Vũ Tuyên Hoàng trí tuệ - tình yêu
Trong nhật ký, GS.Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng đã dành hẳn một trang để nắn nót viết những dòng trên. Hình như đó là câu châm ngôn quan trọng, rất quan trọng, đối với nhà khoa học lớn của đất nước. Và cuộc đời ông là một minh chứng ngời sáng cho câu châm ngôn ông tâm đắc này…
TS. Hồng Nga lần giở những trang nhật ký của chồng mà không cầm được nước mắt. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, bất ngờ, và đến giờ chị vẫn không thể nghĩ rằng chị đã vĩnh viễn xa anh. Trước khi mất 10 ngày, ngày 16/2/2008, anh còn viết cho chị, nàng thơ của riêng anh, những dòng thơ say đắm:
Anh đắm mình trong sương gió xuân
Một tia nắng sáng hồng trên má
Anh gọi em yêu biết bao lần…
Có phải mùa xuân đến với đời
Với anh từ những năm xưa ấy…
Cơn khát cháy người anh muốn ngã
Gặp em tươi lại những ngày xanh
Và một ngày sau, ngày 17/2/2008, anh còn vẽ tặng chị một bức tranh hoa thật tươi tắn, rực rỡ. Trong căn nhà của anh chị trong ngõ 76 Kim Mã Thượng, căn nhà mà cháu ruột anh, nhà văn Việt kiều Vũ Hoàng Hoa, mỗi khi từ Australia trở về, bao giờ cũng cảm thấy tràn ngập hương thơm như trong khu rừng mùa xuân vĩnh cửu, dường như anh chưa bao giờ vắng bóng. Hàng ngày, chị Nga vẫn đem về cho anh những bông hoa thật tươi, thật đẹp. Và trên bốn bức tường vẫn lấp lánh những đoá hoa từ những bức tranh anh vẽ. Đây là những đóa sen hồng, có lẽ là sen ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi chị chào đời trong những ngày kháng chiến gian khổ. Còn đây có thể là những bông phúc bồn tử anh tặng chị trong những đêm trắng Xanh Pe-tec-bua 32 năm trước, khi cô sinh viên tâm lý xinh đẹp quê Nam bộ và chàng sinh viên nghiên cứu sinh nông học tài hoa gốc Kinh Bắc gặp nhau và yêu nhau trên đất nước của Lênin. Và kia là những bình hồng vàng, sen trắng anh dành cho hai con trai Hồng Nam, Hồng Nhật. Vũ Hoàng Hoa viết rằng trong cuộc sống của bác Hoàng tất cả đều trở thành sắc màu và vần điệu. Vũ Tuyên Hoàng có dòng đề từ cho tập thơ “ Thời gian” của mình: “ Thơ là tình yêu. Tình yêu là thơ”. Nếu sưu tập tranh của ông được in ra, tôi tin ông lại đề ra từ gần như thế: “ Hội hoạ là tình yêu. Tình yêu là hội hoạ”. Thơ, hoạ của Vũ Tuyên Hoàng trước hết là tình yêu của ông dành cho cha mẹ, vợ con, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những con người ông từng gặp, những miền đất ông đã qua trong cuộc đời. Nhà bác học có năng khiếu thi hoạ bẩm sinh đã dùng cái năng khiếu trời cho và trái tim nhân hậu tuyệt vời để biến không gian sống quanh mình trở thành một không gian đầy ắp sắc màu, vần điệu của yêu thương, ân nghĩa, kỷ niệm. Đó là một không gian của màu xanh, của mùa xuân vĩnh cửu. Anh có thể đi xa, nhưng màu xanh ấy, mùa xuân ấy thì còn ở lại mãi…
Nếu em là bông hồng
Anh sẽ làm ngọn cỏ
Xanh bước chân em
Nếu anh là bông sen
Anh sẽ làm bùn nâu đáy nước
Vun gốc cho em
Nếu em là cánh chim
Anh sẽ làm ngọn gió
Nâng cánh em đến bốn phương trời…
(Nếu - thơ Vũ Tuyên Hoàng)
Nôi xanh và vũ điệu ngày xưa
Sinh trong một gia đình cha là nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Phọc Phan, mẹ là thi sĩ Hằng Phương, gần gũi với những nghệ sĩ lớn như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc… Vũ Tuyên Hoàng đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật và ông được dự đoán sẽ trở thành một nhà thơ hay một hoạ sĩ tài năng. Nhưng hơn cả nhà thơ, hoạ, từ những ngày ấu thơ trong kháng chiến chống Pháp, nhờ phải sản xuất tự túc trong Đoàn Văn nghệ khu Tư cùng bố mẹ và các anh chị, Vũ Tuyên Hoàng đã say mê cày cấy và làm vườn, biết được giá trị của mồ hôi nước mắt và niềm vui trong công việc tự mình làm ra hạt gạo, mớ rau. Còn nhớ trong một dịp trò chuyện với ông dăm năm trước, khi tôi hỏi vì sao ông không đi theo con đường nghệ thuật cha mẹ và các cô các chú đã mở sẵn mà lại theo đuổi cái nghề “chân lấm tay bùn” này, ông tủm tỉm cười và nhẹ nhàng trả lời: “ Chỉ vì mình đã chót phải lòng nó”. Chính nhờ sự “ phải lòng” hồn nhiên và đơn giản ngày đó của ông mà đất nước hôm nay mới có nhà nông học kiệt xuất Vũ Tuyên Hoàng. GS. TS Nguyễn Lân Dũng gọi Vũ Tuyên Hoàng là một “ đỉnh cao khoa học”. Nhiều người nói rằng, nhà di truyền học và nông học Vũ Tuyên Hoàng nổi tiếng trên thế giới còn hơn ở trong nước. Tại Giải thưởng Lúa thế giới lần thứ Nhất ở Nhật Bản năm 1998, giống lúa hàm lượng protein cao của ông được giải nhất, trên cả người được coi là ông tổ lúa lai, nhà nông học vĩ đại Trung Quốc Viên Long Bình. Là viện sĩ của nhiều viện hàn lâm khoa học thế giới, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, đạt tới những danh vọng khoa học lừng lẫy, nhưng điều làm Vũ Tuyên Hoàng hạnh phúc nhất có lẽ là những sáng tạo khoa học tâm huyết của ông như những giống “ lúa mùa trồng trong vụ chiêm”, “ chịu úng”, “ chịu hạn”, giống lúa “ hàm lượng protein cao”, các giống “ khoai lang số 8, KB1”, “ táo má hồng”, “ đào vàng”, “ đào muộn”, “ ổi trắng”, “ vịt Bạch Tuyết”, các kỹ thuật “ trồng khoai tây bằng hạt”, “ thâm canh lúa và hoa màu”…. đã góp phần giúp người nông dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, làm giàu trên chính cánh đồng, mảnh vườn và làng quê thân yêu. GS. TS Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện cây Lương thực và Thực phẩm, cộng sự thân thiết nhiều năm của anh hùng lao động Lương Đình Của và GS. VS Vũ Tuyên Hoàng kể, khi Vũ Tuyên Hoàng nghiên cứu tạo giống táo má hồng, một lãnh đạo cấp cao từng không hài lòng, phán rằng một nhà khoa học lớn, lại là lãnh đạo như ông đừng phí thời gian vào một đề tài “ vớ vẩn” như vậy. Vũ Tuyên Hoàng làm như không biết đến “ ý chỉ” của bề trên, vẫn im lặng, kiên nhẫn làm công việc ông yêu thích. Đến khi nghiên cứu của ông thành công, hàng trăm gia đình nông dân đồng bằng Bắc bộ đã làm giàu nhờ giống táo mới đó, được coi là thơm ngon và có năng suất cao hơn cả táo Thái Lan, Trung Quốc, vị lãnh đạo kia lại đến xin giống của ông để về trồng trong vườn nhà mình…
Như một nghệ sĩ lớn của cánh đồng, mảnh vườn, nhà tạo giống Vũ Tuyên Hoàng đã cần mẫn vô tư phát minh sáng tạo vì sự giàu đẹp của làng quê Việt, vì cuộc sống ngày một no đủ và hạnh phúc hơn của người nông dân Việt Nam, vì cái nôi xanh và những vũ điệu ngày mùa mà ông từng thể hiện trong thi hoạ của mình.
Người làm vẻ vang các chức danh
Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Từ lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một “ siêu bộ”, Vũ Tuyên Hoàng được chuyển về chức vụ này. Theo quan niệm của không ít người ở Việt Nam , từ một cơ quan quản lý nhà nước chuyển sang một hội đoàn có thể coi là đã “ về hưu non”. GS.VS Vũ Tuyên Hoàng không nghĩ vậy. Và một thập niên dưới sự lãnh đạo của ông, VUSTA đã thực sự là mái nhà chung của giới khoa học công nghệ Việt Nam, nơi hội tụ, phát huy mạnh mẽ trí tuệ tài năng, nêu cao vai trò và trách nhiệm của trí thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tích cực tham gia phản biện xã hội và xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ là hai định hướng quan trọng của VUSTA dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Vũ Tuyên Hoàng. Sự kiện VUSTA tham gia phản biện rất kiên trì, đầy trách nhiệm công trình Thủy điện Sơn La, giúp Quốc hội thông qua dự án trọng điểm quốc gia này với cao trình đập chính 215m an toàn thay vì cao trình 265m có thể gây thảm hoạ lớn cho cả vùng đồng bằng sông Hồng khi công trình này chẳng may gặp sự cố, cũng như việc GS.VS Vũ Tuyên Hoàng cùng VUSTA phối hợp với công luận kiến nghị với Bí thư Thành uỷ Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ huỷ bỏ dự án thay nước Hồ Tây với vốn vay nước ngoài 32 triệu USD, một dự án kỳ quái đang được UBND TP.Hà Nội chuẩn bị thực hiện, đã khẳng định sự cần thiết của thực hiện phản biện xã hội với các quyết sách, dự án lớn của Đảng, Nhà nước các cấp. GS.VS Vũ Tuyên Hoàng và VUSTA đã đi đầu thực hiện công việc đầy thách thức khó khăn này, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình công dân và trách nhiệm xã hội của giới trí thức khoa học và công nghệ đất nước. Dưới thời Vũ Tuyên Hoàng, VUSTA cũng đã lớn mạnh vượt bậc với hàng trăm đơn vị xã hội hoá ra đời. Không ít trong số này đã có nhiều việc làm ích nước lợi dân trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội dù không cần một xu ngân sách nhà nước. GS.VS Vũ Tuyên Hoàng không ngừng suy nghĩ và kiên trì đề xuất trước Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động phản biện xã hội cũng như sự bình đẳng của các hội đoàn, các tổ chức xã hội hoá khoa học công nghệ khi xây dựng luật tổ chức hội. Ông đã cùng với VUSTA góp phần làm cho đường lối của Đảng và Nhà nước coi khoa học và công nghệ và giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không chỉ là khẩu hiệu suông mà từng bước đi vào thực tế đời sống…
Trên cương vị Chủ nhiệm Chương trình Lương thực Thực phẩm quốc gia 18 năm liên tục thì theo đánh giá của Đảng và Nhà nước, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đã có những đóng góp lớn vào việc đưa Việt Nam “ Từ một nước thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực lớn thứ hai thế giới”.
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, với một nhà sáng tạo cơ khí nông nghiệp trẻ |
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đã làm vẻ vang cho các chức danh lãnh đạo không chỉ bằng chữ tài mà bằng cả chữ nhân. “ Về chữ tài thì khỏi nói, ai cũng biết, nhưng tôi hiếm thấy nhà lãnh đạo nào hội cả chữ nhân như ông”, đó là cảm nhận của GS TS Trương Quang Học về GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Chữ nhân đây là đức độ, nhân cách, phong cách có sức cảm hoá lớn của Vũ Tuyên Hoàng: thẳng thắn, cương trực, tinh tế, lịch lãm, khiêm nhường, hiền hoà, đầy lòng vị tha, quan tâm tới người khác một cách cụ thể, sâu sắc. Đó còn là quan niệm chân thành “ người lãnh đạo chỉ là người phục vụ”, không bao giờ tỏ ra kẻ cả, bề trên, thể hiện trong công việc hàng ngày của ông. GS.TS Nguyễn Lân Dũng từng chua xót nói rằng ở nước ta, các chức danh lãnh đạo quyền lực “ đã huỷ hoại không ít sự nghiệp, biến không ít nhà khoa học tên tuổi thành những chính khách hạng xoàng”. GS.VS Vũ Tuyên Hoàng không bị rơi vào bi kịch này, bởi dù đã là một chính khách được trọng vọng, ông vẫn luôn là nhà khoa học say mê và không ngừng lao động sáng tạo.
Tâm nguyện Vũ Tuyên Hoàng
“ Nếu lưu lượng dòng chảy ngọt giảm đi; nước biển dâng cao và mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong tương lai Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đánh mất vị trí vĩ đại nhất của mình về lương thực. Do đó, phải kịp thời qui hoạch và xây dựng an toàn nguồn nước, nhằm bảo đảm một tương lai tốt lành cho các thế hệ mai sau”, đó là phát biểu của Vũ Tuyên Hoàng khi chủ trì một hội nghị khoa học nông nghiệp tại Nam bộ gần đây. Trang nhật ký cuối cùng của ông ngày 22 - 2 - 2008, trước khi mất 4 ngày, ông ghi số lượng khổng lồ trâu bò và diện tích lúa chết trong đợt rét đậm rét hạI lịch sử ở nông thôn và miền núi phía Bắc, hết sức lo lắng cho cuộc sống của người nông dân trong cơn đại nạn.
Trên cương vị lãnh đạo khoa học đất nước, GS.VS có nhiều mối quan tâm nhưng quan tâm lớn nhất và đau đáu nhất trong ông vẫn là hiện tại và tương lai của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam . Nhiều năm trước, khi mọi người đang hân hoan về sự kiện nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, Vũ Tuyên Hoàng đã sớm lên tiếng cảnh báo những nguy cơ gay gắt mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã và sẽ phải đối diện: đất nông nghiệp bị thu hẹp vô tội vạ với tốc độ chóng mặt, nguồn nước đang dần cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng, kỹ thuật nông nghiệp còn quá lạc hậu, người nông dân còn quá nghèo… Còn rất nhiều việc phải làm để đất nước có một nền an ninh lương thực bền vững.
GS.TS Vũ Triệu Mân, chuyên gia ngành bảo vệ thực vật, em ruột GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, cho biết không phải ngẫu nhiên trong các nghiên cứu khoa học gần đây, Vũ Tuyên Hoàng đã tập trung tạo các giống lúa chịu hạn và đặc biệt là giống lúa hàm lượng protein cao. Nhật Bản, nước có nền khoa học nông nghiệp hàng đầu thế giới, đã sớm đánh giá rất cao giống protein hàm lượng cao của ông. Họ khẳng định đây là một giải pháp đầy triển vọng giúp nông nghiệp thế giới vượt qua bế tắc lớn nhất thời hiện đại: diện tích canh tác ngày càng ít đi nhưng nhu cầu lương thực ngày một tăng cao. Vũ Tuyên Hoàng và cộng sự đã thành công trong việc tạo ra giống lúa protein có hàm lượng protein 12%, có nghĩa là hơn gấp đôi các giống lúa hiện có (khoảng 6%) và đang tiếp tục nghiên cứu tạo giống lúa có hàm lượng protein trên 20%. Cùng một diện tích, một sản lượng, giống lúa này có chất lượng dinh dưỡng cao gấp ba lần và có thể tiết kiệm được ba lần diện tích kho bãi, chi phi vận chuyển…
Ngay sau ngày GS.VS Vũ Tuyên Hoàng qua đời, toàn thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng lương thực lớn chưa từng thấy và nguy cơ còn kéo dài. Cảnh hết gạo chạy rôngđang đe doạ thế giới văn minh ngay giữa thế kỷ 21. May mắn thay, nhờ những chính sách sáng suốt của Đảng và Nhà nước, nhờ mồ hôi nước mắt của những người nông dân hai sương, nhờ những nhà canh nông tâm huyết như anh hùng Lương Đình Của, GS.TS Võ Tòng Xuân, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng và bao người vô danh khác, đất nước ta chưa bị cuốn vào khủng hoảng tệ hại này. Nhưng chưa có gì đảm bảo khủng hoảng ấy sẽ không đến với chúng ta. Đến lúc này, có lẽ mọi người mới thật hiểu vì sao Vũ Tuyên Hoàng luôn coi nông thôn và nông nghiệp là vấn đề lớn lớn nhất trong đổi mới phát triển của đất nước. Vì sao Vũ Tuyên Hoàng từng nói đến “lợi bất cập hại” trong việc hào hứng “trải thảm đỏ” trên đất nông nghiệp chào mời các nhà đầu tư của nhiều địa phương. Ông đã không ít lần cho rằng việc mất đất nông nghiệp, mất làng quê Việt trong cơn bão công nghiệp hoá, đô thị hoá một cách ồ ạt, thiếu tỉnh táo không chỉ là thảm hoạ với an ninh lương thực mà còn với cả truyền thống văn hoá đất nước…
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết WB vừa phê duyệt cho vay 502 triệu USD để phát triển nông thôn Việt Nam. Cùng lúc, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đồng nghiệp thân thiết của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, nêu lên 6 kiến nghị khẩn thiết của nhân dân với Đảng, Nhà nước, trong đó có hai điểm rất đáng chú ý:
- Dừng ngay việc lấy đất ruộng để làm khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf, khu du lịch.
- Không để coi KH&CN và GD&ĐT là quốc sách hàng đầu trở thành những khẩu hiệu.
Tôi nghĩ, từ cõi vĩnh hằng, nghe được những thông tin này GS.VS Vũ Tuyên Hoàng hẳn sẽ rất vui. Tâm nguyện lớn nhất của đời ông chắc chắn sẽ được các đồng chí của ông, nhân dân của ông thấu hiểu, chia sẻ…