Tiến sĩ nông họcY Ghi Niê
Y Ghi Niê tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên (khoa Nông – Lâm) với điểm cao, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy nhưng ông nhất định xin về làm việc tại Liên hiệp Xí nghiệp Cà phê 333 ở quê ông. Khi thành lập huyện mới Ea Kar, kĩ sư trẻ luôn ham mê tìm tòi, thử nghiệm các giống cây trồng mới được cử làm Trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Từ đó, ông dành nhiều thời gian lăn lộn ngoài đồng ruộng, nương rẫy cùng nông dân, ông cho biết “Làm nông nghiệp thì phải gần dân, học cùng với dân, học từ việc cấy lúa, hoạn một con lợn, thiến một con gà, học cả trồng trọt, chăn nuôi... vậy mới gắn được lý thuyết với thực hành”. Ông vận động đồng bào thực hiện chương trình trồng thí điểm cây bông vải, trồng xen bông vải với ngô lai trái vụ, lúa cạn cao sản, các loại đậu, đỗ... và áp dụng giống lúa cạn mới ngon cơm, năng suất cao, sức đề kháng sâu bệnh tốt và có khả năng chịu hạn, đưa Ea Kar trở thành huyện sản xuất nông nghiệp dẫn đầu của tỉnh Đăk Lăk.
Năm 1997, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ nông học rồi đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar. Năm 2000 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nông học và nhận cương vị Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk, rồi trở thành Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk vào năm 2003. Giám đốc Y Ghi Niê tạo cơ hội để các cán bộ trẻ đi học, ông chủ trì chương trình nghiên cứu phối hợp với các huyện xây dựng thư viện điện tử tại các xã với phần mềm vi tính được biên soạn bằng chữ viết của sáu dân tộc gồm Êđê, M’nông, Giarai, Bana, Xêđăng, K’ho. Theo ông, tập quán sống du canh du cư lâu đời trong quá khứ đã làm cho các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Êđê chiếm gần 30% dân số sống đói nghèo và trình độ dân trí thấp. Công cuộc phát triển giáo dục và chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật các lĩnh vực đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Tây Nguyên. Cuộc sống bây giờ đã tiến bộ nhiều, con em các gia đình được đến trường đi học, nhiều gia đình có nhà xây, có xe máy, máy cày, có những gia đình sắm được cả xe hơi...
Tiến sĩ Y Ghi Niê, một trong những người con tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên khát khao mang vốn kiến thức mình có được để giúp ích đồng bào, đồng thời ông thiết tha nhắn gửi đến đồng bào các dân tộc thiểu số: “Người dân tộc phải biết vươn lên, cố gắng học hỏi không ngừng để lấy được những kiến thức văn hóa cơ bản cùng những kiến thức khoa học từ đó, biết tổ chức sản xuất tốt hơn và sống tự tin, hòa đồng, bình đẳng giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam”.