hướng dẫn giải thích pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NN&ĐTCS, bảo đảm công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc tiếp cận pháp luật và tuân theo pháp luật, khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Điều cần lưu ý là xã hội hóa chỉ là việc Nhà nước chuyển giao một nhiệm vụ thuộc chức năng Nhà nước cho các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, cộng đồng xã hội và cá nhân. Việc các tổ chức xã hội thực hiện xã hội hóa hoạt động TVPL, TGPL cho NN&ĐTCS xuất phát từ con người và vì con người, bảo đảm quyền con người và công bằng xã hội không phải là sự ban ơn mà là nghĩa vụ, không đem lại lợi nhuận mà mang tính nhân văn cao cả. Mặt khác, thông qua hoạt động TVPL, TGPL còn giúp cán bộ, cơ quan nhà nước xem xét giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật của người dân một cách công bằng, chính xác, kịp thời, thông qua các họat động này đối với các vụ việc cụ thể, người TVPL, TGPL đã phát hiện, kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng của nhà nước sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách và pháp luật không phù hợp, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật hiện hành. Đối với các đối tượng là NN&ĐTCS thông qua việc tiếp cận với các tổ chức TVPL, TGPL, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật đã giúp họ nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật và lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, nếp sống văn hóa pháp lý trong cộng đồng, giảm bớt khiếu kiện trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực trong công cuộc phòng chống tội phạm, ổn định trật tự trong cộng đồng, làm nền tảng xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thực tiễn những năm qua cũng cho thấy thông qua hiệu quả hoạt động TVPL, TGPL của nhà nước và các trung tâm trợ giúp của các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Trung ương Đoàn; đối với tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp như: Hội Luật gia Việt Nam là một hướng đi đúng đắn, kịp thời, thể hiện vai trò không thể thiếu trong đời sống pháp luật của xã hội. Hoạt động TVPL, TGPL đã bao trùm trên tất cả cá lĩnh vực như hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động… Phạm vi hoạt động TGPL bao gồm: giải đáp, tư vấn, tuyên truyền, phổ biến giáp dục pháp luật cho các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp luật, trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước tòa án, hướng dẫn, soạn thảo các văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, đại diện hoặc tham gia trong các hoạt động thương lượng, ký kết, hòa giải trước cá nhân, cơ quan về các lĩnh vực pháp luật, đồng thời trực tiếp đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện TVPL.
Vậy, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa họat động TVPL, TGPL cho NN&ĐTCS trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đề cao vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội là một tư tưởng tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Trước hết, chủ trương xã hội hóa phải được triển khai cụ thể thành chính sách, pháp luật, từ đó tạo ra sự thống nhất nhận thức về sự cần thiết khách quan, về mục tiêu, về bước đi, về những việc có tính chiến lược lâu dài, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và những biến đổi trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Chủ trương xã hội hóa phải được tiến hành đồng bộ trên các lĩnh vực xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cũng như trong họat động của các tổ chức chính trị xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp, xã hội nghề nghiệp… các tổ chức hành nghề luật sư, TVPL, TGPL. Đảm bảo quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức thành lập các Trung tâm TVPL, TGPL. Bởi vì, như đã nói trên, xã hội hóa là quá trình chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý xã hội của Nhà nước hoặc chuyển giao hoàn toàn một chức năng nào đó của Nhà nước cho xã hội, tức là cho các tổ chức phi Nhà nước, hoặc là cho một cộng đồng, một nhóm cá nhân nhất định.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản về xã hội hóa họat động TVPL, TGPL cho NN&ĐTCS trong giai đoạn hiện nay. Những vấn đề này cần được xem xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn để trở thành tư tưởng xuyên suốt quá trình thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước và của các tổ chức xã hội. Đồng thời, đó cũng là cơ sở dể chúng ta đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường thực hiện xã hội hóa về mặt pháp luật đối với NN&ĐTCS trên cơ sở nhận thức một cách khách quan, toàn diện và đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Tạp chí Pháp Lý, số 7/2005