Tưởng nhớ thầy Đặng Phúc Thông người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam
Ông Đặng Phúc Thông đã tốt nghiệp ở những trường Đại học có tiếng ở Pháp. Về nước, ông làm việc ở Sở Hoả xa Đông Dương và phục vụ liên tục ngành Công chính sau Cách mạng tháng Tám cho đến khi mất.
Trong buổi ra mắt của Chính phủ nước VNDCCH trước Quốc hội khoá I, Bác Hồ đã đứng giữa cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố và những thành viên khác trong đó có ông Đặng Phúc Thông. Thay mặt Chính phủ, Bác đã đọc lời thề chung và lời thề riêng cá nhân của Bác, trước Quốc hội và đồng bào cả nước (tôi may mắn có được giấy ra vào dự thính các buổi họp toàn thể Quốc hội ở Nhà hát lớn Hà Nội, có mặt trong buổi lễ này).
Năm 1947, Chính phủ quyết định mở lại trường Cao đẳng Công chính và ông kiêm làm hiệu trưởng. Từ những mong muốn đưa trường trở thành trường Đại học Bách khoa như ở Pháp, ông đã đề nghị và được Chính phủ chấp thuận đổi tên thành trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam (1949).
Trường dạy nhiều môn về KHKT, tự nhiên nên cần nhiều giáo viên nhiều ngành khác nhau. Với uy tín và quan hệ tốt với nhiều trí thức nhân sĩ khác, ông đã mời được nhiều người có bằng cấp cao đến giảng dạy ở trường.
Ông rất quan tâm đến học sinh. Trong kháng chiến mọi thứ đều thiếu nên ông đã chọn địa điểm của trường gần các trường cấp III để học sinh có điều kiện tham gia dạy thêm. Ông bàn cách tăng thêm học phí cho anh em. Ở cương vị lãnh đạo cao nhất ở trường, ông rất điềm đạm, vui vẻ với mọi người từ học sinh, công nhân đến giáo viên. Ông luôn dặn chúng tôi sau này phải học thêm từ người công nhân đến các bậc trí thức có kinh nghiệm vì ở trường chỉ hướng dẫn những điều cơ bản.
Hết khoá I, trường không dạy hệ kỹ sư nữa mà chỉ còn dạy hệ trung cấp và chuyển lên Tuyên Quang. Vì sức yếu, ông đã ở lại Thanh Hoá và mất sau đó không lâu.
Với kiến thức thu nhận được ở trường, anh em chúng tôi toả đi nhận công tác trong vùng kháng chiến, chủ yếu là ở Việt Bắc và đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người đã trưởng thành và có uy tín, là lãnh đạo ngành ở một số tỉnh và khu tự trị, sau là lãnh đạo ở các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ, và đã nhận được những phần thưởng cao quý.
Khi có dịp gặp nhau, chúng tôi thường ôn lại những ngày ở trường và tưởng nhớ tới thầy hiệu trưởng và những thầy dạy khác.
Ngành Giao thông vận tải là một ngành đã đóng góp nhiều công sức, nhất là trong kháng chiến, thành tích chỉ sau lực lượng vũ trang. Có những công trình chúng tôi làm còn sử dụng cho đến nay đã hơn 50 năm, trong điều kiện tự lực cánh sinh, nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều tuyến đường chúng tôi đã nghiên cứu chỉ đạo cho làm để đảm bảo giao thông trong thời chiến đến nay đã được cải tạo, nâng cấp thành quốc lộ, và những đường quan trọng như bến phà, bến phao đã được thay thế bằng câu vĩnh cửu.
Với kiến thức thu được ở trường và học tạo kinh nghiệm trong thực tế, anh em chúng tôi đã làm được nhiều việc trong các lĩnh vực đường bọ, đường sông, đường thuỷ, thuỷ lợi, đường sắt.
Ông Đặng Phúc Thông đã ra đi hơn nửa thế kỷ, nhưng anh em chúng tôi vẫn nhớ tới thầy, và nếu đã làm được những gì đều nói đến công ơn của thầy từ lúc bước vào nghề.
Để ghi nhớ công tưởng nhớ những người đã khuất và đã có nhiều đóng góp cho nền độc lập nước nhà, ngày nay nhiều người đã được gắn tên trên một số đường phố. Riêng đối với ngành Giao thông vận tải, gần đây chỉ mới có tên của cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Ông Đặng Phúc Thông tuy là Thứ trưởng nhưng đã có mặt trong Chính phủ khoá I và là một nhân sĩ, trí thức, quyết tâm theo Cách mạng, được Bác Hồ quý mến. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông và cầu Thanh Trì mới thông xe qua địa phận quê ông, chúng tôi mong ước có một đường phố mang tên ông.