Tổng quan về thành tựu khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới
Khái quát về thành tựu phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới
Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có nền công nghiệp phát triển có tiềm lực khoa học công nghệ, có tài nguyên năng lượng thiên nhiên phong phú, có tầm nhìn chiến lược đã đầu tư khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Các kết quả đạt được cho đến nay trên quy mô toàn cầu là rất khả quan. Các nguồn NLTT đã được sử dụng rất phổ biến và có hiệu quả, không chỉ ở các nước công nghiệp phát triển mà cả ở nhiều nước đang phát triển.
Phạm vi sử dụng NLTT ngày càng rộng, công nghệ ngày càng hoàn thiện, đa dạng, giá cả ngày càng hạ, và do đó, vai trò và tính khả thi của NLTT ngày càng được khẳng định. Ở nhiều nước đã hình thành thị trường cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng ứng dụng một số nguồn NLTT tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các nguồn năng lượng gió và mặt trời.
Có thể nói vai trò NLTT ở quy mô toàn cầu đã được khẳng định là những nguồn năng lượng có khả năng bổ sung, thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt trong một tương lai không xa.
Trong vài năm gần đây, do giá dầu mỏ liên tục có những thay đổi bất thường và sự bất ổn về chính trị của các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới đã gây nên khủng hoảng năng lượng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia, gây mất ổn đinh nền kinh tế thế giới, do đó an ninh năng lượng đã trở thành vấn đề quan trọng bậc nhất, không chỉ đối với từng quốc gia mà cả trên quy mô toàn cầu.
Nhiều hội nghị thượng đỉnh, hội thảo khoa học quốc tế đã diễn ra liên tục trong thời gian qua để bàn về an ninh năng lượng, nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao tính chủ động, độc lập, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài trong cung cấp năng lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống năng lượng nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Một trong những nội dung then chốt được thảo luận trong những hội nghị nói trên đó là việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
Những giải pháp tổng thể có tính chiến lược về đảm bảo an ninh năng lượng đã được sự đồng thuận và thống nhất cao của tất các quốc gia trên toàn thế giới, tron gđó chr yếu tập trung vào các vấn đề sau đây:
- Bảo tồn các nguồn năng lượng truyền thống,
- Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng,
- Phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo.
Các nguồn năng lượng tái tạo được đặc biệt chú trọng là nguồn năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối và năng lượng biển.
Trên cơ sở những giải pháp có tính định hướng chiến lược nêu trên, từng quốc gia, tùy theo điều kiện cụ thể của mình mà xác định các giải pháp và hoạch định chiến lược đảm an ninh năng lượng phù hợp.
Mặc dù năng lượng tái tạo có nhiều ưu việt như sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, có tiềm năng lớn, một số nguồn vô tận, tuy nhiên những nguồn này vẫn có những nhược điểm như nguồn phân tán, không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên… gây khó khăn cho việc khai thác.
![]() |
Đối với các nước nghèo, khó khăn lớn nhất gây cản trở sự phát triển NLTT đó là vấn đề giá cả của các thiết bị công nghệ còn khá cao so với năng lượng truyền thống.
Để có thể phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, mở rộng phạm vi ứng dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng dần tỷ trọng NLTT trong cơ cấu nguồn năng lượng, nhiều quốc gia đã thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả, có tính pháp lý, tạo ra bước đột phá để phát triển NLTT, đó là:
- Xây dựng cơ sở pháp lý về hỗ trợ vốn đầu tư, hỗ trợ giá, cơ chế ưu đãi về thuế,… đặc biệt nhiều nước đã xây dựng được luật về năng lượng tái tạo như các nước thuộc EU, các bang của Mỹ, Canada, Ấn Độ, và gần đây Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo(2006), tạo ra điều kiện thuận lợi phát triển NLTT.
- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn, dài hạn phát triển NLTT với những chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển kinh tế.
- Xác định nghiên cứu triển khai về NLTT là nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên, được đầu tư mạnh mẽ, thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia về phát triển NLTT.
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lưc khoa học công nghệ về NLTT.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong những chương trình hành động chung.
Theo thống kê của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), thì năm 2004, tổng công suất của các nguồn NLTT trên toàn thế giới là 160 GW (không kể thủy điện lớn), chiếm 4% tổng công suất các nhà máy điện trên toàn cầu, tương đương 1/5 tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, trong đó các nước đang phát triển chiếm 44%, tức là 70 GW.
Công nghệ sử dụng NLTT phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay là điện mặt trời đấu nối vào lưới điện quốc gia, có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 60%, bao phủ cho hơn 400 nghìn mái nhà ở Nhật, Đức, Mỹ (2000-2004).
Loại nguồn tăng nhanh thứ hai là điện gió, có tốc độ tăng bình quân hàng năm là 28%. Nước dẫn đầu thế giới là CHLB Đức.
Hiện nay, đã có 45 nước (2004) xác định chỉ tiêu phát triển NLTT trong nhiều năm tới, bao gồm 25 nước thuộc EU, nhiều bang, thành phố của Mỹ, Canada và 10 nước đang phát triển. Đa số chỉ tiêu tăng trưởng là 5-30% đến năm 2010-2020. Riêng EU là 21% vào năm 2010. Trung Quốc đặt mục tiêu là 10% tổng công suất vào năm 2010, tương đương 60GW (hiện nay là 37 GW).
Gần đây, nguồn năng lượng hydrogen, với nhiều ưu việt về tiềm năng vô tận, khả năng tích trữ, vận chuyển, phạm vi sử dụng rộng rãi, đặc biệt cho ngành giao thông và cung cấp điện, đang được thế giới đặc biệt quan tâm nghiên cứu khai thác sử dụng như một nguồn nhiên liệu, năng lượng thay thế tin cậy trong tương lai. Một giải pháp công nghệ mới để cung cấp năng lượng cho quá trình sản xuất hydrogen bằng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, biomass… mở ra một triển vọng lớn cho việc nâng cao hiệu quả và khắc phục tính không ổn định của loại nguồn năng lượng này. Đây là một giải pháp tạo ra một nguồn nhiên liệu, năng lượng sạch ổn định và vô tận từ những nguồn năng lượng sạch khác, khắc phục được tính không ổn định.
Thành tựu khai thác, sử dụng một số nguồn NLTT điển hình trên thế giới
1. Năng lượng mặt trời (NLMT)
Năng lượng mặt trời, với tiềm năng vô tận, tính ổn định cao và khả năng ứng dụng rất thuận lợi trong đời sống, đã được nhiều nước công nghiệp phát triển đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu công nghệ, nhằm khai thác sử dụng nguồn năng lượng quý giá này phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Có thể nói, trong hơn ba thập kỷ qua, khai thác NLMT đã đạt được những thành tựu rất to lớn, NLMT được ứng dụng ngày càng rộng, đặc biệt là cấp điện cho sản xuất và đời sống (điện mặt trời-PMT).
Đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất và ứng dụng các thiết bị sử dụng và ứng dụng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời là các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khối EU, Israel và Trung Quốc.
Tính đến năm 2006, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên thế giới là 8.623 MW, đến năm 2007 là 12.423 MW. Các nước lắp đặt điện mặt trời lớn nhất trong năm 2007 là Đức (1.260 MW), Nhật Bản (402,5MW), Mỹ (259 MW), giá điện mặt trời (cost per watt) mặc dù còn rất cao, nhưng đảm giảm liên tục từ nhiều năm qua, từ 99,61 USD năm 1975, còn 5,33 USD năm 1995 và hiện nay là 3,84 USD/Watt.
![]() |
Trung Quốc đang dần trở thành một cường quốc trong lĩnh vực sử dụng điện mặt trời và đang dẫn đầu thế giới về sử dụng nhiệt mặt trời.
Một số nước dẫn đầu ứng dụng điện mặt trời trên thế giới là: Đức hiện nay là quốc gia dẫn đầu thế giới về điện mặt trời đấu lưới, tổng công suất lắp đặt tính đến năm 2005 là 1.429 MW.
Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và khai thác pin mặt trời (PMT), tổng công suất PMT được lắp đặt đến cuối năm 2005 là 142 MW, mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản tới năm 2010 là đưa công suất PMT được lắp đặt tại Nhật Bản lên tới 4.280 MW. Luật sử dụng NLTT của Nhật Bản cũng đã được ban hành năm 2002.
Mỹ là nước đứng thứ 3 trên thế giới với tổng số PMT được lắp đặt cho đến cuối 2005 là 496 MW, điển hình là Bang California. Tháng 9/2005, Tổng thống Mỹ (G. Bush) và Thượng viện Mỹ đã thông qua chính sách quốc gia được coi là mạnh mẽ nhất trong hai thập kỷ qua, nhằm đưa Mỹ trở thành một trong những quốc gia khai thác NLMT tốt nhất trong các nước công nghiệp. Đầu tư cho các hệ thống NLMT nói chung và PMT nói riêng, nhằm hạ giá thành năng lượng điện mặt trời, qua đó đẩy mạnh tốc độ khai thác NLTT, với mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng 25%/năm, và với tốc độ tăng trưởng này, tới năm 2030, điện mặt trời sẽ đạt mức 10% sản lượng điện.
Các nước khác trong Liên minh Châu Âu (EU) cũng có nhiều chính sách khuyến khích khai thác và sử dụng năng lượng không truyền thống. Đối với các quốc gia không thuộc IEA, công suất PMT đã được lắp đặt còn khá nhỏ bé. Ước tính tổng công suất PMT đã được lắp đặt ở các nước không thuộc IEA tính đến cuối năm 2004 vào khoảng 230 MW.
Tại khu vực Châu Á, việc ứng dụng điện mặt trời nói chung còn hạn chế, tuy nhiên một số nước lớn như Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng điện mặt trời. Đến cuối năm 2005, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Ấn Độ là 85MW, tại Trung Quốc là 70 MW, tại Thái Lan là 23,7 MW.
Nếu việc khai thác ứng dụng PMT vẫn còn bị hạn chế do giá thành PMT còn cao, thì trong lĩnh vực khai thác nhiệt mặt trời tại các nước trên thế giới đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tới cuối năm 2004, diện tích tấm thu nhiệt phẳng và ống chân không trên toàn thế giới là 110 triệu m 2, chủ yếu phục vụ cho việc cung cấp nước nóng và sưởi ấm.
Các quốc gia dẫn đầu thế giới trong ứng dụng PMT như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Trung Quốc cũng là những nước đang đi đầu trong việc khai thác nhiệt mặt trời.
Theo đánh giá của Hội đồng NLTT châu Âu (EREC - European Renewable Energy Council) thì việc khai thác nhiệt mặt trời từ nay đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 16%, từ 2020 đến 2030 sẽ có tốc độ tăng trưởng 14%/năm.
2. Năng lượng gió
Phổ biến và có hiệu quả nhất hiện nay trên thế giới là sử dụng năng lượng gió để phát điện. Theo thống kê, tổng công suất điện gió được lắp đặt trên toàn cầu năm 2007 là 94.100 MW, đến tháng 3/2008 đạt con số kỷ lục là 100.000 MW. Có 13 nước đạt mức trên 1.000MW.
![]() |
Ở châu Âu, tổng công suất điện gió được lắp đặt tính đến năm 2007 là 57.100 MW, chiếm 43% của thế giới; đã lắp mới được 8.600 MW, chiếm 40% tổng công suất lắp mới của thế giới, đây là kỷ lục tăng trưởng lớn nhất của châu Âu, lớn hơn bất kể nguồn năng lượng nào khác.
Đức là quốc gia dẫn đầu về điện gió, tổng công suất lắp đặt đến năm 2007 đạt mức 22.200 MW, hơn 7% điện năng được phát từ nguồn điện gió.
Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về lắp đặt mới điện gió trong năm 2007 với tổng công suất lắp đặt mới là 5.240 MW, chiếm một phần tư tổng công suất lắp mới trên toàn cầu năm 2007. Theo kế hoạch, năm 2009 Mỹ sẽ vượt Đức để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Trung Quốc nổi lên là nước sớm ban hành luật NLTT, tạo ra động lực để phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Tổng công suất điện gió tính đến năm 2007 là 6.050 MW, vượt chỉ tiêu năm 2010 là 5.000 MW. Nhờ luật NLTT có hiệu lực từ tháng 1 năm 2006 mà công suất điện gió lắp mới năm 2007 tăng vọt, đạt mức 3.450 MW, tăng 156% so với năm 2006.
Năng lượng gió đã trở thành một xu hướng đầu tư có tính thương mại ở khoảng 8-10 quốc gia có tiềm năng năng lượng gió lớn và tốc độ phát triển nhanh như Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, Ý, Hà Lan, Tây Ba Nha, Anh, Mỹ và đặc biệt gần đây là Trung Quốc.
Một xu hướng mới đang phát triển hiện nay trên thế giới là xây dựng các nhà máy điện gió trên biển (offshore wind farm). Mặc dù lắp đặt điện gió trên đất liền là chủ yếu, nhưng nhiều nước đã bắt đầu phát triển điện gió trên biển. Công suất một tổ máy điện gió lớn nhất trên biển hiện nay đạt 7,5 MW/tổ máy. Tổng công suất điện gió xa bờ tính đến cuối năm 2007 đạt mức 1.170 MW.
Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, chi phí điện gió trên đất liền đã giảm đi rất đáng kể. Tính từ năm 1980 cho đến nay, chi phí cho điện gió (cost of onshore wind power) giảm khoảng 80%, tại những vị trí thuận lợi, giá điện gió đạt mức 7 cent/kWh.
Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng gió thế giới, thì năng lượng gió sẽ trở thành nguồn năng lượng có thị trường toàn cầu và nhanh chóng trở thành các nguồn năng lượng chính ở nhiều nước trên thế giới.
3. Năng lượng thủy triều
Thủy triều là hiện tượng nước đại dương dâng lên và hạ xuống do lực hấp dẫn giữa mặt trời, mặt trăng và trái đất. Sự chuyển động tương đối của các hành tinh này tạo ra các chu kỳ thủy triều khác nhau (chu kỳ nửa ngày, chu kỳ nửa năm, chu kỳ nước lớn…).
![]() |
Ở một số vùng biển có địa hình đặc biệt như ở các cửa sông hay các vịnh… có biên độ thủy triều lên rất đáng kể. Việc khai thác nguồn năng lượng thủy triều chủ yếu là để phát triển. Nguyên lý của việc khai thác cũng khá giống với việc khai thác thủy điện, khi thủy triều dâng lên, các cửa kênh dẫn đươc mở ra để nước biển chảy vào hồ chứa, sau đó khi thủy triều rút xuống, các cửa kênh được đóng lại để giữ nước và tạo ra một cột nước giữa mặt biển và mặt nước trong hồ.
Năm 1966, tại Pháp đã xây dựng một nhà máy thủy triều đầu tiên trên thế giới có quy mô công nghiệp với công suất 240 MW, sản xuất 640 triệu kWh hàng năm, cung cấp 90% điện cho vùng Brithany của Pháp. Cho đến nay, nhà máy đã vận hành trên 40 năm và là một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất trên thế giới. Tại Canada đã vận hành một nhà máy 20 MW từ năm 1984, sản xuất 30 triệu kW điện hàng năm. Trung Quốc bắt đầu quan tâm sử dụng năng lượng thủy triều từ năm 1958, đã xây dựng 40 trạm thủy triều mini (tổng công suất 12 kW). Từ năm 1980, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng 02 nhà máy có công suất 3,2 MW và 1,3 MW nhưng không thành công. Hiện nay Trung Quốc có 07 nhà máy điện thủy triều đang vận hành với tổng công suất 11 MW.
Anh là một quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi nhất trên thế giới về sử dụng năng lượng thủy triều, một số bờ biển có biên độ thủy triều lớn (5,2 đến 7m) rất thuận lợi trong khai thác nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, do không khả thi về tính kinh tế, nên tại Anh không phát triển công nghệ sử dụng đập, mà theo hướng công nghệ dòng thủy triều (tida stream technology). Năm 2002, các nhà khoa học Anh đã thử nghiệm thành công trạm năng lượng thủy triều có công suất 150 kW. Từ năm 2002, một chương trình R&D của chính phủ được thành lập, bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn một đã xây dựng hoàn thành một trạm năng lượng thủy triều vào năm 2003 và một trạm 1 MW hoàn thành năm 2007. Một kế hoạch xây dựng 10 trang trại năng lượng thủy triều (tida farm) đã được xác lập, với công suất từ 5 đến 10 MW.
Gần đây, Hàn Quốc rất chú trọng khai thác sử dụng năng lượng thủy triều. Một nhà máy điện thủy triều có công suất 254 MW sẽ được hoàn thành trong thời gian tới. Dự kiến điện năng sản xuất hàng năm đạt 550 GWh. Năm 2007, thành phố Incheon tuyên bố sẽ xây dựng tại Ganghwa một nhà máy có công suất 812 MW lớn nhất thế giới, với 32 tổ máy, sẽ đưa vào vận hành năm 2015 (đập nối liền 4 đảo).
4. Năng lượng nhiệt biển
Các đại dương bao phủ hơn 70% diện tích bề mặt trái đất vì vậy chúng tạo ra một khu vực rộng lớn nhất để tiếp nhận nguồn sáng mặt trời. Nguồn nhiệt từ mặt trời sẽ làm cho bề mặt của đại dương nóng hơn khu vực sâu phía dưới biển. Chính sự chênh lệch nhiệt độ này đem lại nguồn năng lượng nhiệt quý giá. Nguồn nước nóng ở bề mặt và nguồn nước lạnh phía dưới có thể được xem như là các nguồn nóng và lạnh trong một máy nhiệt.
![]() |
Tiềm năng năng lượng nhiệt đại dương ước tính vào khoảng 1.012 W (10TW). Các chuyên gia cũng ước tính và đưa ra một con số tiềm năng thực tế vào khoảng 1.011 W.
Điều kiện để khai thác nguồn năng lượng nhiệt biển này để phát điện là độ chênh lệch nhiệt độ giữa lớp nước bề mặt và lớp nước ở dưới độ sâu phải đạt khoảng 20 độ C, điều kiện này chỉ thỏa mãn đối với một số vùng biển nhiệt đới có độ sâu 1000 đến 2000 m. Sự chênh lệch nhiệt độ các vùng trên thế giới thể hiện trong bản đồ 1.
Công nghệ khai thác nguồn năng lượng này để phát điện (OTEC) phổ biến có 3 loại, đó là hệ thống OTEC chu kỳ đóng, chu kỳ mở và chu kỳ hỗn hợp.
Một lợi thế của công nghệ theo chu kỳ mở hoặc hỗn hợp là ngoài điện còn có thể sản xuất nước sạch, làm nguồn điều hòa nhiệt độ, khai thác quặng dưới biển và nhiều lợi thế khác. Theo tính toán lý thuyết thì một nhà máy OTEC có công suất 2 MW có thể sản xuất ra trên 4.000 m 3nước sạch ngày đêm.
Hiện nay trên thế giới chỉ có ba nước là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đầu tư nghiên cứu thử nghiệm trong nhiều năm nay về loại công nghệ này, trong đó dẫn đầu và có những thành công bước đầu rất khích lệ là Nhật Bản và Ấn Độ.
5. Năng lượng sóng biển
Nhiều nước trên thế giới đã đưa vào ứng dụng trong thực tế nhiều trạm phát điện bằng năng lượng sóng biển, có công suất từ vài chục, vài trăm kW đến vài MW, cung cấp điện cho các khu dân cư, đặc biệt cho các hải đảo xa bờ.
Năng lượng sóng biển có tiềm năng rất phong phú, có thể khai thác rất nhiều nơi để làm nguồn phát điện. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Năng lượng Thế giới thì tiềm năng năng lượng sóng có thể khai thác được trên thế giới là 2 TW ( 2 triệu MW), và đối với châu Âu, nguồn năng lượng này đủ đáp ứng 50% tổng tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, tiềm năng này rất khác nhau trên thế giới.
Cho đến nay, đã có trên 30 nước đầu tư hơn 20 năm nghiên cứu công nghệ khai thác nguồn năng lượng này. Năng lượng sóng biển rất thích hợp cho việc cung cấp điện cho các hải đảo. Các trạm điện bằng sóng biển có công suất phổ biến từ 50 kW, 100 kW, 300 kW, đên 500 kW đã được xây dựng ở một số nước như Ấn Độ, Scotland, Na Uy, Bồ Đào Nha, Anh. Năm 2006, tại Bồ Đào Nha đã xây dựng một nhà máy có công suất trên 2 MW (3x750 kW), tại Scotland 3 MW và tại Anh, năm 2007 là một nhà máy 20 MW…
Công nghệ phát điện bằng năng lượng sóng biển rất đa dạng, có loại được lắp trên bờ (onshore), có loại gần bờ (nearshore), có loại xa bờ (off-shore). Loại này thông thường được lắp ở những nơi có độ sâu trên 40 m. Một số hình ảnh mô tả được trình bày trong ảnh trên.
Khai thác năng lượng sóng biển để cung cấp điện được nhiều nước đặc biệt quan tâm. Tại các nước châu Âu như Anh, Bồ Đào Nha, Na Uy, Đan Mạch… đã đầu tư mạnh mẽ cho R&D. Các chương trình nghiên cứu quốc gia đã được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hiệu quả các nguồn điện từ sóng biển ngày càng cao, công suất tổ máy ngày càng lớn (750kW/tổ máy). Hiện nay sản phẩm đã bắt đầu được thương mại hóa.
Kết luận
Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng hiện nay trên thế giới là rất khả quan, tạo cho các nước nghèo, trong đó có Việt Nam, những điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh việc khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.