‘Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu’
Vậy thì, việc hôn nhân lấy gói muối làm đầu ở thời Hùng Vương có ý nghĩa gì? Có thể dễ dàng nhận thấy hai ý nghĩa thực tiễnvà tượng trưngở chất liệu thực phẩm này. Muối rất cần cho đời sống, và đối với không ít miền, không ít hoàn cảnh và trường hợp, đó là thứ của hiếm và quý. Giá trị thực tiễn ấy của muối khiến cho nó, nếu trở thành lễ vật hôn nhân thì cũng là lẽ tất nhiên. Muối, ngoài giá trị thực tiễn, ai cũng biết nó còn giá trị tượng trưng nữa. Đấy là vật biểu hiện của sự mặn mà, đằm thắm, cũng rất hợp với ý nghĩa của hôn nhân. Những giá trị và ý nghĩa như thế của muối đều có thể tìm thấy trong nhiều nghi thức phong tục, vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, và hầu như ở khắp thế giới mà nó tham gia.
Nhưng còn “việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu” thì dường như có vẻ gì đặc biệt, kỳ lạ, không bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, không phải Lĩnh Nam chích quáiđã bịa đặt khi ghi chép tình tiết nghi lễ hôn nhân này.
Tư liệu dân tộc học, nhất là tư liệu truyền thuyết và tín ngưỡng, đã cho thấy vị trí của đất trong đời sống tinh thần của nhiều tộc người cổ đại. Trong những tư liệu văn hóa tinh thần mà chúng tôi theo dõi được ở người Việt, ở nhóm dân tộc Xá và một vài dân tộc khác nữa - vốn có nhiều nét gần gũi với người Việt - đất là một vật chất và hình tượng cao quý, thiêng liêng. Điều này cũng tự nhiên và do đó, phổ biến. Bởi lẽ đất là nguồn sống tuyệt đối cho những cư dân nông nghiệp. Chưa kể tình hình ở những tộc người mà trình độ phát triển càng cao thì lại càng phải dựa nhiều vào đất.
Về ý nghĩa thực tiễn có thể của việc dùng đất trong nghi thức hôn nhân, chúng tôi muốn thử xem xét sự gắn bó giữa phong tục hôn nhân này với một tục lệ ăn uống mà chúng ta đã có được một số tư liệu. Đó là tục ăn đất.
Tục ăn đất chúng ta đã tìm thấy ở một số dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme, những dân tộc vốn có quan hệ gần gũi với người Việt như người Kháng, người Ba-na…
Đồng bào Kháng ở vùng Thuận Châu, Sơn La có tục phơi đất lở ở sườn đồi. Những người đi rừng, đi nương gặp loại đất này lấy đem về nhà, ai cũng mừng rỡ như được món quà quý hóa (1)
Ở người Ba-na cũng có tục ăn đất. Tác giả cuốn Mọi Công tumviết: “Sau một trận lụt có thứ bùn non đông lại trên mặt đất. Khi bùn ấy khô, họ lột từng bộng mà ăn kêu là poc-cơ-tớp. Họ nói bùn ấy thơm và ngon lắm (2)
Riêng tục ăn đất của người Việt trước đây các học giả nước ngoài cũng đã chú ý đến. T. Ha-my cuối thế kỷ trước, năm 1899 đã có viết về Những người ăn đất ở Bắc Kỳ. Đầu thế kỷ này, G.Dumoutier cũng có nói đến tục này (3). Vùng đất đai có tục ăn đất và chế biến đất ăn theo dõi được là các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Nam Định, Thái Bình cũ. Không hiểu được kỹ và đúng tục lệ này, những người nước ngoài này đã mày mò đem những mẫu đất đi tận Paris để phân tích nó. Kết quả dĩ nhiên là: “Chất liệu này có ít sắt, vôi, axit phôt pho ric, adốt… và “chỉ là đất sét”. Do đó kết luận của họ tất nhiên phải như sau: “Những đất này không thể coi là một thứ lương thực, mà nó tương tự như kẹo bánh được trẻ con, cụ già, đàn bà ốm ưa thích”.
Tư liệu dân tộc học mới thu nhập được gần đây cho phép hiểu tình hình khác hơn. Trong cuộc khảo sát điền dã tháng 3/1969 ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), chúng tôi vẫn thấy còn nhiều người “nghiện” đất thường khen là “ngon lắm, thơm, bùi” “như miếng gan lợn”, “có thể ăn hàng rổ một lúc”. Đàn bà giắt vào cạp váy, cạp quần đem theo ra ruộng ăn, ở nhà để trên đầu giường, ăn đêm ăn ngày. Đàn ông mua hàng chục bạc đất một lúc - ăn vài hôm, hết lại mua. Đi làm về, thấy đất thèm quá ăn truớc, cơm đã có nhưng chưa ăn. Những ngày cuối năm phải mua dự trữ kẻo tết không họp chợ thì không mua được mà ăn mà thiết khách…
Xưa kia trong khắp tỉnh Vĩnh Phúc phổ biến có nghề buôn bán đất ăn. Có gia đình làm giàu về nghề này. Cả nhà, từ người lớn đến trẻ em đều đi buôn đất đem ra các chợ làng bán. Hiện nay, các chợ trong các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Dương, Vĩnh Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tuờng đều có bán. Những người bán đất là các cụ già 60-70 tuổi, các chị 30-40 tuổi và các em nhỏ 10-12 tuổi. Mỗi rổ con giá một đồng. Người mua cũng tranh nhau và cò kè thêm bớt. Chúng tôi đã mua ở chợ Xốm huyện Phù Ninh (nơi không có cơ sở chế biến đất ăn) một hào được 3 miếng, mỗi miếng bằng 2 đầu ngón tay.
Tỉnh Vĩnh phúc ngày nay còn có cơ sở chế biến đất ăn ở các xã Thạch Trục, Vân Trục (huyện Lập Thạch). Ở đây, các chủ nhân của nghề làm đất ăn đồng thời là xã viên hợp tác xã nên có rất ít thì giờ để sản xuất đất ăn đem bán. Những người buôn thường phải đến nhà ngủ đêm để hôm sau lấy đem về các chợ.
Việc chế biến đất gồm 3 bước tóm tắt như sau:
Lấy đất: Người ta dùng những con dao thô, lưỡi sắt dày, lắp chuôi gỗ to mà ngắn nêm hai đầu bằng hai vòng sắt để lấy đất ở dưới mặt đất chừng 15-20m gọi là “giếng đất” hoặc đào ở dưới mặt đất chừng 4-5m gọi là “hầm đất”. Những tảng đất mới lấy to chừng 5-6cm 3hoặc nhỏ hơn, màu xám tro, có vệt nâu đỏ, mịn mềm, không có sạn, nặng mùi bùn.
Phơi đất:Đem đất về nhà, dùng dao chặt ra thành từng miếng mỏng 3-5mm to bằng 2-3 đầu ngón tay hoặc miếng vụn đem phơi khô, đất bớt mùi bùn và chuyển sang màu sáng trắng.
Hun đất:Đặt những miếng đất đó lên một cái giàn hình vuông bằng các cây gỗ nhỏ đan lại với nhau bằng dây leo. Đặt cả giàn đất này lên mặt hố tròn, nông (sâu hơn lòng chảo một ít). Trên mặt giàn đậy sơ sài bằng mẹt rách, cói rách, cốt ủ khói vào đất là được. Dưới hố, để những cây cỏ đốt để hun. Đó là cỏ tế và cây sim, hai thứ cây có chất dầu, cây tươi vẫn cháy và có mùi thơm. Hun cho đến lúc hết chất đốt dưới hầm (chừng một buổi) thì bỏ ra, lúc đó khói đã ám vào đất, làm cho những miếng đất có những vệt màu vàng sẫm và đượm mùi khét (thơm). Đến đây những miếng đất đã được hun gọi là “ngói”.
Như vậy, nếu tính chất hết sức thô sơ của công cụ sản xuất và tính chất hết sức đơn giản của quy trình sản xuất, chế biến đất đã lưu ý chúng ta về mặt cổ xưa của nghề này thì những phong tục chung quanh việc ăn đất còn lưu ý chúng ta nhiều mặt khác nữa.
Bà con ở những vùng có tục ăn đất cho đó là “đá non” và rất quý món ăn này. Người ta mua đất làm quà cho nhau khi đi chợ về gọi là “quà chợ”; nàng dâu quý trọng mẹ chồng, bè bạn quý nhau biếu nhau những gói “ngói” bọc trong lá chuối khô - như gói thuốc lào. Ngày thường hay ngày có việc, vào chơi nhà nhau, đem “ngói” đặt vào đĩa, mang ra mời nhau, như mời nhau điếu thuốc, miếng trầu. Nếu trong phong tục ăn trầu có “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây, chủ nhân tỏ ra quý mến khách mới mời, khách ăn “ngói” để tỏ lòng thân thiện.
Ở những vùng có nghề làm đất trên đây cũng có tục con gái sau khi cưới còn ở lại nhà mẹ đẻ một thời gian và khi về ở hẳn nhà chồng thì - khác với Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh cũ, bố mẹ cho đem theo về nhà chồng khung cửi và sợi dệt - ở đây, cha mẹ cho con gái vừa bò vừa lúa, vừa nghề làm đất cùng với cả gian nhà đất, cả giếng đất và dụng cụ làm “ngói”.
Như thế, tục ăn đất và chế biến đất ăn là một tục rất cổ của người Việt. Chỉ với một ý nghĩa này, thứ đất được dùng làm lễ vật trong hôn nhân màLĩnh Nam chích quáiphản ánh, có thể là thứ đất đó, bên cạnh thứ đất được coi là vật tượng trưng có ý nghĩa trừu tượng, với giá trị thực tiễn của nó, chúng tôi cho rằng có cơ sở để tin vào sự ghi chép củaLĩnh Nam chích quái: “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”.
-----
(1)Tài liệu do đồng chí Nguyễn Trúc Bình cung cấp.
(2)Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi. Mọi Kon Tum, 1963.
(3)G.Dumoutier, Tiểu luận về người Bắc Kỳ (chữ Pháp), Hà Nội 1908.
Nguồn: Xưa Nay số 239 tháng 7/2005