TS Phạm Văn Tân: Rất cần cơ chế, chính sách đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ
Trong văn kiện trìnhĐại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam(LHHVN) lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) được Đại hội thông qua đã chỉ rõ những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua, những khó khăn, thách thức và phương hướng hoạt động của LHHVN trong nhiệm kỳ tới. Phóng viên vusta.vn đã có cuộc trao đổi với Ts. Phạm Văn Tân - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHHVN khóa VII về một số nội dung quan trọng trong văn kiện, vusta.vn xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này.
TS Phạm Văn Tân – Nguyên PCT kiêm TTK LHHVN khóa VII
Xin Ông cho biết một số kết quả cơ bản của LHHVN trong nhiệm kỳ VII vừa qua trong vai trò tập hợp đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước?
Ts. Phạm Văn Tân: Trong nhiệm kỳ qua, với không ít những khó khăn khách quan, chủ quan trước tình hình kinh tế xã hội, thiên tai, dịch bệnh trong và ngoài nước lên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động khoa học công nghệ nước ta nói chung và LHHVN nói riêng. Nhưng LHHVN luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức KH&CN thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thực hiện các nhiệm vụ về chuyên môn, nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Đến nay LHHVN đã thành lập xong 63 Liên hiệp Hội của các tỉnh thành trong cả nước. Tính đến nay, LHHVN đã có 89 Hội ngành toàn quốc, gần 500 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc nâng tổng số trí thức, hội viên toàn hệ thống lên trên 3,7 triệu người…
Công tác Tư vấn phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) là một nhiệm vụ trọng tâm của LHHVN, nhưng trong nhiệm kỳ qua LHHVN chưa để lại dấu ấn mạnh như các nhiệm kỳ trước, quan điểm của ông về vấn đề này?
Ts. Phạm Văn Tân: Theo tôi, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Bởi vì, TVPB&GĐXH là việc nêu ý kiến chưa đồng tình của nhân dân đối với những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách, quyết định, dự án,… của Nhà nước, các tổ chức, liên quan đến quyền lợi và đời sống của mọi thành viên trong xã hội. Mục đích của TVPB&GĐXH là làm sáng tỏ bản chất của vấn đề, những ưu điểm, hạn chế, những vấn đề chưa hợp lý, bất cập của những chủ trương, chính sách, quyết định đó. Như vậy, bản chất của TVPB&GĐXH là thực hành dân chủ, góp phần bổ sung, sửa chữa những khiếm khuyết, sai lầm, đem lại những lợi ích chính đáng, hợp pháp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. TVPB&GĐXH có ý nghĩa chính trị sâu sắc, phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân và hơn thế, nó thể hiện sâu sắc dân chủ XHCN, bản chất nhà nước pháp quyền XHCN – quyền lực thuộc về nhân dân.
Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò TVPB&GĐXH là một nhiệm vụ quan trọng, là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức hoạt động trong hệ thống LHHVN. Trong nhiệm kỳ qua, LHHVN đã tích cực vận động chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về “hoạt động tư vấn,phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam”. Trên cơ sở đó, LHHVN đã ban hành Hướng dẫn các hội thành viên thực hiện nhiệm vụ TVPB&GĐXH, ngoài ra Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHHVN. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để LHHVN và các hội thành viên thực hiện nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Trong nhiệm kỳ qua, LHHVN đã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng của Đảng và Nhà nước, các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội.Bên cạnh đó, LHHVN còn tham gia góp ý cho rất nhiều dự thảo văn bản quan trọng khác.
Đối với các Hội ngành toàn quốc đã thực hiện nhiều hoạt động TVPB&GĐXH, có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án kinh tế - xã hội quan trọng của ngành cũng như của đất nước. Hoạt động TVPB&GĐXH của các Hội ngành toàn cùng với hoạt động chung của hệ thống LHHVN đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến KH&CN. Đến nay, đã có rất nhiều Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố tham gia thực hiện TVPB&GĐXH với hàng trăm dự án của địa phương và đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tham mưu, tư vấn, phản biện với tỉnh ủy, ủy ban nhân dân về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển tổng thể về kinh tế- xã hội, bảo vệ an ninh và triển khai những dự án lớn của địa phương, đóng góp nhiều ý kiến giúp cho các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời triển khai cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Cũng trong nhiệm kỳ qua , LHHVN đã cử nhiều chuyên gia tham dự các đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về một số đề án, dự án quan trọng thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội VII LHHVN tháng 12/2020
Là một tổ chức Chính trị Xã hội, tập hợp giới trí thức về khoa học công nghệ của đất nước, theo ông hiện nay còn những bất cập gì về cơ chế chính sách đối với những người làm khoa học nói chung và những người làm khoa học công nghệ thuộc hệ thống LHHVN nói riêng?
Ts. Phạm Văn Tân: Phải thành thật là Việt Nam vẫn chưa tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm khoa học, đặc biệt là về tài chính. Tôi lấy ví dụ, như ở một nước láng giềng Campuchia với cơ chế tài chính thông thoáng, có thể lấy ngân sách nhà nước hàng triệu đô la mà không cần thuyết minh, dự toán, hóa đơn chứng từ, đấu thầu tuyển chọn thì cũng là điều mà Việt Nam cần nghiên cứu. câu chuyện về hai cha con người nông dân Trần Quốc Hải sửa chữa và đóng thành công 12 xe bọc thép cho quân đội Campuchia và được nước này trao tặng huân chương "Đại tướng quân" được dư luận chú ý là một minh chứng về sự quan tâm đối với những người làm khoa học vẫn còn nguyên giá trị.
Ở Việt Nam, mặc dù Luật KHCN năm 2013 đã có cơ chế khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, tạo điều kiện để người làm khoa học không bị lệ thuộc vào hóa đơn, chứng từ hay tình trạng quá nhiều cấp phê duyệt, đá qua đá lại. Tuy nhiên, khi đưa cơ chế khoán vào thực tế thì nó vẫn vấp phải những rào cản của cơ chế và tư duy cũ. Một khi đã khoán sản phẩm cuối cùng thì “đầu vào” đã được kiểm soát chặt chẽ và quan trọng là chúng ta phải tin tưởng nhà khoa học. Còn trong quá trình làm, họ có thể tiết kiệm khoản này để chi cho khoản kia, miễn là không làm phát sinh thêm tiền của Nhà nước. Tôi và các nhà quản lý đều biết những cái lợi của cơ chế khoán chi, song không thể vượt qua được rào cản về tâm lý cũng như cơ chế chính sách.
Hay như hiện nay, đã có rất nhiều Quyết định, Chỉ thị, Thông tư …cho hoạt động khoa học của LHHVN, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện thì gặp không ít những thủ tục pháp lý chồng chéo trong quản lý Nhà nước nên LHHVN gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Mặc dù với cơ chế đặc thù như vậy, nhưng ở LHHVN hàng năm vẫn kiên trì thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của mình, tôn vinh rất nhiều sản phẩm được ứng dụng thành công. Các nhà khoa học của LHHVN đã làm được rất nhiều sản phẩm có giá trị cho đất nước. Ngoài ra, những thành công của người dân không bằng cấp nhưng thực sự họ là những “nhà khoa học” cũng được LHHVN quan tâm nhiều hơn, chúng tôi coi đây là điều đương nhiên phải khuyến khích. Không phải Chính phủ hay các Bộ không quan tâm, mà cơ chế chưa phù hợp để hỗ trợ họ một cách tối đa. Do vậy, theo tôi cần phải có một cơ chế mang tính đột phá cho hoạt động khoa học công nghệ nước nhà…
Trước những cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ như trên, LHHVN đã đề ra những giải pháp, mục tiêu của mình như thế nào trong văn kiện đại hôi VIII?
Ts. Phạm Văn Tân: Với tinh thần “ Đoàn Kết – Sáng tạo - Đổi mới -Phát triển ”. Trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp Hội Việt Nam quyết tâm tiếp tục phát huy vai trò, vị trí là tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức Hội. Nâng cao năng lực và đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp của các hội thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc triển khai các hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các điển hình, mô hình tốt. Đẩy mạnh hoạt động TVPB&GĐXH. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển mạnh công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.
Tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ kịp thời có những quyết sách về phát triển khoa học công nghệ nói chung và LHHVN nói riêng. Thúc đẩy phát triển các hoạt động tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo KH&CN Việt Nam. Ngoài ra LHHVN sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế…phấn đấu đạt được mục tiêu Chiến lược: LHHVN trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh từ Trung ương đến địa phương. Giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa KH&CN trở thành động lực phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng Xã hội Chủ nghĩa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
L. H(thực hiện)