Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 11/10/2005 14:22 (GMT+7)

Vì sao Châu Á hay xảy ra động đất?

Trước trận động đất hôm 8/10/2005, các nước khác trong khu vực châu Á cũng từng chịu các trận động đất huỷ diệt như ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia... PGS Phan Văn Quýnh, Khoa Địa chất, Đại học Khoa học tự nhiên, cho biết nguyên nhân của loại động đất này là do quá trình xô húc giữa các mảng thạch quyển. Một mảng chúc xuống và húc vào mảng khác. Tại mảng bị húc, xảy ra quá trình hình thành các dãy núi, ở đây là các dãy Hindu Kusk, Karakoram và Himalaya.


Theo chiều sâu (từ mặt đất vào tâm), Trái đất bị phân chia thành nhiều lớp, trên cùng là vỏ Trái đất với bề dày trung bình 40 km, kế đến là lớp manti trên phát triển ở độ sâu trung bình 40-900 km. Trong lớp manti này lại phân làm hai phần, lớp trên cứng và lớp dưới mềm (quyển mềm). Vỏ Trái đất và phần manti cứng ở trên hợp thành lớp giữa thạch quyển. Các bộ phận của thạch quyển chuyển động theo các hướng khác nhau và bị phân cắt thành các yếu tố riêng biệt mà người ta gọi là mảng kiến tạo. Các mảng kiến tạo này chuyển động (trôi) trên quyển mềm.


Ở Nam Á và Đông Nam Á, phát triển ranh giới tiếp xúc của 3 mảng: Mảng Âu - Á, mảng Ấn - Australia và mảng Thái Bình Dương, với hai kiểu là đới hút chìm và đới đụng độ. Ở ranh giới tiếp xúc này xảy ra quá trình một bộ phận của mảng này chúc chìm xuống dưới mảng kia, gây ra một quá trình nén ép cực mạnh, khi đạt đến ngưỡng tới hạn sẽ gây ra các hiện tượng động đất, núi lửa, sóng thần... Độ sâu của tâm động đất có thể từ 60-70 km đến 100-120 km. Động đất ở Nam Á và Đông Nam Á bị chi phối bởi quá trình đụng độ và hút chìm này. Động đất mạnh ở Nam Á đã xảy ra và sẽ còn xảy ra.


Số liệu đo vận tốc va chạm của các mảng cho thấy khả năng xảy ra ngày một mạnh lên, chưa có biểu hiện gì của sự ngừng nghỉ. Cường độ động đất trong các thập kỷ vừa qua dường như chỉ ra rằng, đới động đất ở Tây Nam Á (khu vực Hindu Kush) mạnh hơn đới phía Đông (khu vực Himalaya).


Cũng theo ông Quýnh, trên hình vẽ, có thể thấy Việt Nam may mắn có một khoảng cách "an toàn" so với các đới cấu trúc có thể tạo ra các cơn địa chấn mạnh nói trên. Nhưng như vậy không có nghĩa là lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam không có động đất. Thực tế đã ghi nhận một chuỗi dài các tai biến loại này xảy ra. Tuy nhiên, chúng xảy ra theo một cơ chế khác và mức độ hạn chế hơn nhiều, với tâm thường ở vào khoảng độ sâu 18-30 km.


Cho đến nay, các số liệu khoa học cho thấy không có cơ sở nào để nói ở Việt Nam cũng sẽ có các trận động đất, sóng thần mạnh như đã xảy ra và sẽ còn xảy ra ở đới đụng độ và đới hút chìm như đã nêu ở trên.

Nguồn: vnexpress.net 10/10/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.