Văn hóa rượu cần
Ngày nay không ai còn lạ gì rượu cần, thậm chí ở các thành phố lớn, nhỏ trên cả nước, đâu cũng thấy bày bán những chum, vò rượu cần. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có rất nhiều bài viết, nói, hát... về rượu cần, với đủ cách trình bày, miêu tả, thưởng thức khác nhau, ở những vùng, miền, những dân tộc khác nhau. Rượu cần đã làm tốn khá nhiều giấy mực của kẻ sĩ! Tuy nhiên, vẫn có hai câu hỏi về rượu cần còn bỏ ngỏ, chưa ai giải thích được:
Một là, rượu cần có từ bao giờ? Hai là, dân tộc nào đầu tiên đã sáng tạo nên rượu cần? Bản thân chúng tôi cũng không làm sao trả lời được hai câu hỏi đó. Phải chăng đó cũng là bí mật tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của rượu cần đối với cả người uống và người viết? Có một nét chung là, dù các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Tây Bắc cho đến miền Trung, Tây Nguyên hay miền Đông Nam Bộ... Dân tộc nào cũng coi rượu cần là thức uống không phải chỉ để uống lấy được; không phải chỉ để mà say... mà uống rượu cần để lấy cái vui làm chính, đặc biệt chỉ dùng trong những dịp trọng đại, những dịp có công việc lớn của gia đình, họ hàng, anh em, làng bản...
Về thưởng thức rượu cần, có lẽ không có dân tộc nào thưởng thức rượu cần một cách cầu kỳ như các dân tộc ở Tây Nguyên! Còn cách tạo nên menđể làm ra rượu cần thì không có dân tộc nào cầu kỳ bằng người Thái ở Tây Bắc (nhất là vùng Sơn La)! Thứ rượu cần cất bằng cái rượu làm từ gạo cẩm, ngon và bổ nhất hạng, thì không đâu bằng miền Tây Thanh Hóa và mạn Hòa Bình, hình như chỉ dân tộc Mường mới có!
Là thứ rượu của thiên nhiên, của lễ hội... không ai, không dân tộc nào chỉ uống rượu cần lấy được; cũng không ai uống rượu cần để giải sầu, độc ẩm; cũng không phải tự nhiên mang rượu cần ra uống như cách học đòi của người thành thị ngày nay. Họ dùng rượu cần như một thứ đồ uống lạ miệng, hoặc một thức uống cho ra dáng “lộc núi, hương rừng” ở chốn phồn hoa đô thị đầy ắp rượu Tây, rượu Tàu...
Với người Thái ở miền Tây Nghệ An, rượu cần còn để tiếp cận với tổ tiên, với các thần, các phi(ma) ở mường thế gian và cả mường trời nữa. Rượu cần dùng để đón khách, giao lưu với khách. Khách đến nhà, có quý trọng đồng bào mới bắc rượu cần, để không chỉ có người nhà, mà có khi cả bản đến cùng uống. Ai lên nhà cũng chào khách một vài câu rồi mới ngồi uống rượu cần với khách. Khách một nhà, thành khách của cả bản. Chỉ có rượu cần mới cố kết được như vậy! Rượu cần dùng để uống trong các dịp lễ hoặc trong những ngày tết.
Khi chum rượu cần được mở ra, được cắm cần và đổ nước đầy rồi, người ta chắp hai tay kính cẩn mời ông bà tổ tiên uống trước, mới đến lượt người già. Con cháu uống sau cùng! Nhìn qua phong tục ấy, tưởng như có một nét tâm linh nào đó quá phiền toái trong tục uống rượu cần, nhưng hoàn toàn không phải. Đúng hơn, đó chính là một nét của văn hóa ẩm thực khá độc đáo, bởi nó lồng cả văn hóa giáo dục trong đó, rất tự nhiên mà sâu sắc và hàm súc vô cùng!
Trước đây ở trong bản, nhà nào mở rượu cần, đồng bào thường cho con cái đi mời hết lượt các gia đình trong bản; nhà chức sắc, tạo bảnthì đánh trống, gõ mõ gọi cả bản cùng đến uống rượu cần. Không có ai uống rượu cần một mình cả, cũng không riêng nhà nào tự uống rượu cần, ít nhất cũng có anh em, chú bác, hoặc các nhà xung quanh... Dù là chum hay vò, rượu ngon hay dở... thì mọi người vẫn cùng nhau uống, không ai chê bai trước mặt, có góp ý cũng là chuyện nói vui sau cuộc rượu cần. Đã ngồi quanh chum rượu cần, đồng bào thường không phân biệt chức sắc, địa vị xã hội, mà chỉ phân biệt tuổi tác. Người già cả, tuổi cao, dù là dân đen, dốt nát, vẫn được mời uống trước; kẻ có quyền cao, chức trọng, nhưng đáng tuổi bậc con cháu, vẫn phải tự giác cầm cần rượu sau.
Ngày xưa cũng có những tạo mường, tạo bản thường hống hách, cậy thế cậy quyền, uống rượu cần cũng phải được “ăn trên ngồi trốc”, đã bị đồng bào phê phán rất gay gắt và mang tiếng suốt đời. Tuy nhiên ngày xưa, không phải ông tạo nào cũng đều như thế...
Cán bộ ta ngày nay cũng vậy, không phải ai cũng có đạo đức cách mạng và có văn hóa ứng xử trong mọi quan hệ. Nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh hẳn hoi nhưng vẫn mắc căn bệnh “mù chữ cao cấp” - nghĩa là không hiểu biết, hoặc hiểu biết rất ít văn hóa của dân tộc mình. Họ xuống cơ sở, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ngồi quanh chum rượu cần, đã có những lời nói, cử chỉ và hành động khiến đồng bào có ấn tượng không tốt về cán bộ của Đảng! Bây giờ còn vậy, huống gì ngày xưa!
Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng phong kiến ngày xưa cái gì cũng xấu! Có đúng vậy không? Rượu cần và tục uống rượu cần chẳng đã ra đời từ “ngày xưa” đó sao!
Xét cho cùng, tục uống rượu cần như một hình thức đãi nhau hợp với sinh hoạt hơn cả, mà nghĩa tình trong bản, trong mường được gắn bó keo sơn, có xích mích gì thì được hòa giải ngay bên chum rượu cần. Ai có tội cũng được xử phạt ngay trong cuộc rượu, xử phạt xong coi như hoàn lương, hiềm thù cũ coi như gạt bỏ, tội lỗi cũ coi như quên... Bởi thế mà xã hội người Thái phát triển khá yên bình, rất ít khi xáo động. Con người sống với nhau chan hòa, cởi mở, đùm bọc, tin yêu, luôn gần gũi nhau những khi “tắt lửa tối đèn”... ấy là chưa kể bao nhiêu câu chuyện, bao kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm sống, lời “nhuôn”điệu “xuối”... cũng được cất lên, được thể hiện, được giáo dục truyền thụ ngay cạnh chum rượu cần!
Rượu cần còn là một nét giao duyên của trai gái: ở miền núi Nghệ An nói chung, nhiều nơi có tục “Kin lẩu bảo xáo”(tức là uống rượu cần trai gái) vào các dịp có lễ trọng (như ngày mồng 2 tháng 9 hoặc ngày tết) hàng năm. Trong cuộc vui ấy, quanh chum rượu cần chỉ có trai chưa vợ, gái chưa chồng, không ai dám ngồi vào đó ngoài gái lịch - trai tân. Uống rượu cần, hát đối nhau... lời “nhuôn”, điệu “xuối”có khi suốt đêm mà chum rượu cần vẫn không nhạt. Thực ra, rượu cần chỉ là cái cớ cho trai gái có dịp để giao duyên mà thôi!
Thật không ngoa khi ai đó khẳng định: “Văn hóa rượu cần”chính là cầu nối của tình bằng hữu, là sự liên kết hữu tình giữa các dân tộc, giữa con người với con người!