Tư duy mới về chiến lược khoa học kỹ thuật tiên tiến của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào
Sau hơn 20 năm thực hiện cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thu được thành quả rất lớn về phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơ chế kinh tế kế hoạch trong suốt một thời gian rất dài, mặc dù cũng đã có sự thay đổi về quan niệm, nhưng trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của Trung Quốc hiện nay vẫn còn tương đối thấp, cơ sở phát triển thiếu đồng bộ. Bài với tiêu đề: "Tư duy mới về chiến lược khoa học kỹ thuật của Hồ Cẩm Đào" của chuyên gia bình luận Trung Quốc Nhiệm Huệ Văn, đăng trên tờ "Tín báo" ngày 15/7/2005 đã đề cập về vấn đề này như sau:
Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 27/6/2005, do Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào chủ trì, đã tập trung thảo luận vấn đề kế hoạch phát triển khoa học kỹ thuật trung và dài hạn của Trung Quốc. Hội nghị nhấn mạnh trong vòng 15 năm tới, công tác khoa học kỹ thuật của Trung Quốc phải kiên trì phương châm chỉ đạo tự chủ sáng tạo, trọng điểm vượt trội, nỗ lực phát triển, hướng tới tương lai; kiên trì đặt nâng cao năng lực tự chủ sáng tạo vào vị trí trung tâm của tổng thể công tác khoa học kỹ thuật; nỗ lực nắm chắc một số kỹ thuật trọng điểm; có nhiều quyền sở hữu trí tuệ tự chủ; tạo ra nhiều xí nghiệp và thương hiệu sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế; đưa ra sự trợ giúp về khoa học kỹ thuật ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế xã hội và xây dựng hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc.
Khi chủ trì hội nghị học tập tập thể lần thứ 18 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2004, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào chỉ ra rằng khoa học kỹ thuật là lực lượng sản xuất số 1, là sự thể hiện tập trung và tiêu chí chủ yếu của lực lượng sản xuất tiên tiến. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới hiện nay phát triển như vũ bão; sự chuyển hóa từ thành quả khoa học kỹ thuật mới và tiên tiến sang lực lượng sản xuất thực tế diễn ra ngày càng nhanh chóng, đặc biệt là một số kỹ thuật mới, tiên tiến và mang tầm chiến lược đang nhanh chóng trở thành lực lượng mang tính quyết định tới sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Cần có nhận thức rõ ràng đối với tình hình thực tế, trên cơ sở đó đưa ra dự báo tình hình một cách chính xác và khách quan, để phấn đấu tiến lên. Hồ Cẩm Đào đặc biệt nhấn mạnh: "Đảng ủy và chính quyền các cấp đều phải triệt để đưa công tác khoa học kỹ thuật vào các nghị trình quan trọng, từng bước và vững chắc thực hiện cho được mục tiêu thực tế của chiến lược chấn hưng khoa học kỹ thuật quốc gia".
Dự báo tình hình có bối cảnh rất sâu sắc
Hàm ý và nội dung "dự báo tình hình" mà Hồ Cẩm Đào đưa ra là vấn đề có bối cảnh rất sâu sắc. Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc đang phải đối mặt trước thời cơ phát triển và thách thức nghiêm trọng. Thời cơ và thách thức này không chỉ biểu hiện trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, mà còn biểu hiện rất rõ trong cả lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới hiện nay đang phát triển như vũ bão, thành tựu liên tục được đổi mới. Khoa học kỹ thuật của thế giới cũng đang nuôi dưỡng sự đột phá mới, một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới và cuộc cách mạng về ngành nghề cũng đang trong quá trình thai nghén. Các chuyên gia dự báo trong vòng 30-50 năm tới, khoa học kỹ thuật thế giới sẽ tiếp tục xuất hiện sự đổi mới rất lớn, rất có khả năng sẽ hình thành "tiền duyên" khoa học mới trên các lĩnh vực đan xen nhau như khoa học thông tin, khoa học vật chất, khoa học điện tử và nhận thức, khoa học trái đất và môi trường, khoa học số học và hệ thống và khoa học tự nhiên với khoa học xã hội; có khả năng xuất hiện sự tăng tốc về khoa học kỹ thuật mới, mở ra viễn cảnh mới rộng lớn đối với sự phát triển của xã hội nhân loại. Thành tựu đổi mới quan trọng của khoa học kỹ thuật trong tương lai có thể sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất và phương thức sống của nhân loại trên phạm vi thế giới từng bước phát sinh sự thay đổi sâu sắc, đồng thời cũng có thể sẽ từng bước gây ra sự thay đổi sâu sắc và sự điều chỉnh quan trọng về kết cấu lợi ích trong kết cấu kinh tế toàn cầu.
"Dự báo tình hình" không chỉ phải suy nghĩ tới tình hình thế giới, mà còn phải suy nghĩ tới tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nước. Hiện nay, tình hình phát triển của Trung Quốc là rất tốt, tuy nhiên, cũng tồn tại không ít vấn đề khó khăn quan trọng liên quan tới phát triển khoa học kỹ thuật cần giải quyết. Ví dụ, trình độ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn còn tương đối thấp, nâng cao năng lực sản xuất tổng hợp của nông nghiệp vẫn còn thiếu sự trợ giúp có hiệu lực của kỹ thuật; tỷ trọng ngành nghề khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến trong sự tăng tưởng tổng thể của nền kinh tế vẫn chưa cao, nhiệm vụ nâng cấp, ưu việt hóa ngành nghề truyền thống vẫn còn rất nặng nề; một số lĩnh vực then chốt của các ngành nghề kỹ thuật vẫn tồn tại sự phụ thuộc quá lớn về kỹ thuật đối với bên ngoài, không ít sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao và giá trị gia công cao chủ yếu lại dựa vào nhập khẩu; áp lực về dân số, tài nguyên, môi trường đối với phát triển kinh tế ngày càng lớn, đặc biệt là sự chế ngự của nhân tố tài nguyên ngày càng trở nên rõ rệt.
Cải cách khoa học kỹ thuật trong vòng 20 năm qua có thành quả
Giới nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở Bắc Kinh cho rằng năng lực sáng tạo khoa học kỹ thuật là nhân tố mang tính quyết định đối với phát triển sự nghiệp khoa học kỹ thuật của một quốc gia, là hạt nhân của năng lực cạnh tranh quốc gia, là cơ sở quan trọng của dân giàu, nước mạnh và là sự bảo đảm quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Vấn đề tồn tại trong đời sống kinh tế của Trung Quốc hiện nay, về căn bản vẫn là vấn đề thể chế. Muốn giải quyết một số vấn đề này, cần phải đẩy nhanh xây dựng thể chế đổi mới khoa học kỹ thuật.
Thể chế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc hình thành dưới thể chế nền kinh tế kế hoạch trong suốt một thời gian dài, đang tồn tại không ít vấn đề nghiêm trọng. Tình hình này không chỉ cản trở đối với quá trình triển khai chiến lược hướng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, bất lợi đối với việc chuyển hóa tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật thành lực lượng sản xuất, còn ràng buộc phát huy trí tuệ của đội ngũ khoa học kỹ thuật và phát triển nhân tài. Cải cách mở cửa của Trung Quốc từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20 đến nay, đặc biệt là cải cách thể chế khoa học kỹ thuật được thực hiện vào năm 1985, đã tháo gỡ được rất lớn một số cản trở này.
Cải cách khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thông qua cải cách thể chế trong suốt hơn 20 năm qua, về cơ bản cũng đã hình thành được môi trường chính sách cổ vũ đổi mới khoa học kỹ thuật và phát triển nhân tài. Hàng loạt biện pháp chiến lược được ra đời như "Kế hoạch Tinh Hỏa", "Kế hoạch Bó Đuốc", "Kế hoạch 379", "Kế hoạch 386", Kế hoạch chấn hưng khoa học giáo dục đã làm cho nhân tố tài năng của đội ngũ khoa học kỹ thuật có được không gian phát triển rất lớn, làm cho nhiều thành quả nghiên cứu khoa học được chuyển hóa thành lực lượng sản xuất, tác dụng ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật liên tục xuất hiện. Đặc biệt là sự thay đổi của các ngành nghề thuộc các lĩnh vực có hàm lượng khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến đã có bước phát triển nhanh chóng so với 20 năm trước.
Giới khoa học kỹ thuật ở Bắc Kinh cho rằng từ hàng loạt thay đổi trên đây, có thể thấy rằng cải cách thể chế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc trong vòng 20 năm qua, thực tế đã phát huy tác dụng rất rõ rệt, trong đó thành tựu lớn nhất cần phải nói tới là sự thay đổi về quan niệm.
Mục tiêu cải cách khoa học kỹ thuật và xây dựng thể chế mới