Vật liệu mới bám dính tốt hơn chân tắc kè
Khả năng đặc biệt của loài động vật này là nhờ sự tương tác phân tử giữa lông chân và vật liệu bề mặt.
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Akron, Ohio và Viện bách khoa Rensselaer đã phát triển loại sợi lông chân tắc kè tổng hợp, cấu tạo từ hàng trăm chuỗi phân tử carbon (ống nano carbon) chèn theo chiều đứng vào một vật liệu thuỷ tinh plexi. Lực bám dính của loại sợi này mạnh gấp 200 lần so với lực ghi được của tắc kè.
Tiến bộ này có thể giúp mở ra những đột phá mới về lực bám dính khô, được dùng để dán tạm thời các thành phần với nhau bên trong thiết bị vi điện tử, hoặc giúp tạo ra khả năng leo tường cho robot, hoặc để dán bất cứ thứ gì vào nhau cần đến khả năng dính và tách rời.
Để có được sợi lông nano, nhóm nghiên cứu đã đốt nóng một hỗn hợp khí chứa carbon và đưa hỗn hợp này qua một bề mặt kính hoặc silic ở nhiệt độ vượt 800 độ C. Trong điều kiện đó, các phân tử carbon xếp hàng và mọc dựng đứng trên bề mặt silic. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu nhúng các ống nano vào một dung dịch hoá chất để làm tăng độ cứng. Lông tổng hợp được gắn vĩnh cửu vào màng polymer sản phẩm. Một kỹ thuật hoá học khác sau đó được áp dụng để tách rời màng polymer chứa ống nano carbon khỏi bề mặt silic.
Trên kính hiển vi, các sợi lông này giống như những chiếc tơ cứng. Mỗi sợi có đường kính chỉ từ 50 đến 100 nano mét, khoảng một nghìn lần nhỏ hơn độ rộng một sợi tóc. Trong thử nghiệm sức mạnh của ống nano, các nhà khoa học tìm thấy sợi tổng hợp có độ bám dính tốt hơn 200 lần so với lông chân tắc kè thực.
Nhóm nghiên cứu đã lập kế hoạch tạo ra các tấm dính có kích cỡ centimét và tìm hiểu cách lồng các ống nano này vào vật liệu nền mềm dẻo hơn, mô phỏng bộ da của tắc kè.
Nguồn: vnexpress.net 22/8/2005