Phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao bền vững tại tỉnh Hải Dương
Ngày 10/10, tại TP. Hải Dương, Liên hiệp Hội Việt Nam kết hợp với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo Phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta; Bà Trần Thị Thu Thuỷ – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương; Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta phát biểu khai mạc tại hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta cho biết, hoạt động phổ biến kiến thức là hoạt động quan trọng của Vusta từ trước đến nay, đặc biệt từ năm 2023, Vusta đã thực hiện tổ chức chuỗi hội thảo tuyên truyền và phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao. Đây là nội dung vừa có giá trị lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, thiết thực đối với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và thành viên, đặc biệt đối với hội viên, nghệ nhận, doanh nhân, nhà vườn, làng nghề sinh vật cảnh. Thời gian qua, ngành hoa, cây cảnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều nguồn thu lớn cho nhiều người tham gia, và thực sự ngành hoa, cây cảnh hiện không còn là thú chơi mà đã trở thành một ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù đạt được nhiều tích cực, nhưng hiện việc phát triển hoa, cây cảnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để phong trào sinh vật cảnh trong thời gian tới ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực và hiệu quả hơn, nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bà Trần Thị Thu Thuỷ – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương
Bà Trần Thị Thu Thuỷ – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương cho biết, trong nhiều năm qua, các hội thành viên đã chủ động xây dựng chuơng trình công tác, phối hợp cùng với Liên hiệp Hội. Liên hiệp Hội phối hợp với các Hội thành viên thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Qua đó, góp phần định hướng cho mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở các Hội thành viên và Liên hiệp Hội. Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương rất vui mừng được Vusta và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam lựa chọn là địa điểm tổ chức hội thảo rất ý nghĩa này. Bà Thủy mong muốn các kiên thức từ các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ hôm nay sẽ giúp các đại biểu tham dự có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc phát triển hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy ngành hoa, cây cảnh của tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển.
: Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trình bày tại hội thảo
Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho hay, phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái với những sản phẩm đặc hữu có giá trị cao. Hiện nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hoa, cây cảnh, điều này rất thuận lợi cho việc thúc đẩy việc phát triển hoa, cây cảnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, Hội Sinh vật cảnh và các hội viên cần chủ động tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đô thị văn minh, môi trường xanh, sạch, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Ông Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả cho rằng, muốn phát triển hoa, cây cảnh có hiệu quả cao thì phải gắn phát triển theo hướng thị trường, gắn với phát triển du lịch; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo chia sẻ của ông Đông, hiện nay nguồn nhân lực phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh công nghệ cao còn thiếu và yếu, tỷ lệ đào tạo thấp; Có sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới, đặc biệt là các sản phẩm mới; Thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu không theo quy luật, ngày càng khắc nghiệt và khó dự đoán, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh.
Theo ông Đông, để phát triển ngành hoa cây cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương, thì cần có giải pháp hạn chế tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến sản xuất hoa, cây cảnh; Giải pháp hạn chế tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến sản xuất hoa, cây cảnh như xây dựng nhà kính hoặc lắp đặt lưới che chắn, để bảo vệ cây trồng khỏi điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa đá, gió mạnh. Sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt trong trường hợp hạn hán. Tham gia các khoá học và tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai và các kỹ thuật canh tác phù hợp để nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó.
Ông Ngô Văn Hanh – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương
Ông Ngô Văn Hanh – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương cho biết, hiện Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương có trên 7.600 hội viên, hàng năm các hội viên hoạt động nhiệt tình và phát triển mạnh cho cây sinh vật cảnh của tỉnh. Phong trào sinh vật cảnh ngày càng được khởi sắc có nhiều thành quả như một số nhà vườn làm cây cảnh nghệ thuật đã mang lại nhiều kinh tế cao cho tỉnh Hải Dương.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý như hiện nay chất lượng hoa, cây cảnh bao gồm cả tiêu chí về mức ô nhiễm nông dược trên sản phẩm, do vậy việc kiểm soát ô nhiễm hoá chất là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong xuất hoa, cây cảnh.
Ngoài ra, các đại biểu đã có ý kiến như đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực, thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo chuyên môn, tạo điều kiện để hội viên, người nông dân nâng cao kỹ năng và kiến thức. Đồng thời, cần tạo ra môi trường làm việc thuận lợi để thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành.
Để phát triển ngành sinh vật cảnh thời gian tới, theo ý kiến của các đại biểu cần xây dựng các chương trình, chính sách để sinh vật cảnh có nhiều điều kiện phát triển, tham gia đóng góp và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong sản xuất đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tăng cường chuyển giao công nghệ kỹ thuật, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo số liệu của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cả nước có trên 50.000 ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh. Nhiều tỉnh, thành phố có diện tích trồng hoa, cây cảnh tập trung lớn, gắn với những làng nghề truyền thống lâu đời. Tiềm năng phát triển sinh vật cảnh của cả nước và nhiều địa phương là rất lớn. Nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh ngày càng tăng, bình quân 12 - 15%/năm...
Doanh thu bình quân từ hoa, cây cảnh đạt 350 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Giá trị sản lượng ước tính đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD/năm; đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp. Sản phẩm hoa cảnh, cây cảnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đã xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh, làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh. Tuy nhiên, việc phát triển hoa, cây cảnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt về hoa cảnh, cây cảnh ở từng địa phương, khu vực, các vùng trọng điểm, sản phẩm thế mạnh.
Để phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế mang lại giá trị cao, các đại biểu cho rằng cần nâng cao vị thế, vai trò của Hội Sinh vật cảnh các cấp. Hội Sinh vật cảnh cần hỗ trợ các hội viên, thành viên trong hoạt động nghề nghiệp; cung cấp thông tin; chỉ đạo định hướng; đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các hoạt động, dịch vụ... Đặc biệt cần thay đổi nhận thức, sinh vật cảnh không chỉ là thú chơi mà còn là sản phẩm đặc hữu, đặc biệt, có giá trị cao về kinh tế.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, để xây dựng ngành sản xuất hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững, tiến tới trở thành ngành đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng; góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.