Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 12/10/2005 14:19 (GMT+7)

Trồng đậu tương trên đất ướt hai vụ lúa

Chuẩn bị giống


Giống trung ngày gieo (trước ngày 30-9), có thời gian sinh trưởng 80-90 ngày: DT 96, DT 84, DT 90, DT 2001, DT 55 (AK06). Các giống chuyển từ vụ xuân: AK 05, VX 92, VX 93, Đ 9804. ĐT 2000, DN 42, AK03... riêng giống ĐT 2000 gieo trước ngày 20-9.

Giống ngắn ngày (gieo trước 10-10) dùng các giống như DT 99. DT 12 có thời gian sinh trưởng 70-75 ngày.

Lượng giống gieo: 2,5 - 3kg/sào (65-70kg/ha), nếu gieo vãi cần 3-4kg/sào (90kg/ha), trước khi gieo nên phơi 2-3 giờ ngoài nắng nhẹ để kích thích hạt nảy mầm. Mật độ gieo 45 - 55 cây/m 2. (30cm x 12cm/hốc gieo 2-3 hạt).

Làm đất, gieo hạt

Chọn đất chủ động tưới tiêu, đất thịt nhẹ, ít chua. Nếu đất khô cần làm đất nhỏ, lên luống, gieo theo rạch, để đậu tương đông đạt năng suất cao, nên gieo càng sớm càng tốt. Đất lúa mùa giải phóng trước 30-9, muộn nhất đến 10-10 dương lịch.

Trồng trên đất ướt, có 4 phương pháp gieo hạt:

Phương pháp 1:Gieo hạt trên đất cày bừa tối thiểu đối với đất ướt.

Làm đất lên luống: Nên để ruộng còn nước 5cm. Cày và lên đất thành luống, san phẳng mặt luống để bảo đảm thoát nước tốt, mặt luống rộng 1,2m, rãnh rộng 30-40cm, sâu 20 - 25cm.

Tạo rãnh trên mặt luống để tra hạt: Trên mỗi luống dùng đòn gánh hoặc thanh gỗ nặng hình tam giác chém ngang luống hoặc dùng cuốc tạo thành rạch ngang sâu 2 - 3cm, rạch cách nhau 30 - 35cm.

Tra mỗi hốc 2-3 hạt, hốc cách hốc 7 - 12cm. Dùng số hạt thừa (khoảng 0,1 - 0,2kg) gieo thêm 1m 2mạ ở đầu bờ để dặm sau 5-7 ngày (khi cây con chưa có lá nhặm).

Dùng hỗn hợp gồm 200kg phân chuồng ủ hoai mục, trộn thêm 5kg lân/sào, trấu và đất màu khô theo tỷ lệ: 3 đất + 2 phân + trấu lấp hạt sâu l-2cm.

Phương pháp 2:Gieo hạt vào gốc rạ.

Cắt rạ để lại gốc càng cao càng tốt. Tạo rãnh thoát nước xung quanh ruộng và tạo luống, dùng cày hoặc cuốc vét xung quanh ruộng, cày rạch luống thoát nước, cứ 2m/luống

Tra xen kẽ 2 hạt vào một gốc rạ, dùng tay gạt nghiêng gốc rạ, tra hạt vào kẽ tiếp xúc giữa đất và gốc rạ (không được tra hạt vào giữa gốc rạ hạt đậu khó nảy mầm), sau 3-4 ngày hạt sẽ mọc. Dùng cây gỗ tròn lăn đè rạp phủ rạ lên mặt đất giữ ẩm.

Phương pháp 3:Gieo hạt trực tiếp lên mặt đất ướt.

Chuẩn bị ruộng như phương pháp 2, sau đó dùng que gỗ hoặc tre tạo rạch hoặc chọc lỗ trên đất ẩm và gieo hạt như phương pháp 1.

Phương pháp 4:Gieo vãi kết hợp cơ giới hóa.

Lượng hạt giống: 90kg/ha (3-4kg/sào Bắc Bộ). Phân bón: lân Lâm Thao 150-280g/ha (5 - 10kg/sào), đạm urê 84 - 112kg/ha (3- 4kg/sào), ka li 56- 84kg/ha (2-3kg/sào) và các loại thuốc sâu.

Thiết bị: gồm máy kéo Bông Sen lắp bánh lồng rộng và bàn trượt chống lún, dùng máy tuốt lúa để ra hạt sau thu hoạch.

Chuẩn bị đất: rút toàn bộ nước trong ruộng lúa mùa trước khi thu hoạch 7-10 ngày nếu ruộng có nước. Nếu đất khô hạn thì bơm tưới tráng qua một lượt.

Gieo hạt: đảm bảo mật độ trung bình 45 - 55 cây/m 2. Nên chia lượng hạt giống theo luống và gieo làm 2 lần, gieo vãi đều trên bề mặt ruộng. Đối với ruộng khô, trước khi gieo phải tưới nước lắng qua mặt ruộng rồi rút kiệt nước ngay, gieo hạt và dập rạ. Với ruộng còn bùn lầy thụt nối thêm 2 bánh hai bên và bàn trượt chống lún vào máy (bàn trượt rộng 45cm, dài 70cm, mũi trước làm cong) chạy một lượt để đè rạ, sau đó gieo đậu. Lưu ý: Chạy máy lồng dập trước rồi gieo hạt sau (tránh để hạt đậu chìm ngập sâu dưới bùn). Gieo xong làm rãnh thoát nước phòng khi mưa úng bằng cách dùng trâu cày rạch hoặc cuốc.

Chăm sóc

Dặm tỉa, dập hoặc cắt gốc rạ phủ hạt ngay sau khi gieo, kiểm tra ruộng, nếu hạt giống còn nằm trên mặt đất thì cắt rạ phủ hạt. Sau gieo 8-10 ngày, tiến hành tỉa dặm định cây, cắt bỏ nhánh lúa tái sinh. Nếu gieo xong 2-3 ngày hạt không nứt nanh hoặc khi đậu ra quả non mà trời hanh khô; kiểm tra thấy đất nứt chân chim không đủ ẩm phải bơm nước bổ sung theo cách tưới tràn trên ruộng rồi tháo cạn ngay, tuyệt đối không để đậu bị úng nước.

Bón phân

Bón tập trung và kết thúc bón trước khi cây đậu ra hoa: Bón lần 1 khi đậu có 1 lá thật (lá nhặm 3 thùy): trộn đều (1-2 kg) urê + 1kg kali + (5-10kg) lân supe cho 1 sào, rắc đều trên mặt ruộng vào chiều mát lúc lá đậu khô, tránh bón phân vào buổi sáng khi lá còn ướt sương hoặc sau mưa gây cháy lá.

Bón lần 2 khi đậu có 5-6 lá thật, chuẩn bị ra hòa trộn đều lượng phân còn lại rải đều trên mặt ruộng. Nếu có điều kiện dùng nước phân chuồng hòa loãng với đạm và kali để tưới. Phun bổ sung phân bón lá MultiK, Komix, diệp lục tố... kích thích cho đậu phát triển nhanh.


Nguồn: khktnn.knowledgevietnam.net   26/4/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.