Võ Đình Tuấn - một trong “100 thiên tài đương đại”
Hiện ông là viện trưởng Viện Vật lý lượng tử Fitzpatrick của Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ).
Từ đồ chơi tự chế...
Tiến sĩ Võ Đình Tuấnsinh ở Việt Nam . Giống như nhiều nhà bác học nổi tiếng khác, khi còn nhỏ ông tự tạo ra những đồ chơi cho mình. Niềm say mê chế tạo không những là sở thích mà còn như một bản năng, luôn thúc đẩy ông học tập và vươn tới những chân trời khám phá.
Năm 17 tuổi, từ Sài Gòn ông đi Thụy Sĩ du học. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Trường Bách khoa liên bang Lausanne (1971), và bốn năm sau ông được trao bằng tiến sĩ hóa lý sinh (biophysical chemistry) tại Viện Kỹ thuật liên bang Zurich, Thụy Sĩ. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.
Sách về quang phổ học của tiến sĩ Võ Đình Tuấn |
Theo trang web của Hội Thanh niên sinh viên VN tại Nhật Bản ( http://www.vysa.jp/ ), trong lĩnh vực y khoa, tiến sĩ Tuấn đã tìm ra sự biến đổi gen trong cơ thể người và nhờ đó phát minh ra những hệ thống chẩn đoán sử dụng việc khám phá các ADN gây bệnh tiểu đường và ung thư. Tất cả hệ thống của ông đều dựa trên phương pháp “Tia sáng đồng hành” (SL: synchronous luminesence) dễ ứng dụng, do các dữ kiện được ghi lại hiển thị và được đọc cùng lúc bằng tia laser và sợi quang. Nhờ vậy mà bệnh tật có thể được điều chỉnh kịp thời mà không cần phải uống thuốc... Phương pháp của ông cũng được các công ty dược và tổ chức môi trường chấp nhận.
Tới giảm nỗi đau con người
Các viện nghiên cứu lớn đã sử dụng kỹ thuật của ông như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ và hầu như tất cả bệnh viện của Mỹ đều áp dụng phương pháp và thiết bị chẩn đoán của ông. Đến nay ông có hơn 30 bằng sáng chế. Tiến sĩ Tuấn cho rằng những nghiên cứu của ông chỉ có mục đích đơn giản là góp phần làm giảm những nỗi đau của con người. “Cái khó nhất đối với bệnh nan y như ung thư hay AIDS chính là phát hiện ra nó”.
Năm 2003, USPTO đã tôn vinh bốn nhà khoa học Mỹ, gốc Á trong đó có nhà bác học Võ Đình Tuấn. Bản thông cáo chính thức USPTO cho biết: “Các nhà khoa học này đã có những đóng góp to lớn vào thành tựu của khoa học và y khoa, nhất là những phát minh của họ đã giúp bệnh nhân chống lại nỗi đau tuyệt vọng của con người”.
Vào ngày 9-5-2002, nhân kỷ niệm tháng truyền thống của các dân tộc thiểu số châu Á tại Mỹ, bà J. C. Hayward - người phát ngôn của USTPO - cho rằng những phát minh của tiến sĩ Võ Đình Tuấncùng các nhà khoa học khác đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Điều đáng nói là Võ Đình Tuấnđều có tên trong cả hai danh sách được vinh danh năm 2002.
Trong năm 2002, các trường tiểu học và trung học của Mỹ đều chiếu cuốn video về những nhà khoa học, trong đó có tiến sĩ Tuấn, cho các học sinh xem như một chương trình ngoại khóa. Bà Hayward nói: “Chủ yếu để thế hệ trẻ Hoa Kỳ nhớ đến những nhà bác học của các dân tộc và màu da khác nhau đã có những đóng góp to lớn không những cho xứ sở Hoa Kỳ mà còn cho toàn thế giới”.
Một quyển sách về công nghệ nano do tiến sĩ Võ Đình Tuấn biên soạn. |
Ông cũng nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế khác. Hiện nay, nhà khoa học tài năng này đang nghiên cứu cải tiến những công nghệ mới để sản xuất những thiết bị y khoa hiện đại, có kích thước nhỏ và giá thành thấp nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Và những “thiên tài đương đại” khác
Đứng đầu danh sách mà Creator Synetics công bố ngày 29-10 là nhà hóa học Thụy Sĩ Albert Hoffman (đã 101 tuổi, nổi tiếng thế giới như người phát minh ra LCD) và thiên tài máy tính người Anh Tim Berners - Lee (một trong những người sáng tạo ra mạng Internet). Ba người còn lại trong nhóm năm người đầu tiên là nhà đầu tư George Soros (Mỹ), Matt Groening (nhà làm phim hoạt hình châm biếm, Mỹ) và chính khách, cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Ngoài ra, danh sách cũng có những đại diện của Nga (nhà toán học Grigory Perelman đứng thứ 10 hay nhà chế tạo súng tự động nổi tiếng nhất thế giới Mikhail Kalashnikov ở vị trí 83), Brazil, Trung Quốc, Iran, Nhật Bản (nhà sáng chế robot Hiroshi Ishiguro), Ireland, Ba Lan, Đức, Canada, Philippines, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ấn Độ, New Zealand, Áo và Na Uy.
Chỉ có 15 phụ nữ trong nhóm 100 thiên tài còn sống này, trong đó có Joan Rowling - tác giả cuốn Harry Potter(Anh) và nữ diễn viên Meryl Streep (Mỹ). Nhiều người trong danh sách là những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa cộng đồng, ví dụ như ca sĩ Paul McCartney (Mỹ) và nhạc sĩ David Bowie (Anh), đạo diễn Quentin Tarantino (Mỹ), nhà văn Stephen King (Mỹ).
Theo danh sách này, Mỹ là nước có nhiều thiên tài đương đại nhất (43), tiếp đó là Anh (23), 13 nhân vật đến từ châu Âu và 11 từ châu Á, trong đó chỉ có một người châu Phi. Các báo Anh ( Telegraph, Daily Mail) đưa tin này đã tự hào vương quốc Anh là nước có nhiều thiên tài đương đại tính theo bình quân đầu người nhất: cứ 2,5 triệu người Anh lại có một thiên tài đang còn sống. Mỹ xếp thứ hai với một thiên tài còn sống trên 6,9 triệu dân.
“Giáo dục đi cùng con đến cuối cuộc đời” Trong một trả lời phỏng vấn đăng trên trang web của Trung tâm Lượng tử ánh sáng y sinh học của Viện Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) ở bang Tennessee, khi được hỏi: “Từ khi nào ông quyết định trở thành nhà khoa học?”, tiến sĩ Võ Đình Tuấnđáp: “Chính cha mẹ đã truyền cho tôi giá trị của giáo dục và niềm say mê khoa học. Cha thường nói với tôi rằng không giống của cải vật chất có thể mất bất cứ khi nào, giáo dục sẽ đi cùng con tới cuối cuộc đời, ngay tại trường đại học tôi đã cân nhắc nghiêm túc việc nghiên cứu”. Theo lời ông, đó là vào đầu thập niên 1970, ngay sau cuộc “cách mạng sinh viên” năm 1968 tại Pháp và sau đó lan truyền khắp châu Âu. “Khi đó, sinh viên chúng tôi quan tâm tới rất nhiều đề tài, và chúng tôi thường đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống cũng như chủ đích của sự tồn tại. Trong lớp, chúng tôi đọc sách vật lý và hóa học, nhưng ra khỏi lớp chúng tôi bị nhận chìm trong sách của Albert Camus, Jean-Paul Sartre (các nhà văn, triết gia Pháp, được coi là ủng hộ chủ nghĩa hiện sinh), Carl Jung (nhà tâm lý học Thụy Sĩ, nhà sáng lập tâm lý học phân tích), và Jiddu Krishnamurti (nhà văn, nhà hùng biện Ấn Độ). Hầu như ai trong chúng tôi cũng suy nghĩ và mộng mơ, thường rất ngây thơ và trong sáng, rằng ai đó trong chúng tôi sẽ “tái tạo thế giới”. Trong một khía cạnh, “giai đoạn hiện sinh” trong đời sinh viên đó của tôi tiếp tục tác động tới suy nghĩ của tôi về nghiên cứu khoa học. Tôi tin là khoa học, đôi lúc cũng cần đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó và phải cải tạo chính nó để làm mới nó từ những tín điều và khuôn mẫu cũ”. http://www.ornl.gov/info/ornlreview/v37_3_04/article13.shtml . |