Vì sao chúng ta biết đồng cảm?
Một số nhà khoa học tin rằng họ đã tìm ra gốc rễ của vấn đề. Chúng ta về bản chất đều có thể đọc được tâm trạng của người khác. Ý kiến này có thể mất nhiều thời gian để chấp nhận, nhưng bằng chứng thì ngày càng hiện rõ.
Năm 1996, 3 nhà khoa học thần kinh tìm hiểu bộ não của một con khỉ và bắt gặp một nhóm tế bào nằm trong vỏ não trước, khu vực chịu trách nhiệm về các chuyển động. Nhóm tế bào này loé sáng không chỉ khi con khỉ thực hiện một hành động, mà cả khi con khỉ nhìn thấy một hành động tương tự do kẻ khác làm. Bởi những tế bào này phản chiếu hành động mà con khỉ quan sát thấy từ đối tượng khác, các nhà khoa học đã đặt tên cho chúng là các "neuron phản chiếu".
Những thí nghiệm sau đó cũng khẳng định sự tồn tại của neuron phản chiếu ở người và làm hé mở những bất ngờ khác. Ngoài việc phản chiếu hành động, tế bào này còn phản chiếu cả cảm giác và cảm xúc.
"Những neuron phản chiếu cho thấy chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của người khác", Marco Iacoboni, nhà khoa học thần kinh ở Đại học California nói. "Với neuron phản chiếu, chúng ta không cần phải tưởng tượng, mà thực chất có thể ở trong đầu của người khác".
Từ khi được phát hiện, neuron phản chiếu đã được tìm hiểu trong nhiều hiện tượng hơn, trong đó có sự rối loạn thần kinh. Neuron phản chiếu có thể giúp các nhà khoa học giải thích vì sao trẻ em phát triển Thuyết tâm trí (Theory of Mind - ToM), theo đó, một đứa trẻ hiểu rằng người khác có bộ óc tương tự chúng. Nó cũng giúp hiểu rõ thêm về chứng tự kỷ.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã đặt ra một số giả thuyết để lý giải về ToM, trong đó "thuyết giả thuyết" và "thuyết mô phỏng" là thịnh hành nhất.
Thuyết giả thuyết miêu tả trẻ em như những nhà khoa học xã hội mới vào nghề. Theo đó, trẻ em thu thập bằng chứng - dưới hình thức cử chỉ và nét mặt - và sử dụng những gì chúng hiểu hằng ngày về mọi người để phát triển các giả thuyết nhằm lý giải và phỏng đoán trạng thái tâm lý của người mà chúng tiếp xúc.
Vittorio Gallese, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Parma ở Italy đã đặt một tên khác cho giả thuyết này. Ông gọi nó là "Vulcan Approach", lấy tên một nhóm người ngoài hành tinh trong phim Star Trek.Những người Vulcan kiểm soát tình cảm theo logic và thường không thể hiểu được những cảm xúc ẩn sau hành vi của con người. Tuy vậy, bản thân Gallese thích thuyết mô phỏng hơn thuyết Vulcan.
Thuyết mô phỏng cho rằng chúng ta là những người đọc được ý nghĩ người khác một cách bẩm sinh. Chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác và sử dụng chính trí não của mình để suy luận ý nghĩ của họ.
Gallese cho rằng khi chúng ta tương tác với một ai đó, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc quan sát hành vi của người đó. Chúng ta hình dung về hành vi, cảm giác và xúc cảm của họ trong đầu chúng ta, như thể chúng ta là người đang cử động, cảm nhận và suy nghĩ.
Nhiều nhà khoa học tin rằng neuron phản chiếu chính là cốt lõi của thuyết mô phỏng. "Chúng ta chia sẻ với người khác không chỉ ở cách họ hành động hoặc trải qua cảm xúc, mà cả mạch thần kinh tạo ra những hành động, cảm xúc và cảm giác đó: hệ neuron phản chiếu", Gallese nói.
Tuy nhiên, Gallese chỉ ra rằng 2 giả thuyết này không hoàn toàn loại trừ nhau. Nếu hệ neuron phản chiếu bị hư hỏng, và khả năng đồng cảm bị mất đi, phương pháp quan sát và phỏng đoán trong thuyết giả thuyết có thể là cách duy nhất còn lại. Một số nhà khoa học cho rằng điều này chính là những gì xảy ra ở người tự kỷ - sự rối loạn thần kinh của họ khiến họ không thể hiểu những ý định và động cơ của người khác.
Với những người tự kỷ, trải nghiệm thuộc về quan sát nhiều hơn là sống qua. Họ đoán các trạng thái tâm lý của người khác qua sự hiển hiện bên ngoài, nhưng kết quả chỉ là một danh sách các hành động, cử chỉ và biểu lộ, mà thiếu đi hẳn động cơ, ý định và cảm xúc.
Một số phòng thí nghiệm đang kiểm chứng giả thuyết rằng người tự kỷ bị lỗi trong neuron phản chiếu và không thể mô phỏng trạng thái tâm lý của người khác.
Nguồn: VNExpress ngày 28/4/2005