Từ "siêu" đang bị lạm dụng
Vài ví dụ: "siêu đẳng" là "vượt qua đẳng cấp bình thường"; "siêu nhân" là "hạng người có tư cách cao vượt lên trên người thường ở thế giới hiện tại"; "siêu loại" là "vượt lên trên đồng loại" ("Hán-Việt từ điển", Sđd, tr. 193-194); "siêu cường" là "cường quốc lớn trên thế giới về chính trị, quân sự, kinh tế"; "siêu lợi nhuận" là "lợi nhuận vượt xa lợi nhuận bình quân mà các tổ chức độc quyền chiếm đoạt được"( "Từ điển tiếng Việt", tr. 287); v.v...
Từ các nghĩa trên của "siêu", đã có nhiều người dùng đúng, khi ghép với một yếu tố thuần Việt. Ví dụ: "Siêu lừa" Nguyễn Lâm Thái, đây là vụ lừa đảo "cao hơn" hẳn các vụ lừa đảo. Thái đã móc ngoặc với nhiều bưu điện tỉnh, thành phố, lừa chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng... Hoặc "siêu lừa" Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hoà cũng trên tài các tay lừa đảo khác: làm giả giấy tờ và được một số quan chức địa phương cấp cho mấy chục hécta đất ở vị trí tốt, với giá bèo...
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói, là hiện nay, rất nhiều từ có yếu tố "siêu" đang bị lạm dụng; nghĩa là nó bị dùng một cách bừa bãi, không đúng với nghĩa nêu ra ở trên. Theo sự thống kê sơ bộ của tôi, thì những từ có yếu tố "siêu" này, phần lớn là nói về các lĩnh vực: văn hoá-văn nghệ, thể thao và kinh doanh của Việt Nam .
Vài ví dụ: "Siêu sao" ca nhạc, điện ảnh; "siêu mẫu" (siêu người mẫu); "siêu cúp (bóng đá) quốc gia"; gần đây, có phóng viên còn viết: vận động viên X. là "siêu vô địch", "siêu hạng", v.v... Hoặc: tác phẩm Y. là một "siêu thi phẩm"; một đạo diễn điện ảnh hoặc doanh nhân "siêu việt"; rồi nhan nhản những "siêu thị", lại có cả "đại siêu thị" nữa; v.v...
Thật ra, trên thế giới, có các "siêu sao" ca nhạc hoặc điện ảnh, các "siêu thị" và cả "đại siêu thị", các doanh nhân "siêu việt" hoặc "siêu tỉ phú", các tác phẩm văn học-nghệ thuật "siêu hạng", v.v... thật sự lừng danh, tiếng thơm để đời, được hàng trăm triệu người ngưỡng mộ!
Thế nhưng, ở xứ mình, mới ti toe vài bài hát, mới đóng được mấy vai nhàn nhạt trên phim mà khán giả xem xong là quên ngay, nhưng vẫn được các ông bầu hoặc báo chí lăngxê là "siêu sao" ca nhạc hoặc điện ảnh; mới có vài trận thắng trong thi đấu thể thao cấp quốc gia hoặc với một vài nước trong khu vực, mà đã xướng lên là "siêu vận động viên" với "siêu vô địch"; mới có vài gian hàng bày biện loè loẹt, gồm cả hàng kém chất lượng, văn minh thương mại yếu kém, giá cả tăng vô tội vạ, mà cũng phô trương "siêu thị" với "đại siêu thị"; vài bài thơ nhạt thếch, chỉ "anh anh em em" với " sầu muộn" và "chia ly ", có cho không, cũng ít ai dám nhận, mà cũng vống lên là "siêu thi phẩm"; v.v... nghe nó cứ giả tạo, kệch cỡm thế nào ấy - nếu như không muốn nói là lừa bịp thiên hạ.
Những người dùng các từ có yếu tố "siêu" như trên, do vụ lợi, đã tô hồng quá mức; hoặc do tư duy, nhận thức yếu kém và thiếu vốn sống, đã ngộ nhận về giá trị đích thực của sự vật, tính chất hoặc con người mà mình nói đến, thành thử: nhìn cục đất cứ ngỡ cục vàng, nhìn con gà ri lại tưởng phượng hoàng hoặc đại bàng cất cánh! Thế cho nên, họ đã làm cho người đọc, người nghe hiểu không đúng về đối tượng được phản ánh. Đấy cũng là việc không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt.
Nguồn: laodong.com.vn (11/05/08)