Thuốc ho cho trẻ một vài lưu ý
Trước tiên cần phải xác định, ho là một phản xạ tốt để bảo vệ cơ thể, ho giúp tống xuất đàm nhớt ra ngoài, làm sạch đường thở của bé. Do đó, chỉ khi nào bé ho khan, hoặc ho quá nhiều gây mệt mỏi, các thầy thuốc mới cho dùng thuốc giảm ho; một số trường hợp, bé ho không tróc đàm, lại cần phải dùng thuốc làm loãng đàm, giúp bé dễ ho khạc, lúc này nếu dùng thuốc ức chế cơn ho của bé sẽ làm đàm nhớt ứ đọng trong đường hô hấp, bé khó thở và dễ có những biến chứng nặng hơn. Một điều cần lưu ý nữa là, không phải thuốc ho nào dùng tốt cho người lớn cũng đều có thể dùng cho trẻ với liều nhỏ hơn.
Nhóm thuốc opiat tổng hợp:thường gặp là codein và dextromenthorphan,... các loại thuốc này giảm ho do ức chế trung tâm ho ở thành não. Cũng như các thuốc có cấu trúc opiat khác, thuốc gây những tác dụng phụ như bí tiểu, táo bón, khô miệng, dextromethorphan ít gây tác dụng phụ hơn codein. Với các thuốc thuộc nhóm này, nếu dùng quá liều sẽ bị các triệu chứng ngộ độc giống như ngộ độc dextromethorphan có trong một loại thuốc ho dành cho trẻ nhỏ, nhưng do người nhà không tuân thủ liều điều trị, khi thấy em ho quá nhiều đã tự ý tăng số lần uống thuốc và bé được cứu sống nhờ sự tận tâm cứu chữa của các bác sĩ. Thông thường, khi bào chế thuốc ho có những hoạt chất này, các nhà sản xuất luôn có hai dạng, loại dành cho người lớn, loại dành cho trẻ em. Nên chọn dạng thuốc dành cho trẻ và dùng đúng liều đã được hướng dẫn, không nên chia nhỏ dạng thuốc của người lớn để dùng cho trẻ.
Các thuốc chống ho tác dụng kháng histaminnhư alimamazin, oxomemazin... được dùng khi bé bị ho do dị ứng hay kích thích. Thuốc dùng rất tốt cho những trường hợp bé ho khan vào buổi tối kèm khó ngủ, nhưng cũng không nên lạm dụng cho bé uống thường xuyên để dễ ngủ, cần chú ý khi cho các bé uống trong những ngày bé phải đi học vì có thể bé sẽ ngủ gật trong lớp. Không dùng khi bé ho có đàm bởi khi đó, bé không ho được, đàm dãi sẽ ứ lại trong đường hô hấp gây khó thở, không dùng khi ho do hen suyễn.
Các thuốc làm tan hay loãng đàmnhư acetylcystein, bromhexin... tác dụng của thuốc là làm lỏng đàm, tạo điều kiện để bé dễ ho khạc, giúp đường thở thông thoáng. Khi uống thuốc này, bé vẫn ho và cần phải ho để làm sạch đường thở. Một số bậc phụ huynh, do không biết, thấy bé vẫn ho sau khi uống thuốc nên càng sốt ruột và có người tự ý cho bé uống thêm một thứ thuốc ho khác với mong muốn bé sẽ bớt ho. Đây là điều không nên. Không dùng thuốc này chung với thuốc chống ho. Với những trẻ lớn, cũng nên tập để bé có ý thức khạc nhổ đúng nơi đúng chỗ.
Hiện có nhiều loại thuốc ho với các tên biệt dược khác nhau, đa số có sự phối hợp của nhiều hoạt chất, chính vì thế, khi cho bé uống thuốc cần xem kỹ công thức và cách dùng thuốc được in trên hộp thuốc hoặc trên tờ hướng dẫn sử dụng, tránh tình trạng, cho uống một lúc nhiều loại thuốc ho hoặc thấy bé không giảm ho mà tăng số lần uống thuốc, ngay cả với những thuốc có nguồn gốc thảo dược.
Ho có nhiều nguyên nhân: dị ứng, hen suyễn, có dị vật trong đường thở, hít phải khí hoặc mùi gây kích ứng,... chứ không riêng gì viêm đường hô hấp, do đó, đừng thấy bé ho mà vội yêu cầu cho bé dùng kháng sinh. Kháng sinh không phải là thuốc trị ho.
Cần đưa bé đi đến cơ sở y tế khi: uống thuốc 3 ngày mà chưa giảm ho, bé ho kèm khò khè, có biểu hiện khó thở như cánh mũi phập phồng, viền môi tím...