Tư cách một người cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (được xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc), Hồ Chí Minh đã đưa ra luận giải nhiều vấn đề hết sức có ý nghĩa, nhằm giác ngộ ý thức cách mạng cho quần chúng nhân dân, như: Cách mạng là gì? Có mấy loại cách mạng? Vì sao phải làm cách mạng? cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường nào là đúng?... Đặc biệt Người đã đề cập đến một vấn đề quan trọng mà quần chúng đang rất quan tâm, đó là: Muốn làm cách mạng “Trước hết cần phải có cái gì? - Lý giải vấn đề này, Người khẳng định: Làm cách mạng “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi” (1). - Đây được coi là luận điểm cách mạng có ý nghĩa chiến lược trong tác phẩm của Người. Tuy nhiên, trước khi đưa ra luận điểm quan trọng này, Hồ Chí Minh, với mục đề “Tư cách của một người cách mệnh”, in ở những trang đầu tiên (Chính xác là in sau trang bìa) của tác phẩm, đã gián tiếp đưa ra một luận điểm khác quan trọng không kém, rằng: Muốn làm cách mạng và để làm cách mạng thành công, điều tiên quyết là phải xây dựng cho được những con người có tư cách cách mạng thực sự. Đây là tư tưởng nhất quán, được Người nhấn mạnh và nhiều lần nhắc nhở chiến sĩ, đồng bào cả nước trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nói chuyện tại lớp Chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an; tại nông trường Quân đội An Khánh, năm 1959; tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội (6 - 1960) cũng với ý nghĩa này, Người luôn khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa” (2).
Đưa ra vấn đề “Tư cách một người cách mệnh”, đặt lên trang nhất trong tác phẩm, được coi là Tác phẩm khởi đầu, vạch đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam là dụng ý sâu sa, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh.
Làm cách mạng “Trước hết phải có Đảng cách mệnh” lãnh đạo - Đó là một luận điểm đúng. Luận điểm này được Hồ Chí Minh kế thừa từ chính lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng muốn làm cách mạng thực sự triệt để, theo Người, phải có những con người cách mạng thực sự - Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận Mác xít chính là ở những điểm như vậy.
Đặt trong bối cảnh lịch sử, cách mạng, xã hội và con người Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX: Việt Nam là một nước thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ, yếu kém; con người Việt Nam, sau hơn nửa thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ với chính sách ngu dân, đang sống lay lắt với tất cả những gì hủ lậu, tăm tối nhất; ánh sáng tư tưởng cách mạng thời đại mới bước đầu soi dọi, xâm nhập vào quần chúng ở Việt Nam; mâu thuẫn xã hội hết sức căng thẳng. Tất cả những điều đó cho thấy, để tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vấn đề cấp thiết là phải thông qua một Đảng cách mạng, tổ chức, tập hợp quần chúng cách mạng, nhưng đồng thời và cần kíp hơn cả là phải nhanh chóng xây dựng cho được những con người thực sự cách mạng, có năng lực và mang tinh thần đạo đức cách mạng mới - Đạo đức cách mạng cộng sản chủ nghĩa.
Để trở thành một người cách mạng thực sự, theo quan điểm của Hồ Chí Minh viết trong “Tư cách một người cách mệnh”, cần phải đạt những tiêu chuẩn sau:
“Tự mình phải: cần kiệm; hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi của mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại (chịu khó); hay nghiên cứu xem xét; vị công vô tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng ham muốn về vật chất; bí mật.
Đối với người phải: với từng người phải khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người; trực mà không táo bạo; hay xem xét người.
Làm việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán; dũng cảm; phục tùng đoàn thể” (3).
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Hồ Chí Minh đưa ra những tiêu chí cụ thể, mang tính chất “chuẩn mực” (theo quan niệm của mình) để đánh giá phẩm chất của một người cách mạng. Thực chất, đó cũng chính là chuẩn mực về năng lực và đạo đức cách mạng mà một người cách mạng cần phải có, phải giữ gìn, rèn rũa, phấn đấu, noi theo. Trong quan niệm Hồ Chí Minh, tư cách - phẩm chất của một người cách mạng phải bao hàm đầu đủ hai yếu tố: năng lực cách mạng (tài năng) và đạo đức cách mạng. Hai yếu tố này luôn song hành, có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ với nhau. Trong đó, đạo đức cách mạng là cái căn cốt, cái gốc của người cách mạng. Người từng chỉ rõ: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu sa thì còn làm nổi việc gì” (4) hay: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh, mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” (5). Hồ Chí Minh luôn căn dặn và nhất quán khẳng định, một người cách mạng phải vừa hồng (đạo đức cách mạng luôn trong sáng), vừa chuyên (công tác chuyên môn giỏi); có tài mà không có đức là hỏng, nhưng có đức mà không có tài thì khó mà làm được việc lớn. Tìm hiểu “tiêu chí” đánh giá “Tư cách một người cách mệnh” trong tác phẩm của Hồ Chí Minh, nếu có thể làm một phép phân chia rạch ròi, thuần túy theo kiểu số học, chúng ta thấy, trong tổng số 23 tiêu chí mà Người đưa ra: có 12 tiêu chí thuộc về chuẩn đạo đức (cần kiệm; hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi của mình; vị công vô tư; không hiếu danh; không kiêu ngạo; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng ham muốn vật chất; với từng người thì khoan thư; với đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người khác; phục tùng đoàn thể) và 11 tiêu chí thuộc về chuẩn năng lực (cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn lại - chịu khó; hay nghiên cứu xem xét; nói thì phải làm; bí mật; trực mà không táo bạo; hay xem xét người; xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán; dũng cảm) - Đó hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Lẽ dĩ nhiên cũng phải thấy rằng, phép nhân chia chỉ là tương đối, vì về bản chất, trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Đạo đức cách mạng là đạo đức mới - Đạo đức Cộng sản chủ nghĩa, có sự thống nhất giữa năng lực và đạo đức trong phẩm chất của một người cách mạng.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn trăn trở, chăm lo đến việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân theo đúng tinh thần mà Người đã nêu ra trong “Tư cách một người cách mệnh”. Tùy vào từng đối tượng, từng tầng lớp, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của họ trong xã hội mà Hồ Chí Minh đề ra những chuẩn mực phù hợp, để họ cùng phấn đấu, noi theo.
Đối với đảng viên, Người dạy: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác” (6).
Đối với lực lượng vũ trang, Người dạy: Phải: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (7).
Đối với thanh niên, Người căn dặn: “Than niên là người chủ tương lai của đất nước… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Vì thế mỗi thanh niên cần phải đi đầu, đi trước với tinh thần “Ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên”, làm những việc ích nước, lợi dân, không ham công danh địa vị.
Đối với các cháu thiếu nhi, Người khuyên bảo. Các cháu phải “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào - Học tập tốt, lao động tốt - Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt - Giữ gìn vệ sinh - Thật thà, dũng cảm” (Thư gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong).
Với phụ nữ, Người luôn dành cho chị em phụ nữ sự nhân ái và lòng trân trọng đặc biệt. Bởi Người biết, sô với nam giới, phụ nữ ở đâu cũng chịu phần thiệt thòi, nhất là phụ nữ ở một nước nghèo, lạc hậu, còn nhiều hủ tục, trói buộc phụ nữ, như ở Việt Nam ta. Đặt chị em phụ nữ vào vị trí xứng đáng của cuộc cách mạng dân tộc, nêu cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội, Hồ Chí Minh đồng thời cũng luôn nhắc nhở mọi tầng lớp phụ nữ, từ công nhân, nông dân, người làm nghề buôn bán, dù ở nông thôn hay thành thị đều phải nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt vai trò, chức trách mà gia đình, xã hội giao phó.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và vấn đề rộng lớn. Tuy nhiên, những gì mà Hồ Chí Minh đã đề cập đến trong “Tư cách của một người cách mệnh” với các “tiêu chí” cụ thể được đặt ra, buộc mỗi người chúng ta, nhất là đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần phải trăn trở. Tư cách của một người cách mạng, hiểu và xét đúng bản chất vấn đề, là yếu tố cần và đủ - cái vốn không thể thiếu - của một người cách mạng. Để làm cách mạng và muốn trở thành người cách mạng phải rèn luyện phấn đấu, giữ gìn tư cách cách mạng của mình, đó là điều căn cốt, tất yếu khách quan. Ngẫm ra, trong giai đoạn hiện nay, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, bệnh làm ít, nói nhiều, lời nói không đi đôi với việc làm, tham quyền, cố vị, công tư bất minh… của một số cán bộ, đảng viên, xét đến cùng đều khởi nguồn từ căn nguyên thiếu ý thức trân trọng và giữ gìn tư cách của một người cách mạng. Tự soi mình, xét người - đó là phép biện chứng của công tác phê và tự phê mà Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, soi mình phải được đặt lên hàng đầu, trước khi xét người; tự mình phải rèn dũa để trở thành tấm gương cho người khác noi theo - đấy là nguyên tắc, nguyên tắc trong công tác phê và tự phê của người cán bộ, đảng viên cộng sản.
Chú thích:
1/ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 2000, tr 367 - 268.
2/ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H. 2000, tr 159.
3/ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 2000, tr 260.
4/ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr 252 - 253.
5/ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 2000, tr 283.
6/ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 2000, tr 285.
7/ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2000, tr 350.