Tưởng nhớ cố GS.TSKH Nguyễn Văn Trương: Bài học từ một làng sinh thái
Đề tài: “Lâm nghiệp xã hội ở các tỉnh duyên hải miền Trung” do GS Nguyễn Văn Trương (Viện Kinh tế sinh thái - viện nghiên cứu dân lập đầu tiên ở nước ta, nay trực thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) làm Chủ nhiệm, phối hợp với hai đơn vị khác thuộc Viện Khoa học Việt Nam và Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ thực hiện theo 3 nhánh, trong đó Viện Kinh tế Sinh thái nhận một nhánh xây dựng một làng sinh thái trên vùng cát xã Triệu Vân,Triệu Phong, Quảng Trị.
Một ngày đầu tháng 5 năm 1993, đoàn làm việc gồm GS Nguyễn Văn Trương, GS Trịnh Văn Thịnh - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GS Tôn Thất Chiểu - chuyên gia thổ nhưỡng, GS Nguyễn Pháp - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, GS Lê Duy Thước - chuyên gia nông nghiệp và GS Nguyễn Văn Thưởng - chuyên gia về chăn nuôi đã đến Triệu Phong. Đoàn được đồng chí Văn Viết Hoá (lúc đó là PCT UBND tỉnh) và các đồng chí trong UBND huyện nhiệt tình ủng hộ cùng đi đến hiện trường vùng cát hoang vắngchỉ có cỏ lơ thơ và cây mua cằn cỗi, mọc lác đác. Vậy làm sao để phát huy tiềm năng vùng đất cátgiúp bà con nông dân sản xuất được lương thực thực phẩm, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng vườn cây ăn quả và tạo bóng mát? Ta có câu, muốn sống thịnh vượng thì cộng đồng dân cư phải có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Cả hai vế “thiên thời, địa lợi” đều không có, nắng gắt, cát khô nóng, gió lộng may chỉ có “nhân hoà”, bà con nông dân ở Quảng Trị đã cùng nhau đoàn kết, chịu mọi hy sinh để có thể vượt qua gian khổ.
Cây được trồng trên cát tại Gio Mỹ, Gio Linh. |
Từ những bài học đó, các nhà khoa học giàu tâm huyết và tri thức đã đề xuất: Đào mương sâu 1m, rộng 2m đắp đất thành bờ cao 1m, rộng 2m. Trên bờ đất, trồng cây phi lao xen cây keo lá tràm, chiều cao và bề rộng liếp phải được tính toán sao cho cây phi lao và cây keo, khi đã cao 4m - 5m phát huy đầy đủ vai trò phòng hộ thì rễ mớixuống đến đáy mương, nghĩa là rễ không bị nước mùa mưa úng cắt đứt. Cự ly các dải cây phòng hộ phải được thiết kế sao cho sau một năm cây cao 1m hay 1m50, bóng phải che được một phần mặt đất giảm sức đốt nóng của mặt trời, để bà con nông dân có thể trồng cây nông nghiệp. Cự ly các dải lúc đầu là 3m. Khi cây phòng hộ cao lên, bóng dài ra thì chỉ để lại hai dải hai bên. Làm sao có được bóng cả sáng lẫn chiều cũng là một yêu cầu cần cho bản thiết kế. Ta biết mặt trời đi từ Đông sang Tây, các dải cây phải đặt song song theo hướng Bắc Nam .
Bản thiết kế được xây dựng trên những ý kiến đóng góp của những khoa học hàng đầuvà đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo cho việc cải thiện môi trường có hiệu quả cao nhất. Nhưng việc khó hơn là phải tính sao cho việc thực hiện tốn kém ít nhất vì kinh phí rất hạn hẹp. Đây là mô hình đầu tiênđược thiết kế cho nên sự thành công còn phụ thuộc vào bà con nông dân về cả hai mặt phát huy được tri thức bản địa và lòng quyết tâm thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Ban đầu bà con chỉ trồng được những cây lương thực thực phẩm chịu khô hạn và đất nghèo dinh dưỡng (ngô, đậu, vừng, lạc..). Vùng đất cát xã Triệu Vân có mạch nước ngọt cách mặt đất 2-3m. Đó là tài nguyên quý giá mà bà con biết khơi dậy làm giếng khoan tiện lợi và rẻ tiền. Một số hộ đào ao trữ nước ngọt nuôi trồng thuỷ sản.
Với quyết tâm của các nhà khoa học, ý chí và sức mạnh của cộng đồng, vùng cát bỏ hoangđã lâu đời đã “lột xác”, trở thành làng sinh thái Triệu Vân. Cảnh đói nghèo đã bị đẩy lùi và sự thịnh vượng đã đến khá nhanh, vượt trí tưởng tượng của người dân và dự đoán của các nhà khoa học. Ông cha ta có câu: “Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền”. Ở vùng đồng bằng không phải nơi nào cũng có thể xây dựng vườn cây, đào ao thả cá. Vậy mà chính ở vùng đất hoang mạc này gia đình nào cũng có thể có ao, có vườn và có cả đất trồng lúa. Sau 3 năm trở lại làng sinh thái Triệu Vân ai cũng ngạc nhiên về sự biến đổi kỳ diệu và ngày nay trên vùng đất cát này có nhiều loài cây lương thực, thực phẩm hơn ở vùng châu thổ. Đặc biệt những loài cây có củ và những loài cây lá cứng phát triển rất tốt tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Làng sinh thái Triệu Vân là sự khởi đầu cho lòng tin và quyết chí xây dựng các làng sinh thái trên vùng đất cát để chứng tỏ rằng nhân dân ta đã làm chủ được các hệ sinh thái cát và kinh nghiệm đó có thể giúp các nước chinh phục sa mạc, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Để rồi từ đây cứ thế thầm lặngvà miệt mài, GS Trương cùng với các đồng sự đã tìm đến những nơi mà sự sống khó bề phát triển, vùng đất trũng ngập quanh năm ở Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương; vùng cát khô hạn ven biển Cảnh Dương, Hải Thủy, Thanh Thủy, tỉnh Quảng Bình, Kim Lư, Na Rì, tỉnh Bắc Cạn..., biến chúng thành những làng sinh thái trù phú.