Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ biểu hiện bằng các tổn thương ở lớp niêm mạc (màng trong) của thành đại tràng, nguyên nhân là do thiếu máu, máu không mang đủ ôxy đến cung cấp cho các tế bào ở niêm mạc đại tràng. Bệnh càng nặng nếu oxy thiếu càng nhiều, trong thời gian càng lâu.
Các dấu hiệu nào gợi tới viêm đại tràng thiếu máu cục bộ?
Hầu hết các trường hợp viêm đại tràng thiếu máu cục bộ đều bị chảy máu trực tràng (85%), luôn kết hợp với đau bụng (80%) và ỉa chảy (85%). Đặc tính của chảy máu trực tràng và ỉa chảy là xảy ra đột ngột và liên tiếp trong suốt thời gian đau bụng. Đau thường khu trú ở sườn trái. Có thể sốt hoặc không. Bạn cần phải đi cấp cứu ngay nếu có một hoặc vài triệu chứng: Co cứng thành bụng khi sờ vào vùng đau; bệnh nhân ở trạng thái choáng; có dấu hiệu loạn nhịp tim, tiếng thổi tim bất thường.
Cần làm các xét nghiệm nào?
- Chụp X. quang: nhất thiết phải chụp bụng để bác sĩ chẩn đoán phân biệt bệnh này với trường hợp tràn khí màng bụng. Ngoài ra, muốn chắc chắn hơn, cần tìm những dấu hiệu liên quan đến bệnh, đó là phù nề thành đại tràng bằng cách chụp đại tràng.
- Nội soi: Nếu không có biến chứng về ngoại khoa (như thủng dạ dày), thì nội soi đại tràng là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.
Các nguyên nhân gây bệnh
Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có thể do hai loại nguyên nhân: Các tổn thương gây tắc mạch máu và các trường hợp bệnh lý không gây tắc mạch.
Loại nguyên nhân gây tắc mạch máu:
- Đối với các thân động mạch, tắc nghẽn có thể do xơ vữa động mạch, hẹp van hai lá ở tim, rối loạn nhịp tim; viêm màng ngoài tim, các bệnh tim thiếu máu.
- Các động mạch nhỏ hay tĩnh mạch thường bị tắc do các bệnh viêm đa khớp dạng thấp, xơ cứng bì, các hội chứng tăng khả năng đông máu, một số bệnh viêm động mạch, các liệu pháp chiếu xạ vào vùng bụng...
Loại nguyên nhân không gây tắc mạch máu:
- Lưu lượng máu tuần hoàn suy giảm, gặp ở các trường hợp choáng (choáng chảy máu, nhiễm khuẩn, phản vệ), cơ thể bị mất nước nghiêm trọng hoặc suy tim ở giai đoạn tiến triển.
- Áp suất trong đại tràng tăng lên do khối u ở đại tràng, xoắn đại tràng, sa trực tràng hoặc thoát vị nghẹt (một đoạn của đại tràng chui ra khỏi ổ bụng, qua lỗ bẹn và bị tắc nghẹt).
- Nghiện các chất ma túy, nghiện rượu, thuốc lá.
- Sử dụng các thuốc chữa bệnh như penicillin và các dẫn xuất từ thuốc này; digoxin (thuốc chữa suy tim), các thuốc chữa tăng huyết áp, các thuốc an thần, lợi tiểu, oestrogen (trong viên tránh thụ thai), nhất là các thuốc chống viêm không steroid.
- Hoạt động thể thao quá sức
Điều trị như thế nào?
Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường khỏi đột ngột (81%). Sau 4 đến 8 ngày, các triệu chứng hầu như mất hoàn toàn, các tổn thương cũng có thể hồi phục dần trong hai tuần và bệnh ít khi tái phát. Bệnh có thể ở các dạng sau:
- Bệnh diễn biến tới tình trạng thiếu máu do co mạch nhất thời. Nói chung, bệnh ít hoặc không có triệu chứng và không cần điều trị.
- Bệnh nhân đau nhiều cần phải nằm viện để theo dõi, điều trị. Cần thực hiện chế độ ăn và dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Ngoài thuốc giảm đau ra, bác sỹ sẽ căn cứ vào các triệu chứng và kết quả xét nghiệm để chọn biện pháp phù hợp.
- Trường hợp cấp cứu (khi có dấu hiệu màng bụng bị kích thích, choáng, thủng đại tràng, chảy máu đại tràng mà dùng thuốc không có hiệu quả...), bệnh nhân phải được cắt đại tràng (cắt phần bị tổn thương).
Những điều bệnh nhân cần biết
- Khi đột ngột thấy máu rỉ ra từ hậu môn (do chảy máu ở đoạn đại tràng phía trên), nhất là kèm với đau bụng và ỉa chảy, phải nghĩ đến viêm đại tràng thiếu máu cục bộ và cần đi khám bệnh.
Nếu không có dấu hiệu thủng đại tràng (co cứng thành bụng khi sờ vào chỗ đau), bệnh nhân cần được làm nội soi gấp để chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
- Nói chung, có thể điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ bằng nội khoa. Thuốc dùng phải dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và kết quả xét nghiệm.
- Nhất thiết phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh để phòng tái phát, nhất là để điều trị các nhân tố gây bệnh (thường là các bệnh nặng hơn). Trong các nhân tố đó, ở người già, cần chú ý đến bệnh xơ vữa động mạch, các bệnh tim. Ở những người trẻ tuổi, các nhân tố hay gặp là nghiện ma tuý, thuốc lá, rượu, dùng một số thuốc điều trị, chơi thể thao quá sức, tiền sử bệnh gia đình. Bệnh nhân cần phối hợp với thầy thuốc, kể rõ các bệnh đã mắc, đang điều trị, lối sống...để chẩn đoán được nhanh chóng và chính xác.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 33(1751), ngày 25/4/2005