An Giang: Đưa tri thức và di sản văn hóa đến gần hơn với cộng đồng
Ngày 28/11, tại Hội trường Nhà khách Văn phòng UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp Hội An Giang) tổ chức Hội nghị thông tin phổ biến kiến thức đợt 5 với sự tham dự của gần 100 đại biểu.
Hội nghị tập trung lan tỏa kiến thức bổ ích về chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội trong cộng đồng.
Hội nghị lần này có hai chuyên đề tiêu biểu:
Chuyên đề 1: “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức” do đồng chí Thái Thúy Xuân, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội, trình bày, tập trung phân tích Nghị quyết số 45 và kế hoạch cụ thể hóa của UBND tỉnh An Giang. Chuyên đề nhấn mạnh nâng cao nhận thức về vai trò đội ngũ trí thức, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước và huy động nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chất lượng cao, hội nhập quốc tế. Nội dung đề cao vai trò tiên phong của trí thức trong việc giải quyết thách thức lớn của địa phương và đất nước, đồng thời khuyến nghị đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức, tạo môi trường thuận lợi để họ phát huy sáng tạo, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bà Thái Thúy Xuân, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội trình bày chuyên đề “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức”
Chuyên đề 2: "Lịch sử hình thành và phát triển Kênh Vĩnh Tế" do Đồng chí Trần Văn Đông, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, trình bày, đã tái hiện quá trình xây dựng Kênh Vĩnh Tế - một công trình mang tính biểu tượng của sức mạnh lao động tập thể dưới triều Nguyễn. Chuyên đề khắc họa thân thế và sự nghiệp của ông Thoại Ngọc Hầu, vị quan triều Nguyễn đã chỉ huy việc đào kênh từ năm 1819 đến 1824, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tuyến kênh dài 87 km nối liền Châu Đốc và Hà Tiên. Công trình không chỉ đóng góp vào giao thông, thương mại mà còn củng cố phòng thủ biên giới Tây Nam của đất nước.
Chuyên đề "Lịch sử hình thành và phát triển Kênh Vĩnh Tế" do ông Trần Văn Đông, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, trình bày
Chuyên đề này cũng nhấn mạnh các giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế của Kênh Vĩnh Tế, đồng thời gợi lên lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn các di sản quý báu gắn liền với vùng đất An Giang.
Hội nghị thông tin phổ biến kiến thức đợt 5 lần này ghi nhận sự tham gia đa dạng của các thành phần: lãnh đạo các hội thành viên và các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, phóng viên báo đài đến dự và đưa tin, cùng sinh viên đến từ Trường Đại học An Giang, Cao đẳng Y tế và Cao đẳng Nghề. Sự mở rộng này không chỉ làm gia tăng sức lan tỏa của hội nghị mà còn khuyến khích thế hệ trẻ tiếp cận các nội dung bổ ích, góp phần hình thành đội ngũ kế thừa tri thức và giữ gìn giá trị văn hóa lịch sử của tỉnh nhà.
Hội nghị nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, với nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận và trao đổi sôi nổi. Các câu hỏi xoay quanh chế độ chính sách đãi ngộ đối với giới trí thức, việc tạo sân chơi và diễn đàn khoa học để xây dựng môi trường nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn đã được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, nội dung về lịch sử hình thành và phát triển kênh Vĩnh Tế thu hút sự quan tâm sâu sắc từ đông đảo đại biểu, bởi ý nghĩa lịch sử đặc biệt đối với người dân Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung. Đáng chú ý, các sinh viên bộ môn Lịch sử, Trường Đại học An Giang, bày tỏ sự hào hứng và cảm ơn ban tổ chức vì lần đầu tiên được tiếp cận những kiến thức bổ ích tại hội nghị. Các em cũng đề xuất tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo tương tự với các hình thức đa dạng hơn để tạo cơ hội học hỏi và lắng nghe những thông tin giá trị.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thúy Xuân, hội nghị lần này có sự đổi mới nổi bật về nội dung với hai chuyên đề thực tiễn và ý nghĩa. Liên hiệp Hội An Giang tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối tri thức, không chỉ đổi mới phương thức tuyên truyền mà còn chú trọng đến sự phù hợp và thiết thực của nội dung. Đặc biệt, việc mở rộng đối tượng tham dự tới các sinh viên đã tạo nên bước đột phá, lan tỏa giá trị tri thức đến mọi tầng lớp. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, gìn giữ bản sắc văn hóa, hướng tới một An Giang hiện đại, giàu đẹp và bền vững.