Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 09/12/2011 21:29 (GMT+7)

Tôn vinh danh nhân phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa

1. Những hình thức tôn vinh danh nhân xưa

Trong xã hội truyền thống, người xưa rất quan tâm đến việc đương danh, mà hình thức phổ biến là ghi chép vào sử sách, ghi tạc trên bia đá và phong thần. Từ đời vua Lê Thánh Tông, việc phong thần càng được đẩy mạnh và tiếp tục cho đến hết đời Nguyễn. Việc phong thần cũng theo bậc cao thấp khác nhau như: thượng đẳng thần, trung đẳng thần và hạ đẳng thần

Sau khi ban sắc, phong thần nhằm ghi nhận công đức của người được phong, nhà nước còn cho xây dựng đền, miếu để phụng thờ, tạo nên cơ sở vật chất cho tín ngưỡng thần linh vận hành trong xã hội.

Dựa vào ghi chép của các nho thần trong các bộ sử cũ, chủ yếu là Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi nhận thấy: vinh danh nhân tài không phải là công việc riêng của nhà nước mà là của cộng đồng, thể hiện sự biết ơn đối với những người có công với dân, với nước. Và, mỗi trường hợp tôn vinh danh nhân thường bao gồm hai phần: nội dung (lý do) của sự tôn vinh, hình thức của sự tôn vinh.

Xin đơn cử một ví dụ trong lịch sử đời Lê sơ: Lê Lai liều mình cứu chúa (Lê Lợi), ông bị giặc bắt và hy sinh. Sau ngày thắng lợi, vua Lê Thái Tổ truy phong tước vị và ban quốc tính cho Lê Lai.

Sự kiện trên được gọi là một trường hợp tôn vinh, bao gồm hai phần: một là, liều mình cứu chúa là một hành động dũng cảm được xem là lý do tôn vinh hoặc thành tích của đối tượng được tôn vinh, hay là nội dung của trường hợp tôn vinh; hai là, truy phong và ban quốc tính được xem là hai hình thức của trường hợp tôn vinh.

Các hình thức tôn vinh: truy phong tước hiệu, ban quốc tính (họ vua), phong chức, tước, ban thưởng bằng hiện vật, điền thổ, ban thưởng cho người thân, ghi danh sử sách, vẽ hình, tạc tượng, ban sắc phong thần, ban thưởng bằng thơ văn, gả công chúa, cho làm phò mã, ban mỹ từ, ghi danh trên bia đá, lập đền thờ, mở lễ hội tưởng niệm và một số hình thức khác…

Về lý do tôn vinh, phổ biến là: người có công chiến đấu chống giặc, người học giỏi, có tài văn chương, người phò tá có tài, đức, người tiến cử hiền tài, người thẳng thắn, có lời tâu đúng, người cương trực, người có tài ngoại giao, người có công làm thủy lợi, người làm quan liêm khiết, người con hiếu thuận, người phụ nữ tiết hạnh, người đỗ đạt cao, người cao tuổi, người sáng tạo có bàn tay khéo léo, người dám xả thân đánh cướp, cứu nạn giữ yên xóm làng và một số lý do liên quan đến tinh thần yêu nước, bảo vệ xóm làng, giữ được thuần phong mỹ tục…

2. Mấy nhận xét về truyền thống tôn vinh

Tôn vinh là công việc chung của Nhà nước và của nhân dân

Truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây từ lâu đã trở thành đạo lý, là nét đẹp trong lối sống Việt Nam . Từ xưa đến nay, bất cứ ai có công lao với dân, với nước đều được cộng đồng quý trọng và tôn vinh. Có rất nhiều hình thức tôn vinh khác nhau, song nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam đã có một cơ chế vận hành khá nhuần nhị, để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị của danh nhân.

Về phía nhà nước:

Sắc phong, thần phả: ban sắc phong cho các vị thần thờ phụng tại các làng xã.

Cấp tự điền (ruộng thờ tự): trích ruộng công cấp cho con cháu của người có công, để canh tác, lấy hoa lợi hàng năm sử dụng vào việc cúng tế. Số ruộng nhiều ít có khác nhau và những ruộng ấy được miễn thuế mãi mãi.

Cấp sái phu (phu quét dọn): cấp cho đền miếu thờ danh nhân ở địa phương nào đó một suất phu quét dọn. Nghĩa là địa phương ấy trực tiếp cắt cử người chăm sóc, quét dọn đền miếu. Số người làm việc này được miễn trừ sưu dịch. Nói khác đi, đó cũng là một cách Nhà nước cấp kinh phí cho hoạt động chăm sóc, quét dọn đền miếu.

Ban hành luật lệ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của danh nhân. Mặc dù truyền thống tôn vinh nhân tài được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dân tộc, nhưng mãi đến triều Lê vấn đề này mới thành thể chế. Các bản thần tích, thần phả được Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng phúc nguyên niên (tức năm 1572 đời vua Lê Ý Tông) đã nói lên điều đó. Triều Lê còn có bộ luật hình nổi tiếng là luật Hồng Đức, trong đó nêu 4 điều cấm vi phạm đối với di sản văn hóa – danh nhân. Ví dụ, điều 431 viết: Ăn trộm những đồ thờ trong lăng miếu và tượng thánh, áo mũ thờ thì đều xử chém, điền sản bị tịch thu, sung công. Người Giám thư không biết để mất trộm thì phải tội biếm hay tội đồ (1).

Thời Lê còn có một văn bản gọi là Lê triều giáo hóa điều luật tứ thập thất điều(47 điều dạy dân dưới triều Lê), trong đó, điều 37 viết: “Phàm lăng miếu của các triều đại, các từ đường phần mộ của các vị công thần, thì không được chặt phá cây cối (mọc trên các nơi đó), không được thả trâu bò để chúng dày đạp phá hoại, những mồ mả của cố nhân dù rằng không có ai nhìn nhận cũng phải giữ lấy di tích, không được phá hoại. Kẻ nào xâm phạm tới, nên bắt dẫn trình quan để trị tội” (2).

Triều Nguyễn đã tiến hành sưu tầm, tham khảo điển chương của các thời trước. Các hoạt động lập pháp và hành pháp của triều Nguyễn (trong đó có vấn đề về bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của danh nhân) được tóm tắt trong bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ

Về phía nhân dân:

Tiến hành xây dựng các đình, miếu, bia ký, lăng mộ

Trực tiếp bảo vệ, tu bổ di tích.

Tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng niệm danh nhân và khai thác các giá trị văn hóa của danh nhân.

Một cơ chế quan trọng là hương ước làng xã. Trong các văn bản hương ước không chỉ có những điều cấm (dân trong làng) không được làm, mà còn có cả những điều nên làm, cần làm; không chỉ có hình phạt đối với những người sai phạm, mà còn có cả những hình thức khen thưởng, khuyến khích đối với những người có công. Có thể nói, hương ước là bộ dân luật quan trọng đầu tiên đối với dân làng.

Hình mẫu nhà nước và nhân dân cùng làm đã xuất hiện từ sớm. Đó là cách làm tốt và thuận tiện nhất để tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa của danh nhân. Bởi vì, hình thức này không những nâng cao hiệu quả của vấn đề tôn vinh, mà còn có ảnh hưởng tích cực đến việc nêu gương sáng một cách rộng khắp, từ triều đình xuống dân xã. Cho nên tác động của nó đối với xã hội chắc chắn sẽ rộng lớn hơn. Mặt khác, khi dân xã, những người thân, họ hàng, làng xóm của người có công trực tiếp cùng tham gia hoạt động tôn vinh, thì tác dụng tổng hợp càng rõ.

Tượng đài Quang Trung

Về những danh nhân được tôn vinh

Trong lịch sử truyền thống, dân tộc Việt Nam có một hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt là dựng nước và giữ nước luôn đi liền với nhau, trong đó thời gian hòa bình cho xây dựng đất nước, tuy có nhưng thường là ngắn ngủi, thời gian chiến tranh giữ nước thường kéo dài. Chính vì thế, trong danh sách khá dày đặc danh nhân dân tộc, phần nhiều là những anh hùng đánh giặc, một số là danh nhân văn hóa (bản thân họ, nhiều người cũng là danh nhân đánh giặc), số ít là danh nhân lập làng, tổ nghề. Như vậy, có thể nói: trong lịch sử dân tộc ta, giữ nước chiếm phần ưu trội hơn dựng nước.

Đa dạng về lý do và hình thức tôn vinh

Vấn đề tôn vinh danh nhân của người xưa là phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Những người được nhà nước và nhân dân tôn vinh không phân biệt già trẻ, là nam hay là nữ, tướng sĩ hay dân thường, từ người Kinh đến người Thượng, ai có tài đức đều được ban thưởng. Song hình thức tôn vinh mỗi thời cũng khác nhau, và tùy thuộc vào thành tích của người được tôn vinh.

Nếu còn sống, người được tôn vinh có thể được ban quốc tính, nhận làm con nuôi thiên tử, phong tước, thăng chức, ghi danh vào sử sách, bia đá, vẽ hình, ban kim sách, vân phù, tượng vật quý, thưởng vàng bạc, lụa tiền, con cháu được thưởng ruộng đất hoặc chức quan…

Nếu người có công đã mất, thì có thể vua thân làm văn tế, nghỉ coi chầu hoặc truy phong chức tước cho bản thân và con cháu, gia phong làm phúc thần, cấp ruộng đất và dân lập đền thờ cúng…

Ngày xưa nền kinh tế nước ta lấy nông nghiệp làm chủ, nguồn thu nhập chính của nhân dân đều trông vào hoa lợi canh tác trên ruộng ấy. Vì thế, thời xưa người có công bên cạnh được vinh danh, thăng chức còn được cấp thưởng ruộng đất.

Việc tôn vinh được tiến hành kịp thời và minh bạch

Trong lúc đất nước đang đi lên, trong tư thế chiến thắng, ông cha ta thường nghiêng về việc khen thưởng, ít chú ý đến hình phạt, nhằm khơi dậy những yếu tố tích cực ngay ở trong những người lầm lỗi.

Trong thời chiến, việc thưởng phạt kịp thời và công minh có ý nghĩa vô cùng to lớn để làm nên thắng lợi. Nó có tác dụng nêu gương, vừa động viên quân sĩ, lại có tính ngăn chặn, răn đe mọi người đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần kỷ luật. Vì thế, sau mỗi trận đánh các triều đình đều kịp thời định công luận tội. Còn trong thời bình, hễ ai có công lao cũng được tôn vinh kịp thời. Khi một công thần qua đời, người đó liền được vua truy tặng, truy phong.

Nếu có công thì được thưởng, còn nếu có tội thì dù đang làm quan to, đã từng được khen thưởng nhiều lần cũng bị luận tội như thường. Việc thưởng phạt của người xưa là rất kịp thời và công minh. Điều này không những kích thích tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong toàn dân, còn khiến cho người có lỗi biết tu sửa và trở thành tấm gương tốt.

Tóm lại, trong quá trình lịch sử nhân dân ta đã sáng tạo ra nhiều hình thức tôn vinh danh nhân phong phú và đa dạng. Việc tôn vinh kịp thời, công bằng và dân chủ đã phát huy được sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc. Có một số lý do hoặc hình thức tôn vinh của người xưa không còn phù hợp với thời đại ngày nay, nhưng nó cũng để lại nhiều bài học và kinh nghiệm bổ ích. Đối với những hình thức tôn vinh còn phù hợp và đang phát huy tác dụng, chúng ta cần có những chính sách và chế tài theo hướng hiện đại hóa nhầm nâng cao hiệu quả hoạt động tôn vinh danh nhân trong điều kiện hiện nay.

3. Tôn vinh danh nhân như là phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm, ở bất cứ nơi nào, thời đại nào, những người có công với dân, với nước đều được người đời sau lưu danh, tưởng niệm. Trong các loại hình tôn vinh, tưởng niệm, hình thức lập đền miếu thờ phụng là tương đối phổ biến ở nước ta. Khắp các vùng miền, địa phương trên cả nước có rất nhiều đền thờ danh nhân. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các vị đó. Trong lễ hội, người ta tổ chức những nghi thức giới thiệu thần phả, trình bày tiểu sử và công trạng của danh nhân. Hoặc có những lễ hội trình diễn lại những nét đặc sắc nhất trong cuộc đời của danh nhân, những tác động trong các lễ hội trình nghề,… Cùng với những lễ nghi tưởng niệm danh nhân là các cuộc vui của hội làng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa ở địa phương. Sự nghiệp của danh nhân như được làm sống lại, trở thành điểm trung tâm của văn hóa hội làng, góp phần bảo lưu và phát triển vốn văn hóa dân tộc trong dân gian.

Trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ, chúng ta có lúc đã coi di sản văn hóa của quá khứ như là tàn dư của chế độ phong kiến lạc hậu, xem các trò diễn xướng dân gian, các lễ hội là mê tín dị đoan, không phù hợp với đời sống mới, nên cần phải loại bỏ. Hệ quả là nhiều di sản văn hóa quý bị phá hoại, đền chúa, miếu mạo bị xuống cấp, bia, tượng bị mất mát, hoặc sử dụng sai mục đích, làm hư hỏng nghiêm trọng, nhiều công trình đã không thể phục hồi được. Một số di sản văn hóa phi vật thể là danh nhân có nguy cơ bị quên lãng. Bước vào thời kỳ đổi mới, những quan niệm lệch lạc đã được chấn chỉnh lại, trong đó có việc khôi phục và bảo tồn các di tích liên quan đến danh nhân.

Truyền thống tôn vinh danh nhân được phát huy ngay trong từng gia đình và dòng họ. Việc thờ cúng tổ tiên không chỉ biểu lộ lòng biết ơn đối với các thế hệ trước, mà còn có ý nghĩa rất lớn về giáo dục, làm cho các thành viên trong gia đình tự hào về ông cha mình và học tập những phẩm chất, hành vi tốt đẹp của tổ tiên. Mọi người quan tâm tu dưỡng đạo đức, khuyến khích làm điều thiện, tránh điều ác, để không hổ thẹn trước thanh danh của tổ tiên, dòng họ và gia đình. Ngày nay, ở một số địa phương, nhiều dòng họ đã tiến hành phục dựng lại nhà thờ tổ và tổ chức các hoạt động sinh hoạt như: khuyến học, bảo trợ nghề nghiệp, chăm sóc người cao tuổi,… phát huy truyền thống tốt đẹp trong từng gia đình, dòng họ. Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực là nêu gương tinh thần hiếu học, ca ngợi tấm lòng hiếu thuận giữa những người cùng họ, người ta nhận thấy còn bộc lộ ra một số hiện tượng tiêu cực, như: xu hướng chạy theo hư danh, xây dựng nhà thờ to quá, tổ chức ăn mừng rậm rộ, nặng về phô trương hình thức, hoặc tự đặt ra thể lệ quyên góp phiền hà, làm giảm đi cái mỹ tục của sự tôn vinh.

Trong nhà trường và xã hội, danh nhân là những tấm gương sinh động đối với các thế hệ trẻ. Những danh nhân tiêu biểu được đưa vào sách giáo khoa, ghi chép thành tiểu sử; được viết thành truyện tranh, được tạc tượng, được đặt tên đường, phố, trường học, bệnh viện hay các công trình văn hóa lớn. Có thể nói, phát huy các giá trị văn hóa của truyền thống tôn vinh danh nhân vào công tác giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam .

Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, có thể nói truyền thống tôn vinh danh nhân cũng đã có những tác động tích cực nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, vừa có tính đạo đức, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, người buôn bán chỉ được xem là hạng cuối cùng của tứ dân, thậm chí thương nhân còn bị gọi một cách miệt thị là con buôn. Nói đến buôn bán, người ta nghĩ ngay đến những thủ đoạn đầu cơ, trục lợi, buôn gian, bán lận của những gian thương, ít ai nghĩ buôn bán là một nghề đứng đắn. Ngày nay, doanh nhân được xã hội nhìn nhận lại hoàn toàn khác trước. Họ có vị thế quan trọng trong công cuộc xây dựng nền kinh tế nước nhà. Giờ đây người ta nói: phi thương bất phú.Từ phú ở đây vừa có nghĩa là giàu có, vừa có nghĩa là sang trọng. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2004, nhà nước ta lấy ngày 13 – 10 (ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương) hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhờ đó hoạt động kinh doanh và doanh nhân ngày càng khẳng định được vai trò to lớn của mình đối với sự phát triển kinh tế của xã hội.

Truyền thống tôn vinh danh nhân còn là nguồn đề tài vô tận cho giới văn nghệ sĩ, là chiếc cầu hữu nghị khi mở rộng sự giới thiệu danh nhân ra các nước xung quanh, là tài sản mà ngành kinh doanh du lịch có thể lập kế hoạch đầu tư và phát huy tác dụng. Qua đó, việc xã hội hóa công tác giáo dục và phát huy giá trị của di sản văn hóa danh nhân chắc chắn cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Truyền thống tôn vinh danh nhân đã trực tiếp góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và hoàn thiện con người Việt Nam, vì thế, tôn vinh danh nhân chính là phương thức hữu hiệu để bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hà nội , tháng 5-2011

1. Quốc triều hình luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1991, tr.160.

2. Lê triều giáo hóa điều luật tứ thập thất điều, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1962, tr.50,51

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.
Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.