Về bút tích của Vua Quang Trung
Hai ngôi mộ nấp trong làn cỏ ấy; mấy gian đền thờ trên núi không cây. Thành Lục Niên lác đác đá rêu xanh; khe Bộc Bố vọt tung vòi nước trắng. Trước mặt, núi nhấp nhô đoàn ngựa chạy; sau lứng đá sừng sững bức tường ngăn.
Đấy là cảnh tiêu sơ, làm cho khách qua thăm phải động lòng trắc ẩn.
Sau tôi tới làng Nguyệt Ao dò thăm con cháu. Họ hàng nay thịnh vượng, nhưng con cháu thấy điêu tàn. Nhà thờ một chái nhà tranh, tộc trưởng một người cày mướn.
May có họ hàng thân thuộc đón tôi niềm nở, và sau khi biết tôi cũng là miêu duệ của phu tử, mới cho tôi hay rằng còn giữ được chiếu chỉ đời xưa. Một cụ già thắp hương, vài rồi lấy ống sắc mở ra. Rút mãi, kéo ra một cuộn giấy cũ. Tôi trong lòng hồi hộp, tay mở cuốn ra xem. Bèn thấy dấu son còn đỏ chói, chữ mực vẫn chưa phai; duy chỉ giấy xưa lâu ngày đã thành vàng úa, và bị cuốn chặt quá nên mép rách sờn.
Nào chiếu, nào thư, nào tờ truyền, nào đạo sắc. Niên hiệu Cảnh Hưng, Thái Đức, Cảnh Thịnh, Quang Trung. Lối chữ đủ lối chân, lối thảo, lối nghiêm trang của người thư lại, lối linh động của bực túc nho.
Chợt thấy một bức chữ son, nét son tàu đỏ thẫm. Nét bút vụng về nhưng vạm vỡ. Mắt tôi không chớp, lòng tôi băn khoăn. Hẳn đây là thủ bút của một vua nào! Niên hiệu đề Thái Đức, nhưng lời thư bằng nôm là của vua Quang Trung! Mà di bút ấy lại là bức thư mà Quang Trung tự viết mời phu tử xem đất đóng đô. Lời thư lại bằng nôm. Đó là một sử liệu quí giá vô ngần, nó tỏ rằng Quang Trung cũng biết chữ nhưng không thông; rằng Quang Trung dùng chữ Nôm trong công văn; rằng Quang Trung biết trọng hiền tài; rằng phu tử giỏi địa lý và Quang Trung tin địa lý; rằng Quang Trung muốn đóng đô ở Phù Thạch, và rằng chính Quang Trung cầm quân ra giết Vũ Văn Nhậm ở Thăng Long…”
Tờ chiếu đó nguyên văn như sau:
Chiếu truyền La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp (2)khâm tri. Ngày trước uỷ cho Phu tử về Nghệ An tướng địa làm đô cho kịp kỳ này hồi ngự. Sao về tới đó, chưa thấy đặng việc gì. Nên hãy giá hồi Phú Xuân kinh hưu tức sĩ tốt.
Vậy chiếu ban hạ Phu tử tảo nghi dữ trấn thủ Thận cộng sự, kinh chi dinh chi, tướng địa tác đô tại Phù Thạch. Hành cung sảo hậu cận sơn. Kỳ chính địa, phỏng tại dân cư u gian, hay là đâu cát địa khả đô, duy Phu tử đoạ nhãn giám định.
Tảo tảo bốc thành! Uỷ cho Trấn thủ Thuận tảo lập cung điện. Kỳ tam nguyệt nội hoàn thành, đắc tiện giá ngự. Duy Phu Tử vật dĩ nhàn hốt thị.
Khâm tai! đặc chiếu.
Thái Đức thập nhất niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật (1788) (3).
Tác giả Hoàng Xuân Hãn ghi nhận rằng bức thư do chính tay Nguyễn Huệ viết “bằng son Tàu, không có dấu đóng” (4). Nếu thực đây là thủ bút của vua Quang Trung thì quả là một tài liệu “qíu giá vô ngần”, xứng đáng để làm quốc bảo cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đúng như thế, chúng ta cần thêm những chứng cớ khác để củng cố sự tin tưởng của tác giả. Cho đến nay, chưa thấy ai đưa ra được một lý lẽ nào khác có sức thuyết phục hơn để ủng hộ quan điểm này mặc dầu nhiều sách vở đã không còn coi như một nghi vấn mà viết thẳng dưới phụ chú là “Thủ bút của vua Quang Trung”.
Trước hết, Hoàng tiên sinh khẳng định rằng đây là thư do chính tay Nguyễn Huệ viết nhưng chỉ căn cứ vào một lý lẽ duy nhất là được viết bằng mực sonvà phỏng chừng là nét bút cứng cỏi có vẻ của một võ tướng:
Bức chiếu này viết bằng nửa nôm nửa chữ. Trên này là nguyên-văn. Tiếng dùng là tiếng Đàng Trong, ví dụ: đặng là được. Nét bằng son hồng điều, nay còn rất tươi. Tuy nét bút cứng cáp, chững chạc, nhưng cũng rõ là người viết chưa luyện. Chữ cách nhau không đều đặn. Có chữ sót sau thêm vào, như chữ Chiếu ở gần cuối. Có chữ tô đi tô lại; có chữ viết lầm, như chữ Đô ở hàng thứ năm và chữ Giám ở hàng thứ bảy. Chữ tên Nguyễn Thiếp cũng viết lầm.
Lần nầy là lần đầu mà cụ nhận được một tờ chiếu, mà không có dấu son. Ấy vì không cần, bởi lẽ chữ viết bằng son là chữ dành riêng cho vua viết. Chừng ấy chứng cũng đủ tỏ rằng chiếu này chính tay Chính Bình Vương viết. Lời tuy nôm nhưng dùng những câu toàn chữ xen vào. Hay là nói cho đúng, thì đó là văn chữ có xen nôm. Như thế tỏ rằng Nguyễn Huệ không phải hoàn toàn vô học (5).
Chiếu theo nội dung, lá thư này viết ở Phú Xuân, sau khi Nguyễn Huệ rút quân về “cho binh sĩ nghỉ ngơi”. Việc chọn đất và vẽ kiểu kinh đô, ông cũng đưa ra những nét chính, đó là cung điện xây tại Phù Thạch, hành cung ở sau gần núi. Cung điện chính thì ở gần nơi dân cư hay nơi nào được đất, tùy theo Nguyễn Thiệp chọn. Vậy đây là một văn kiện quan trọng, không phải chỉ là lời lẽ thăm hỏi thông thường hay vài hàng kèm theo quà cáp để có thể gửi một cách khinh suất. Vả lại, Nguyễn Huệ đang ở kinh đô, không phải tại một nơi biên địa hay trên đường đi nên phải tuỳ tiện làm khi gấp gáp.
Đối với nho gia ngày xưa, từ giấy tờ đến cách xưng hô bao giờ cũng lấy lẽ “chính danh” trước khi “định phận”. Theo như nội dung, Bình Vương đã uỷ quyền cho Nguyễn Thiệp định đoạt địa điểm, còn Trấn thủ Thận chỉ thực hiện việc dựng cung điện theo ý của La Sơn Phu tử, nhất là Nguyễn Huệ muốn làm gấp trong vòng 3 tháng đủ biết ông dành tài lực vật lực gần như vô giới hạn vào công tác này. Với lời lẽ rõ ràng như thế, trách nhiệm trên vai Nguyễn Thiệp rất lớn và minh bạch.
Tính theo thời gian, từ tháng 6 thêm 3 tháng nữa, cộng thời gian qua lại chúng ta có thể ước lượng rằng Nguyễn Huệ định ra Nghệ An vào khoảng tháng 10 năm Mậu Thân [1788]và sắp xếp để làm lễ đăng quang tại đây như tin đồn mà giáo sĩ La Barrette nghe được trong một lá thư gửi cho Le Breton “… Ấn định ngày 11 tháng Mười (Âm lịch) tức ngày mồng 8 tháng Mười Một là ngày ông tự phong mình làm hoàng đế dưới danh hiệu “Quang Trung” (6). Việc xây dựng có lẽ chỉ đình lại khi có tin quân Thanh kéo sang nước ta khiến Bình Vương phải tập trung nỗ lực vào việc đối phó với ngoại xâm, đưa đến những thay đổi ngoài dự tính.
Có lẽ giáo sư Hoàng Xuân Hãn vì mừng quá nên tin tưởng rằng đây chính là thủ bút của Nguyễn Huệ. Thực ra, không có nguyên tắc nào quy định rằng chỉ nhà vua mới được dùng mực son. Trong dân gian, thầy đồ viết phóng, khảo quan chấm thi hay thí sinh viết văn bài dùng mực thường. Những tờ chiếu khác của Bình Vương gửi Nguyễn Thiếp không dùng chữ son mà dùng mực đen. Thông thường chỉ có những lời phê của nhà vua trên các tờ biểu của các quan gửi lên mới dùng chữ son để phân biệt (châu phê). Những văn bản khác tuy trên danh nghĩa là lời của nhà vua nhưng thường do nội các soạn, viết bằng mực đen trên giấy vàng có đóng dấu ngọc tỉ.
Hình thức của bản văn này cũng có những điểm đáng ngờ vì hoàn toàn không theo đúng mẫu mực của một tờ sắc. Ngoài chi tiết quan trọng nhất là thiếu con dấu đóng trên hàng chữ Thái Đức thập nhất niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật để bảo đảm đây là một công văn của triều đình, khoảng cách giữa nội dung tờ sắc (thường được đóng dấu kiềm để biết rằng tới đây đã chấm dứt) và ngày soạn thảo cũng quá sát (thông thường phải có một khoảng trống để người nhận có thể trả lời mặc dù lắm khi chỉ là hình thức). Một vài chữ được dậm lại hay sửa khiến chúng ta có thể ngờ rằng người viết đọc không rành hay viết không thông hoặc viết trại đi vì một lý do khác.
Dù gấp gáp, khó có thể tin được rằng Nguyễn Huệ phải tự tay viết một lá thư quên cả đóng dấu vì Nguyệt Ao tiên sinh thân tình đến mức nhìn vào mặt chữ là biết ngay. Việc viết một lá thư riêng đơn giản không đúng với qui cách của triều đình là một điều tối kỵ, đã không coi trọng người nhận mà còn có thể bị giả mạo hay sửa đổi. Chính vì thế, ngoài dấu triện Quảng Vận Chi Bảo ( ) để bảo đảm rằng đây là một văn thư chính thức, những con số và vị trí quan trọng trên giấy tờ ngoài việc viết bằng chữ kép [nhất viết thành , nhị thành , tam thành ] còn đóng thêm dấu kiềm nhỏ để nếu có thay đổi thì dễ dàng phát hiện.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, đây là một dụ chỉ khẩn cấp. Trước đây Bình Vương đã yêu cầu Nguyễn Thiếp đi xem đất và chọn địa điểm để xây cung điện. Tuy nhiên sau đó tình hình chưa yên, nhất là có vụ xung đột với Vũ Văn Nhâm [có nơi viết là Nguyễn Nhậm] khiến ông phải đích thân ra Bắc để dẹp yên. Khi về ngang qua Nghệ An, công việc vẫn chưa được xúc tiến nên khi về Phú Xuân ông phải viết một lá thư, vừa trách móc, vừa hối thúc và định cho một kỳ hạn rất gấp rút [3 tháng phải xong]. Sau đây chúng tôi xin trích lại lá thư đã được giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết lại theo lối chúng ta hiểu ngày hôm nay:
Chiếu truyền cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiệp được biết. Ngày trước, uỷ cho Phu tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đó thấy chưa được việc gì? Nên ta hãy hồi giá về Phú Xuân kinh cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy chiếu ban xuống cho Phu tử nên sớm cùng ông trấn thủ Thuận tính toán mà làm việc, xem đất đóng đô tại Phù Thạch. Hành cung thì để phía sau khá gần núi. Chọn đất hoặc ở chỗ có dân cư, hoặc chỗ nào đất tốt có thể đóng đô được, là tuỳ Phu tử lấy con mắt tinh mà xét định. Sớm sớm chọn lấy, giao cho trấn thủ Thận chóng dựng cung điện. Hẹn trong ba tháng thì xong, để tiện việc giá ngự. Vậy Phu tử chớ để chậm chạp không chịu xem.
Kính thay. Đặc chiếu…
Thái-đức năm thứ 11, tháng sáu, ngày mồng một (7).
Chính vì thế, Nguyễn Huệ chắc cũng dặn người đưa thư bắt Nguyễn Thiệp phải trả lời ngay trên văn bản để đem về trình minh, xác rằng người nhận đã đọc để thi hành ngay, không có lý do gì để thoái thác nữa. Chúng tôi đoán là thế vì những lá thư trước, thường thư gửi và thư trả lời luôn luôn có một khoảng thời gian, có lẽ lúc đầu Nguyễn Huệ còn đủ khiêm cung để không tỏ ra quá lố mãng. Tuy nhiên, càng về sau chúng ta càng thấy ông thẳng thừng hơn, chẳng cứ gì với Nguyễn Thiếp mà cả những nhà nho khác ở Bắc Hà, chứng tỏ uy quyền ngày càng được củng cố. Trong thời gian cấp bách đó, Nguyễn Thiếp đã sai người nhà, học trò hay con cháu, chép lại bản chính để lưu giữ và những lỗi “khuể ngộ” [sai lầm văn tự] có thể do người chép vội chứ không phải nguyên bản viết sai. Còn tên Nguyễn Thiếp chép ra Nguyễn Thiệp là vì người chép kiêng không dàm viết thẳng tên thày, tên cha mình.
Cũng vì thế, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã không tìm thấy thư trả lời mà chỉ có lá thư của Nguyễn Huệ đáp lại mà nhân đó chúng ta đoán được phần nào nội dung hồi âm của Nguyễn Thiếp. Cũng nên thêm rằng, lá thư trả lời của Nguyễn Huệ đề ngày 19 tháng 6, chỉ cách có 17 ngày với là thư này, tính ra chỉ đủ thời gian sứ giả đi từ Phú Xuân đến Nguyệt Ao và trở về Phú Xuân trình lại nên việc đòi trả lời ngay cũng hợp lý.
Nói tóm lại, theo chúng tôi đây chỉ là một bản sao chép lại chiếu thư của Nguyễn Huệ. Vì bản sao này viết bằng mực son nên đã gây ra hiểu lầm và cũng không có chứng cớ gì để xác định đây là bút tích của Nguyễn Huệ.
Chú thích:
1. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu tử (Paris : Minh Tân, 1952)
2. Huệ viết tên cụ lầm ra Thiệp (lời chú của Hoàng Xuân Hãn).
3. Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.118-9
4. Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.118
5. Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.119
6. Đặng PHương Nghi, Tlđd, tr.214
7. Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.120