Thuốc trừ sâu endosulfan bị cấm sử dụng trên toàn thế giới
Theo thỏa thuận nói trên, phần lớn các trường hợp sử dụng endosulfan sẽ phải ngừng lại trong năm 2012. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu có clo này có thể được sử dụng trong một số trường hợp để kiểm soát dịch bệnh cây trồng cho đến năm 2017. Ví dụ, endosulfan có thể được tiếp tục sử dụng để diệt sâu xanh.
Endosulfan được phát triển và bắt đầu sử dụng vào thập niên 1950. Đây là một trong những thuốc trừ sâu độc nhất trên thị trường ngày nay, nó đã gây ra nhiều trường hợp ngộ độc trên khắp thế giới với hậu quả tử vong. Khả năng gây ung thư của hóa chất này cũng đang được tranh cãi. Endosulfan còn là một chất tăng cường tác động của estrogen, do đó nó có thể gây rối loạn chức năng nội tiết, ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và quá trình phát triển của con người cũng như động vật.
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 18.000 - tấn endosulfan được sản xuất trên thế giới, trong đó Ấn Độ sản xuất 10.000 tấn và Trung Quốc sản xuất 5.000 tấn, các nước Ixraen, Braxin, Hàn Quốc sản xuất lượng còn lại. Những nước sử dụng endosulfan nhiều nhất là Ấn Độ, Braxin, Trung Quốc, trong khi đó Achentina và Mỹ cũng sử dụng những lượng endosulfan khá lớn. Thuốc trừ sâu này chủ yếu được sử dụng cho những cây trồng như bông, cà phê, chè.
Trong các cuộc đàm phán ở Giơnevơ, Ấn Độ đã quyết liệt chống lại việc cấm sử dụng endosulfan và chỉ ký thỏa thuận khi chính phủ các nước khác đồng ý với việc cho phép sử dụng ở một số trường hợp ngoại lệ trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi chấm dứt sử dụng hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Mỹ hiện đã có quá nhiều chất có thể thay thế cho endosulfan, vì vậy lẽ ra không nên cho phép sử dụng hóa chất độc hại này cả trong những trường hợp đặc biệt.
Trước đó, 80 nước đã cấm sử dụng endosulfan hoặc công bố rằng họ sẽ loại bỏ dần việc sử dụng thuốc trừ sâu này.
Mỹ chỉ tham gia các thỏa thuận tại Giơnevơ với tư cách quan sát viên, nhưng năm 2010 Cục Bảo vệ môi trường Mỹ đã công bố việc sử dụng endosulfan trong nước sẽ chấm dứt vào năm 2016.