Vi Dân về hưu vẫn sáng chế
Bị "đuổi khéo" về hưu
Anh mở xưởng tại nhà đã lâu chưa?
Về hưu thấy nhàn rỗi, tiếc nghề thì chính thức mở xưởng còn đồ đạc và gần 10 loại máy móc các loại tôi tha về nhà lâu rồi. Nhiều người gạ tôi ra ngoài "đường lớn" mở xưởng với họ cho hút khách nhưng tôi không cần. Mỗi sản phẩm của tôi là một sự đầu tư cả tâm lẫn tài chứ không phải loại hàng có thể sản xuất đồng loạt.
Nghe chừng anh có vẻ rất yêu nghề, tâm huyết với nghề. Vậy tại sao anh không ở lại cơ quan để cống hiến mà mới có 50 tuổi đầu đã "toan dưỡng già"?
Tôi xin về hưu lâu rồi nhưng chưa đủ tuổi nên chưa được về. Phải đến năm ngoái mới được "lĩnh sổ". Thời gian trước khi tôi nghỉ hưu nhà máy có cổ phần hóa. Hầu hết mọi người đều đổ tiền vào mua cổ phần nhưng riêng tôi thì không.
Anh "có nghề" vậy tại sao không ở lại mà "thăng quan tiến chức"?
Nói xin nghỉ cho oai thôi chứ thực chất là tôi bị "đuổi khéo" đấy chứ. Hơn nữa, nếu ham chức tước thì rất khó làm tốt chuyên môn. Về hưu sớm, tôi thực sự cảm thấy day dứt bởi tôi cho rằng, khả năng của tôi đủ sức để làm được một cái gì đó lớn lao và có tiếng tăm thật sự. Chỉ có điều cơ chế và môi trường làm việc không cho phép con người ta phát huy hết khả năng và phát triển, mày mò sáng tạo. Năm 2007 tôi quyết định xin nghỉ hưu một phần vì "tự ái". Lãnh đạo xí nghiệp lúc đó tỏ ý "nhà máy không sản xuất những thứ tinh xảo nữa mà biên chế lại đang dư thừa nên cần phải cắt giảm nhân lực. Giữ những người có tay nghề bậc cao ở lại cũng chẳng dùng đến mà lại còn phải trả lương cao". Nhưng những người thợ bậc cao như tôi thì nên "tự ý thức" được rằng đã hết chỗ đứng cho mình trong cái nhà máy ủng hộ sự trì trệ ấy.
Anh chỉ là trường hợp cá biệt hay còn nhiều người bị rơi vào hoàn cảnh "éo le" như thế?
Tôi cho rằng Việt Nam có nhiều người giỏi. Họ có tố chất làm khoa học. Tuy nhiên việc đầu tư cho phát triển và cơ chế chưa thông thoáng và chưa đủ thuyết phục để họ sống chết vì nghề. Hầu hết các nhà khoa học của Việt Nam hiện nay có thu nhập thường thường bậc trung và không đủ sống bằng nghề. Nếu như gia đình tôi điều kiện kinh tế không tạm ổn thì tôi cũng phải chọn giải pháp "sản xuất đại trà" chứ không thể chỉ làm những cái mình thích được. Chính vì vậy cần có cơ chế sao cho các nhà khoa học được thỏa sức nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực, vấn đề mình thích nhất mà vẫn đảm bảo được cuộc sống. Nhưng cũng cần phải thấy rằng không phải khi nào cũng cứ nghiên cứu là thành công nên đừng vội trách họ khi vừa mới sai sót.
Có rất nhiều thứ hiện nay các nhà khoa học, thợ tay nghề bậc cao trong nước thừa sức làm nhưng lại vẫn cứ phải nhập khẩu từ nước ngoài về với giá rất đắt. Đó là sự lãng phí rất không cần thiết cả về tiền bạc lẫn chất xám.
Lẩu thập cẩm
Vậy từ khi về "dưỡng già" đến giờ anh đã làm được gì cho đời?
Nếu tính đầu sản phẩm thì những thứ tôi sáng chế ra hoặc làm theo đơn đặt hàng "nhái" mẫu mã của người ngoài nhưng có cải tiến cho phù hợp thì phải lên tới hàng ngàn. Nhiều mặt hàng của các bệnh viện lớn, tổng công ty nhập về với giá hàng chục ngàn đô hỏng hóc. Nếu mang ra nước ngoài để bảo hành sửa chữa thì rất tốn kém nhưng họ đã "bí mật" mang đến để tôi cứu giúp cho. Có thể kể ra một vài thứ tôi đã làm như bộ dụng cụ nha khoa, làm mát cây máy tính chủ bằng cách gắn thêm bộ tỏa nhiệt, dựng lên những con xe máy, xe đạp cực độc... Như hiện nay thì tôi đang dựng một con xe đạp điện với dáng vẻ của một chiếc Harley Davidson. Các bạn trẻ đến đây nhìn con xe đều "rất ưng". Đã có nhiều đơn đặt hàng nhưng tôi chưa đồng ý bán cho ai cả bởi chẳng phải ai mua tôi cũng bán mà phải chọn người biết chơi để "gửi vàng".
Thế làm sao khách hàng biết để đến với anh?
Người tìm đến với tôi đủ các thể loại trên đời. Từ dân chơi cao cấp, dân mô tô xe máy, dân công nghệ cho đến những anh đồng nát, dân buôn. Anh vào đây rồi thì thấy, nhà tôi nằm sâu hun hút trong cái làng Linh Quang này, chẳng có một tấm biển chỉ dẫn hay quảng cáo nào mà mọi người vẫn cứ tìm được vào. Ban đầu thì cũng khó nhưng rồi khi làm ra một sản phẩm thì cứ người nọ truyền tai người kia mà chỉ nhau đến.
Anh có nghĩ đến việc cần phải lao động cật lực để "thu hồi vốn"?
Nếu chỉ nói đến vốn đơn thuần là những thứ máy móc tôi mang về để đây thì lô hàng tôi làm đầu tiên theo đơn đặt hàng đã khấu hao xong. Còn nếu tính cả những chất xám tôi bỏ ra thì tôi cũng đã thu hồi bởi mỗi thứ tôi mày mò để làm ra thì kiến thức của tôi lại tăng lên. Đó là phần thưởng mà tôi cho rằng quý nhất dành cho người làm khoa học.
Anh đã đến với nghề cơ khí này như thế nào?
Tôi lớn lên cạnh tiếng ồn ào của nhà máy cơ khí bên ga Trần Quý Cáp (Hà Nội). Dường như tôi thích máy móc từ bé. Cũng có thể do bố tôi làm trong nhà máy đó. Mỗi lần được các chú, các bác thợ cơ khí cho vào xem là thích lắm. Ngày đó hầu như lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ lớn lên cũng "oách" như các chú đó, được điều khiển những... đống sắt kềnh càng biết làm việc kia. Do có đam mê, tôi đã đi học nghề cơ khí và sớm trở thành người của nhà máy cơ khí. Trong nhà máy, tôi là kỹ thuật chuyên môn chuyên về sửa chữa ô tô. Hồi đó, ô tô chủ yếu nhập khẩu của Liên Xô. Trong lúc đó ngành ô tô trong nước chưa phát triển. Mỗi lần ô tô hỏng hóc chờ nhập được thiết bị về thay thế phải mất hàng tháng trời. Từ những khó khăn đó tôi bắt đầu mày mò sáng tạo. Ban đầu anh "chế" những thiết bị đơn giản và hầu hết chỉ thuộc về phần vỏ bên ngoài. Từ những cái đơn giản, dần dần tôi đã tự chế tạo được rất nhiều linh kiện thuộc về phần máy móc để thay thế mà không cần phải nhập khẩu.
Làm bạn với... giới trẻ
Phố Phủ Doãn được biết đến với nhiều tay độ xe chuyên nghiệp nhất Hà Thành. Thế nhưng lại có nhiều thanh niên nói với tôi rằng anh được ví như "Bao Công" của Phủ Doãn Khai Phong?
Dân chơi xe máy theo kiểu đú thì hay gọi là độ xe. Tôi thì không gọi như vậy. Tôi chỉ cho rằng đó là việc trang điểm cho xe. Nó giúp cho mỗi chiếc xe là một câu chuyện khác nhau, một sự độc đáo riêng. Chuyện trang điểm cho xe đến với tôi cũng rất tình cờ. Vốn là thợ cơ khí lại có nhiều năm sửa chữa ô tô nên việc am hiểu về xe cộ như hơi thở là đương nhiên. Năm 2007, khi bị "đá" về hưu, đúng lúc "con Wave ghẻ" của nhà bị hỏng nặng. Có thời gian rảnh rỗi mang ra sửa, tranh thủ có nghề đã "chế" thêm nhiều chi tiết, biến một chiếc xe bình thường thành chiếc xe thể thao trông khoẻ mạnh và rất đẹp.
Sau khi hoàn chỉnh mang ra đường đi ai cũng phải để ý nhất là thanh niên. Bọn trẻ nhìn thấy thì dò hỏi và rồi cứ thế mà theo về nhà để đặt hàng. Nhiều dòng xe thể thao phân khối lớn cũng đã được mang đến để tôi "trang điểm" lại cho thật bắt mắt, khác người. Cái thương hiệu Dân "độ" xe chẳng mấy chốc có tiếng ở Hà Nội.
Không hiểu anh có nghĩ đến việc độ xe là làm cho chiếc xe mất đi tính chính xác cũng như tính an toàn của nó?
Khi các bạn trẻ mang xe đến đây để tôi trang điểm thì họ chỉ cần nói ra ý tưởng. Do rất hiểu về xe nên khi "độ" tôi luôn giữ được tính cơ bản, những yếu tố kỹ thuật của xe. Độ chỉ làm cho xe đẹp hơn, tăng tính năng sử dụng chứ không phải là biến chiếc xe bình thường thành một "quái vật". Xe có nguyên lý của xe, không phải cái gì cũng có thể lắp vào đó được, xe nào thì nên lắp xe nào không. Nhiều bạn cứ muốn "hoành tráng" nên muốn biến chiếc xe thành kiểu này kiểu nọ. Nếu không hiểu cứ làm bừa sẽ rất nguy hiểm vì làm mất tính an toàn của chiếc xe.
Với việc sở hữu nghề "hot" như vậy chắc anh kiếm cũng khá?
Niềm vui của tôi bây giờ là được sáng tạo và làm ra các sản phẩm mình thích. Trong số những người đến với tôi hiện nay thì lớp trẻ khá nhiều. Được hàng ngày cùng với các bạn trẻ ngồi "sáng tác xe" và nói chuyện tếu đủ thứ cũng là một niềm vui. Nếu làm vì tiền sẽ không có nhiều người đến với tôi như thế. Tôi làm vì sự đam mê vì vậy nhiều khi tôi muốn các bạn làm cùng cho vui chứ tiền nong gì đâu. Tôi không phải là người sống bằng nghề sửa xe hay "độ" xe. Đơn giản đó là sáng tạo. Đã sáng tạo không nhất thiết là tiền bạc. Nhiều người cứ nghĩ "độ" xe là chế ra chiếc xe quái dị và để đua nhưng không phải vây. "Độ" đơn giản là khắc phục một số nhược điểm và làm cho chiếc xe đẹp hơn.
Xin cảm ơn anh!
Hầu hết các nhà khoa học của Việt Nam hiện nay có thu nhập thường thường bậc trung và không đủ sống bằng nghề. Nếu như gia đình tôi điều kiện kinh tế không tạm ổn thì tôi cũng phải chọn giải pháp "sản xuất đại trà" chứ không thể chỉ làm những cái mình thích được. |