Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 16/05/2008 15:14 (GMT+7)

Từ “liều” trở thành vua “vòi rồng”

Vua "vòi rồng"

Tây Nguyên với hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Thông thường vào mùa khô - những ngày nắng kéo dài gây nên tình trạng thiếu nước, cây trồng mà chủ yếu là cây cà phê rất cần nước tưới. Người ta dùng hai phương pháp tưới cà phê, một là tưới trực tiếp vào gốc gọi là tưới "dí", hai là tưới bằng bec dưới dạng mưa gọi là tưới "phun" (cách tưới này làm cho độ ẩm của đất thấm đều, cây cà phê hấp thụ nước tốt hơn). Do đặc điểm của cây cà phê nên cách tưới phun mưa bằng "vòi rồng" (bec tưới) là tốt nhất. Chính vì vậy, với sự ra đời của Cơ sở sản xuất Bec tưới Đặng Tám đã giúp người nông dân trồng cà phê không chỉ ở vùng Krông Pắc trút được một gánh nặng về khâu nước tưới cà phê.

Anh Lương Nha ở thôn Phước Lộc 3, xã ÊaPhê, huyện Krông Pắc là người đầu tiên mua bec tưới của anh Đặng Tám cho hay: "Bec tưới này tôi sử dụng từ năm 1997 (tức là lúc anh Tám mới cải tiến thành công từ bec tưới của Tiệp) đến nay vẫn còn chạy tốt, không những bền mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với bec ngoại. Mùa này cây cà phê cần nước ghê lắm, không có bec tưới thì chúng tôi cũng chật vật lắm".

Các nông trường cà phê Thắng Lợi, nông trường Tháng Mười thuộc Công ty cà phê Tháng Mười... đều đưa vào sử dụng bec tưới nước của anh Tám đã so sánh: "Chúng tôi xài bec tưới của cơ sở Đặng Tám hai đợt rồi, lượng nước tưới rất chi là tuyệt vời, hiệu quả, bec tưới xịt đều, quay đều không bị đứng, đạt tiêu chuẩn công ty đề ra. Bác Tám nghiên cứu được bec nước này rất bảo đảm và còn sửa chữa được các loại bec Tiệp và Nga, làm lợi cho dân, cho Nhà nước. Bác là vua "vòi rồng" ở xứ này".

Một là thắng lợi, hai là... bán nhà

Năm 1976, Đặng Tám rời Duy Xuyên, Quảng Nam đưa gia đình lên Đăk Lăk lập nghiệp. Mới đầu, gia đình anh trồng được trên hai héc ta cà phê chủ yếu là tưới bằng máy nổ và ống dây gọi là tưới dí rất cực lại tốn nhiều nguyên liệu, lãng phí nguồn nước mà hiệu quả không cao. Không chịu bó tay ngồi nhìn cảnh hàng chục bec tưới cà phê sắp biến thành phế liệu, mất tiền, xót của, anh Tám quyết tâm tự mày mò, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân. Sau khi thử hàng chục cái, anh rút ra kết luận: do cấu tạo bánh lái không chuẩn, nước phun không đều làm cho cần lái không va đập vào bánh lái dẫn đến bec không tự động quay được. Từ nguyên nhân trên, sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết tâm phải đúc thử một vài cái bec. Ban đầu mày mò, sử dụng nguyên liệu nhôm và dùng xi măng làm khuôn để đúc nhưng khi nấu nhôm đổ vào thì khuôn xi măng nổ. Không nản chí, trong một lần lên TP Buôn Ma Thuột, anh mua được cuốn sách "Bí quyết 600 nghề ít vốn dễ làm" của kỹ sư Phạm Đình Trị do NXB TPHCM phát hành. Từ cuốn sách này anh học được kiến thức dùng thạch cao để làm khuôn đúc nhôm. Ròng rã hơn hai năm trời kể từ năm 1994 khi mới bắt tay vào mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, sau nhiều lần thất bại, đầu năm 1997, bec tưới do anh sản xuất đã quay vòng được 360 độ. Trong hơn hai năm trời tự nghiên cứu anh đã bị vợ "không nhìn mặt" nhiều lần do bao nhiêu tiền thu hoạch được từ hai héc ta cà phê anh đều dùng để phục vụ nghiên cứu khoa học! Anh em bạn bè, có cả những người làm trong ngành cơ khí đều can anh không nên tiếp tục lãng phí vào một việc không thể làm được. Nhưng anh đều gạt đi và quyết tâm làm đến cùng: "Một là thắng lợi, hai là bán nhà lên rẫy". Vì sự liều lĩnh này mà khi vợ sinh con trai út, anh liền đặt tên là Đặng Liều!

Thành tích của nhà khoa học nông dân Đặng Tám

- Được tặng 2 bằng khen của Bộ Khoa học - Công Nghệ, hai bằng khen của tỉnh Đăk Lăk, 2 giấy khen của huyện Krông Pắc.

-Được bầu chọn là một trong 9 gương mặt trẻ tiêu biểu đại diện cho nông dân cả nước trong phong trào "quần chúng lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật".

Năm 2004, Sở UBND tỉnh Đăk Lăk thông qua Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh đã cho phép anh triển khai thực hiện đề tài "Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bec tưới phun mưa" với tổng kinh phí 84.207.000đ. Sự quan tâm đầu tư đúng lúc của tỉnh đã giúp anh hoàn thiện hơn nữa sản phẩm bec tưới. Trong năm này, anh đã nghiên cứu, cải tiến một chân nối bec nối thay cho hai bec trước đây. Một chân một bec tăng bec phun, giảm thời gian tưới từ 5 giờ xuống còn 3 - 4 giờ, tiết kiệm được mỗi héc ta cây trồng từ 5-10 lít diesel, giảm chi phí cho người trồng cà phê. Một dàn Xích Ma có công suất 25 mã lực chỉ lắp được 12 bec ngoại nhưng khi sử dụng bec tưới Đặng Tám sản xuất đã chạy được 20 bec. Ưu điểm của bec tưới là nước dù yếu hay mạnh vẫn chạy được và lại có cả bộ phận điều chỉnh độ mịn của hạt nước. Không dừng lại ở đó, anh Tám còn tự nghiên cứu cải tiến từ bec nhôm giá thành từ 230 ngàn đồng/cái sang làm bec bằng nguyên liệu nhựa PVC, giá thành chỉ còn 130 ngàn đồng/chiếc đối với bec đơn và 180 ngàn đồng/béc đôi. Người nông dân rất ưa chuộng cải tiến mới này của anh bởi nó gọn, nhẹ, dễ vận chuyển.

Nguồn: KH&ĐS, số 54, 3/5/2008, tr 4

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.