Trao đổi về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền
Về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền
Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” lần đầu tiên được ghi nhận trong văn kiện của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Nguyên tắc xuất phát từ quan điểm cho rằng môi trường là một loại hàng hóa đặc biệt (vì nó mang tính cộng đồng, ai cũng đều sử dụng). Khi khai thác, sử dụng môi trường thì phải trả tiền (tiền bỏ ra để mua quyền khai thác, sử dụng, quyền tác động đến môi trường). Nhà nước đứng ra để bán quyền tác động đó. Người được hưởng lợi từ việc trả giá này là toàn thể cộng đồng và nhà nước là người đại diện đứng ra thu tiền và sử dụng tiền để tiếp tục đảm bảo việc bảo vệ môi trường.
![]() |
![]() |
Để thực hiện nguyên tắc thì phải đảm bảo những yêu cầu: số tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải tương xứng với tính chất và mức độ gây tác động xấu đến môi trường, tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải đủ sức tác động đến lợi ích, đến hành vi của các chủ thể.Tiền ở đây phải mang tính ngang giá, nhưng không phải thu mang tính tượng trưng. Đã từng có một đề án của một địa phương về việc áp dụng thí điểm thu phí bảo vệ môi trường đối với các phương tiện giao thông cơ giới, chủ yếu áp dụng đối với xe gắn máy 300.000đ/xe/năm, và xe hơi 5.000.000đ/xe/năm. Việc thu như thế này là bình quân và không thể làm giảm lượng xe lưu thông vì có xe xử dụng nhiều có xe sử dụng ít, mức độ tác động xấu đến môi trường của từng xe là khác nhau. Nếu thu phí bảo vệ môi trường bằng cách tính vào giá xăng dầu thì sẽ đảm bảo mức độ gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông cơ giới tỉ lệ thuận với tiền chủ xe phải trả. Lúc này vừa góp phần hạn chế lưu thông vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu việc thu phí này quá thấp (100đ/lít xăng chẳng hạn) thì cũng không tác động đáng kể gì và người ta vẫn chấp nhận bỏ tiền ra để nộp vì thu như thế cũng là thu tượng trưng.
![]() |
Hay như tiền ký quỹ môi trường là công cụ kinh tế áp dụng cho các ngành kinh tế đã gây ra ô nhiễm môi trường. Nội dung chính của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc tại ngân hàng một khoản tiền nào đó đủ lớn để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và công tác bảo vệ môi trường. Số tiền ký quỹ phải lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường. Trong quá trình đầu tư và sản xuất, nếu cơ sở có các biện pháp chủ động khắc phục, không để gây ra ô nhiễm môi trường hoặc suy thoái môi trường đúng như cam kết, thì số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết hoặc phá sản, số tiền trên được rút ra từ tài khoản ngân hàng chi cho công tác khắc phục sự cố ô nhiễm đồng thời với việc đóng cửa doanh nghiệp. Ký quỹ môi trường tạo ra lợi ích, đối với nhà nước không phải đầu tư kinh phí khắc phục môi trường từ ngân sách, khuyến khích các chủ thể hoạt động bảo vệ môi trường.
Các vấn đề cần đặt ra khi xây dựng Luật Thuế môi trường
Thứ nhất,về đối tượng chịu thuế: Dự thảo xây dựng còn mang tính chung chung, chưa bao quát hết. Bản thân các chất (sản phẩm) gây ra ô nhiễm môi trường không đơn thuần là 5 nhóm được liệt kê trong Dự thảo Luật.
Thứ hai,đối tượng không chịu thuế chưa gắn liền với cách hiểu người gây ô nhiễm được miễn trừ nghĩa vụ phải trả tiền, là những chủ thể gây tác động xấu hoặc khai thác, sử dụng tài nguyên với quy mô nhỏ, nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của bản thân.
Thứ ba, căn cứ tính thuế và biểu khung thuế môi trường còn chưa tương ứng với yêu cầu của nguyên tắc. Với cách tính của Dự thảo thì việc thu thuế môi trường chưa đảm bảo sự công bằng trong việc khai thác và bảo vệ môi trường.
Thứ tư,về các vấn đề khác: Cần xem xét tên gọi của Luật là “Luật Thuế môi trường” hay “Luật Thuế bảo vệ môi trường”, tính cụ thể của một văn bản luật hay yêu cầu cần thiết phải ban hành một văn bản để đáp ứng nhu cầu xã hội, các quy định mang tính chung chung, thiếu sự cụ thể hóa đến mức cần thiết.