Cập nhật công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi
Sáng ngày 22/11 tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội thảo “Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi” đã đem đến những giải pháp thiết thực để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi , góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ Tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam; bà Phạm Thị Bích Hồng, phó trưởng ban truyền thông của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cùng các đại biểu đại diện cho ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn; trường đại học Nông lâm Thái Nguyên; các đại biểu của ban chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh; các chi hội, hội viên của Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Thái Nguyên; các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp và người sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực liên quan.
Bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng ban Truyền thông của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng ban Truyền thông của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Với chức năng nhiệm vụ phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo với mục tiêu góp phần phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Thái nguyên nói riêng cũng như ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung. Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội song song với phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam trong thời gian tới. Đây sẽ là diễn đàn để các nhà khoa chia sẻ trao đổi thảo luận với các hội viên và những người trực tiếp làm công tác chăn nuôi và quản lý ngành chăn nuôi trong tỉnh những vấn đề quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên. Hội thảo cũng chia sẻ về những giải pháp đóng góp thiết thực cho ngành chăn nuôi, áp dụng vào thực tiễn trong thời gian tới”.
Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam
Hiện nay, vấn đề môi trường đặc biệt là việc xử lý chất thải vẫn luôn là điểm nóng trong ngành chăn nuôi. Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, ô nhiễm môi trường, lượng khí thải lớn cũng như kiến thức về xử lý chất thải, hạn chế về vốn đầu tư để áp dụng các công nghệ hiện đại của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến ngành chăn nuôi Việt Nam chậm phát triển. “Hiện nay, hiểu biết của người chăn nuôi về khái niệm hiệu ứng nhà kính còn rất nhiều hạn chế. Thái Nguyên là tỉnh có môi trường chăn nuôi tồn tại rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Do đó, chúng tôi chọn Thái Nguyên là địa điểm tổ chức hội thảo để mọi người có những góc nhìn thực tế hơn, từ đó lan tỏa đến những người trực tiếp làm chăn nuôi hiểu rõ vấn đề môi trường hiện nay gặp những khó khăn gì, cần xử lý ra sao?”, Ông Sơn cho biết thêm.
Từ những thực tiễn và hạn chế trong xử lý chất thải chăn nuôi Việt Nam hiện nay, hội thảo đã cung cấp một số công nghệ mới có hiệu quả thông qua những kết quả nghiên cứu, sử dụng trong thực tiến. Cụ thể, ThS. Phạm Lực, Công ty TNHH TPS VietHand chia sẻ, ứng dụng vi sinh trong hoạt động chăn nuôi là giải pháp hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, công ty đã phát triển sản phẩm men vi sinh hữu hiệu Việt Hand 01, sử dụng để ủ chất thải nông nghiệp; xử lý mùi chuồng trại; xử lý nước thải, bảo vệ môi trường với những công dụng vượt trội như giúp phân huỷ nhanh rác thải, phế thải nông nghiệp, phân chuồng, xác động vật; tạo chất kháng sinh, ức chế các vi sinh vật có hại như vi sinh vật gây bệnh, gây thối; phòng chống dịch bệnh cho gia cầm; sử dụng làm đệm lót sau khi dùng làm phân hữu cơ; cải thiện chất nước thải ra môi trường, giảm mùi hôi thối; giảm các chỉ số COD, BOD,...
Ông Trần Hải Đăng, Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên chia sẻ, ứng dụng công nghệ gia nhiệt trong xử lý phế phụ phẩm chăn nuôi gà tại công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt đã mang lại những lợi ích to lớn. Từ cải thiện chất lượng sản phẩm đến giảm thiểu tác động xấu lên môi trường. Công nghệ này đã giúp Công ty phát triển thành công quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và an toàn. Các kết quả thử nghiệm cho thấy sản phẩm phân bón hữu cơ không chỉ cải thiện năng suất cây trồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
ThS. Nguyễn Thị Mến, công ty Dược Hanvet
ThS. Nguyễn Thị Mến, công ty Dược Hanvet chia sẻ, hiện nay HanVet phát triển một số dòng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi. Cụ thể, với sản phẩm HAN- PROWAY có công dụng khử mùi hôi chuồng trại, rác, nước thải; bổ sung vi sinh vật có lợi, phân hủy chất thải hữu cơ làm phân bón; cải thiện môi trường sinh thái của đất, nước đồng thời ức chê tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, gây hại. Sản phẩm ECOMIC có công dụng phân hủy nhanh các chất hữu cơ, chất khó phân hủy như phân chuồng, rơm rạ, thân lá ngô =>làm nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón; Ức chế các VSV phát sinh mùi hôi; Dùng để tạo lớp đệm lót sinh học (lớp nền) cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bảo vệ môi trường nói chung, môi trường chăn nuôi nói riêng đang là một vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm. Để góp phần vào sự đổi mới và phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, vấn để môi trường trong quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi cần sự quan tâm nhiều hơn của các nhà khoa học, nhà quản lý, các mô hình ứng dụng để có thể thích nghi với sự phát triển không ngừng của ngành chăn nuôi hiện nay.
Chủ trì hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm