Việt Nam tăng 15 bậc trong xếp hạng Chính phủ điện tử
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 71/193 trên thế giới, tăng 15 bậc.
Bước tiến mạnh trong xếp hạng
Thông tin này được công bố tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/10 vừa qua. Cụ thể, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 02 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, có 51.000 doanh nghiệp công nghệ số và tạo 1,5 triệu việc làm. Doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,9%. Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỷ USD, tăng 18,3%.
Nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD của Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… Đồng thời, hàng chục dự án quy mô lớn đang được thương thảo.
Số hóa các ngành kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư, xây dựng, sản xuất và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật…
Thương mại điện tử tiếp tục có bước phát triển nhanh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 23%; dự kiến năm 2024 đạt 27,7-28 tỷ USD,tăng 36%-cao nhất 10 năm qua).
Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp cả nước, tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản đạt 87%; tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm đạt 50%; có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money.
Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành xã hội số, công dân số, nổi bật trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, chi trả an sinh xã hội, tư pháp…
Mới đây đã triển khai toàn quốc việc tích hợp sổ sức khỏe điện tử và cung cấp phiếu lý lịch tư pháp trong nền tảng VNeID.
Với kết quả xếp hạng vượt bậc này, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; đồng thời thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của cơ quan Nhà nước các cấp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là hoạt động rất hiệu quả của các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, truyền cảm hứng, tạo động lực để làm tốt hơn, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm, kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, điển hình trong phạm vi quản lý của mình; đề xuất cấp có thẩm quyền về khen thưởng của Nhà nước, Chính phủ… bằng các hình thức tôn vinh, khen thưởng thường xuyên, đột xuất.
Thủ tướng nêu rõ, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với những kết quả đạt được; còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
“Thời gian tới, để chuyển đổi số thành công, chúng ta cần phải có những chiến lược trọng tâm, phù hợp để triển khai một cách thần tốc, hiệu quả, có tính bứt phá toàn diện hơn. Con người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết, một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mới. chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định quan điểm phát triển kinh tế số là nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá và cải cách mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực, Thủ tướng chỉ rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Theo đó, chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, bảo đảm thực chất và hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số: Đột phá về thể chế số; Đột phá về hạ tầng số; Đột phá về nguồn nhân lực số với phương châm “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh”.
Về đột phá hạ tầng số, Thủ tướng đề nghị sớm đưa 5G vào thương mại tại một số TP lớn. Nâng cấp và phát triển hạ tầng Internet vạn vật để tăng cường khả năng kết nối, thu thập, chia sẻ dữ liệu tự động, thông minh, phục vụ cho phát triển các ngành, lĩnh vực, đô thị thông minh. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06, hình thành hệ sinh thái công dân số…
Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số, Thủ tướng chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D); tăng cường hợp tác, giao lưu, học hỏi quốc tế trong chuyển đổi số…
Thủ tướng cũng đề nghị, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.