Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 27/07/2007 23:46 (GMT+7)

Thuật ngữ có thể mang sắc thái khẩu ngữ không?

Trong bài “Mua bảo hiểm coi chừng bị lừa!” đăng trên báo “Tuổi trẻ” số ra ngày 21 – 3 – 2005, chúng ta nghe thấy tiếng kêu cứu của khách hàng các công ty bảo hiểm nhân thọ. Họ tức giận vì “nộp tiền vào công ti bảo hiểm (BH) nhân thọ năm, bảy triệu đồng, hai năm sau rút ra chỉ được 1/3 số tiền đã nộp. Nhiều chủ hợp đồng BH có cảm giác mình đã bị “lừa”. Bản hợp đồng BH nhân thọ dày đặc mấy chục trang chứa đầy thuật ngữ rất “khó gặm” đối với hầu hết người dân. Chỉ với thuật ngữ “giá trị hoàn lại”, mỗi doanh nghiệp áp dụng một kiểu, khách hàng không được tư vấn kĩ sẽ bị “mắc lừa” ngay. Các chủ hợp đồng BH dù có biết mình bị mắc lừa mà làm đơn thưa kiện cũng không ai biết đường nào giải quyết. Việc không hiểu là do lỗi khách hàng, “bản chất của thuật ngữ với tư cách của một khái niệm, hoàn toàn không trùng với từ thông thường của ngôn ngữ toàn dân”. Trong một hội nghị ngành gần đây, các doanh nghiệp đã phản đối ý kiến về việc thống nhất sử dụng thuật ngữ trong hợp đồng BH. Họ cho rằng, “phong cách viết hợp đồng cũng là một chiêu thức cạnh tranh của họ”. Cách hiểu như vậy đã đúng đắn chưa và tiếng kêu cứu của khách hàng của họ có chính đáng hay không? Vấn đề nêu ra ở đây không phải để chúng ta tìm cách giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa hai bên mà là để tìm hiểu tính khoa học của thuật ngữ, và thấy được, giữa tính khoa học và tính đại chúng cái nào quan trọng hơn.

Thuật ngữ chuyên môn dùng để viết các văn bản khoa học, cho nên khi nói thuật ngữ được hình thành từ từ thông thường, nhiều nhà khoa học còn chưa nhất trí, chứ đùng nói tới việc thuật ngữ nhiều chỗ có nguồn gốc là từ khẩu ngữ, mang đậm nét khẩu ngữ, mang màu sắc dân dã tầm thường với kiểu nói trại, nói lóng thì làm sao gọi tên chính xác một khái niệm khoa học trừu tượng được. Vậy, con đường này có xảy ra không?

Chúng ta có thể tìm thấy trong từ điển thuật ngữ kinh tế - tài chính – ngân hàng rất nhiều thuật ngữ liên quan đến “chợ” – “market” như “chợ đen” – “black market”. “Black” – “đen” ở đây không phải chỉ màu sắc mà nhằm ám chỉ cách làm ăn bất hợp pháp, một thị trường buôn bán không chính thức. Ở đây, một số người bán sẽ cố gắng chuyển hàng hoá ra khỏi thị trường “chính thức” để tạo một thị trường thứ cấp đối lập. Khi nói đến “chợ” hay “thị trường”, ta còn tìm thấy một thuật ngữ khác như “thị trường xám” – “gray market”, cũng nhằm ám chỉ một thị trường không chính thức về các cổ phiếu mới phát hành trước khi chúng được chính thức đăng ký và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra còn thấy có nhiều thuật ngữ khác mang phong cách khẩu ngữ khi nói đến nghĩa “chợ”, “thị trường” như “thị trường lèo tèo” – “norrow market”, “thị trường bị mắc kẹt, bế tắc” – “locked in”, “ thị trường ế ẩm, xế chiều, hàng thừa, khách thiếu” – “buyer’s market”.

Các thuật ngữ nói về giá cả thì có, “giá lướt” – “skimming price”. “Giá lướt” dùng trong trường hợp định giá tương đối cao của một sản phẩm nhằm bảo vệ lợi nhuận biên. Ngoài ra còn có một số thuật ngữ khác như “giá đáy, giá thấp nhất, giá sàn” – “flour price”; hay, trong khi thoả thuận giá cả, người ta hay dùng thuật ngữ “cưa đôi, năm mươi năm mươi hay mỗi bên chịu một nửa” – “fifty – fifty”. Dùng thuật ngữ “cưa đôi”, ta thấy việc trả giá có sự giằng co, kì kèo, bớt một thêm hai trong mua bán được mô tả rất rõ. Ta còn thấy rất nhiều thuật ngữ khác mang đậm nét khẩu ngữ như “giá cắt cổ” – “looded price”, “giá xô” – “flat price”, “chộp lấy giá mua” – “hit the bid”. Về giá thì các thuật ngữ như “bán nghéo tay” – “handsale”, “bán tuỳ hứng” – “impuise buyer”, “bán non” – “short – sale”, “bán tống, bán tháo” – “dumping”, “mua đứt, bán đoạn” – “buyout”, “giá bán theo mồm khách” – “deal involume”, “bán xon” – “sell off”.

Khi nói đến tiền, ta thấy có rất nhiều từ khẩu ngữ được dùng với tư cách là một thuật ngữ “kẹt tiền, kẹt vốn” – “no fund’s”, “tiền nhàn rỗi” – “idle money”, “tiền hoa hồng” – “commission”, “tiền đấm mõm, tiền lo lót” – “hush money”. Thuật ngữ “key money” được dùng trong trường hợp, một người mới được thuê nhà hay một căn hộ, trước khi dọn đến họ vòi vĩnh một số tiền không hợp pháp. “Key money” có nghĩa là “tiền trao chìa khoá” hay còn được hiểu là “tiền mở cửa”.

Thuật ngữ “Tiền nóng” – “hot money”, một từ lóng để chỉ vay mượn cấp kì. Trong ngôn ngữ đời thường, nói “vay nóng” là ta nghĩ ngay đến việc trả một loại lãi suất chóng mặt vì phải có tiền gấp để giải quyết sự vụ quan trọng nào đó. Thuật ngữ “Hot money” chỉ ra hành động đầu cơ có khả năng phá vỡ việc quản lí tỉ giá “một cách có trật tự” và phá vỡ thế cân bằng trong thanh toán.

Thông qua hình ảnh sữa, thức ăn dành cho trẻ sơ sinh, trong bầu sữa mẹ nhỏ từng giọt, khái niệm về việc cung cấo tài chính dè dặt, ít ỏi, cầm chừng được mô tả rất chính xác bằng thuật ngữa “Dripfeed” – “Tài trợ nhỏ giọt”. Khi kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ ngoài mong muốn, người ta dùng thuật ngữ “make a killing” – “trúng quả đậm, vớ bở”. Thí dụ:

She’s made a killing on the stock market.

(Dịch: Bà ta trúng quả trong thị trường mua bán chứng khoán).

Nếu ta thay một cụm từ khác tương đương về nghĩa với thuật ngữ “made a killing” như là cụm từ “made a profit” với nghĩa là “kiếm được lời” thì ta sẽ không cảm nhận được sự sung sướng của bà ta khi bất ngờ “trúng đậm”, “vớ bở” một khoản tiền khá lớn ngoài mong đợi.

Qua một số ví dụ trên ta thấy, từ thông thường của ngôn ngữ toàn dân hoàn toàn có khả năng diễn đạt trực tiếp một khái niệm khoa học tưởng chừng chỉ “dành riêng” cho các nhà chuyên môn, chứ không phải như nhiều nhiều người cho rằng, quần chúng “không thể hiểu nổi”. Những thuật ngữ mang sắc thái khẩu ngữ mặc dù diễn đạt rất mộc mạc, thông qua những hình tượng, sự việc diễn ra hàng ngày đập vào mắt mọi người, khiến cho quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng cũng không làm mất đi tính chính xác của hiện tượng khoa học đó, mà ngược lại, với vốn từ vựng trong sáng, quý báu và phong phú mà ông cha ta đã mất bao thời gian và công phu để sáng tạo, gom góp nên, đã làm cho thuật ngữ khoa học xa vời kia trở nên gần gũi với ngôn ngữ cuộc sống đời thường, khiến khoa học càng dễ dàng đi sâu vào quần chúng, phục vụ mọi tầng lớp nhân dân, gần gũi với đại đa số quần chúng.

Ta có thể tìm thấy một số thuật ngữ đồng nghĩa, ví dụ hai thuật ngữ “drop – dead fee” và “nest – egg fee”. Hai thuật ngữ đều được dịch với cùng một nghĩa là “tiền dự phòng”. Nếu chỉ dịch nghĩa đơn giản và ngắn gọn như vậy, chắc chắn người sử dụng sẽ khó lòng phân biệt sự khác nhau về nghĩa giữa chúng và sẽ đi đến chỗ sử dụng nhầm lẫn. Từ ghép “drop-dead” mang nghĩa chết ngột ngạt, chết bất đắc kì tử; còn từ ghép “nest-egg” dùng hình tượng trứng để trong tổ chimđể hiểu với nghĩa tiền bỏ ống, tiền cất dành, lúc lành dành lúc đau. Hai thuật ngữ trên đều chỉ khái niệm một số tiền được giữ lại nhưng mục đích của chúng không giống nhau. “Nest – egg fee” được hiểu là phần lợi nhuận được giữ lại, không đem chia hết cho cổ đông, dành chi cho những khoản bất thường hay đây là tiền tiết kiệm phòng khi bất trắc (“Profit retained” or “reserves”). Trong buôn bán làm ăn, yếu tố rủi ro luôn rình rập. Việc lập quỹ dự phòng trong kinh doanh là để phục hồi nhanh chóng công việc làm ăn khi gặp rủi ro. Cũng như doanh nghiệp, tất cả các nước đều có quỹ dự phòng quốc gia. Hình ảnh con chim cất trứng trong tổ thể hiện rất rõ và chính xác khái niệm thuật ngữ này. Thuật ngữ thứ hai “drop – dead” là tiền cất dành cho “chết bất đắc kỳ tử”. Ở ngoài dân gian, thuật ngữ này có thể hiểu là tiền dành cho hậu sự. Mua bảo hiểm nhân thọ cũng là một cách “drop – dead fee”. Cái “đắt” của hai thuật ngữ này là dùng cách diễn đạt rất đời thường nhưng đã phân biệt rõ hai khái niệm khoa học rất trừu tượng.

Ta biết rằng, khi kí một hợp đồng lớn, trong thư gửi đối tác, người ta hay dùng thành ngữ “in black and while” mang nghĩa “giấy trắng mực đen” để yêu cầu mọi điều khoản thoả thuận giữa hai bên phải được ghi rõ trên giất tờ một cách nghiêm chỉnh, có con dấu, chữ kí cẩn thận. Thí dụ:

Our sales contract must be signed in black and while, but not orally.

(Dịch: Bản hợp đồng mua bán của chúng tôi nhất thiết phải được kí kết trên văn bản một cách nghiêm chỉnhchứ không thể bằng miệng được).

Trong buôn bán, để khẳng định chất lượng hàng hoá của mình, các nhà cung cấp thường hay dùng thuật ngữ “on approval” với nghĩa khách hàng có thể mua hàng về dùng thử, nếu không vừa lòng có thể đem đổi hay trả lại người bán. Hiện nay trên bảng hiệu của các cửa hàng bán lẻ ngoài đường phố ta thường nhìn thấy dòng chữ “Cửa hàng bán cho đổi, cho trả”. Thuật ngữ này dịch nghĩa từ thành ngữ của tiếng Anh “on approval”.

Chúng ta cũng có thể hiểu nghĩa của thuật ngữ “vỡ nợ” thông qua hình ảnh của một con vịt què. Thành ngữ “a lame duck” được sử dụng trong thuật ngữ kế toán để chỉ việc làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán về mặt tài chính đi đến vỡ nợ. Vịt, ngan, thiên nga là những con vật quen thuộc thường thấy ở các cánh đồng các nước phương Tây. Vịt (duck) mà lại là vịt trời thì tha hồ bay lượn kiếm mồi. Nhưng nay chân bị què (lame) thì khả năng tự kiếm mồi rất khó khăn và nếu không có sự trợ giúp nào khác thì chỉ có nằm chờ chết. Hình ảnh “con vịt què” mô tả chính xác tình trạng gặp nguy khốn của một doanh nghiệp. Ta có thể tìm thấy một thuật ngữ khác mô tả tình trạng bế tắc của doanh nghiệp như “hammered” – “bị gõ búa” hay thuật ngữ “hammer” – “gõ búa”. Trong thị trường chứng khoán, khi tuyên bố vỡ nợ người ta thường hay gõ búa xuống bàn. Dần dần hình tượng gõ búa trở thành một từ quen thuộc và đi vào khái niệm “vỡ nợ” để cuối cùng đi vào danh sách các thuật ngữ kế toán. Khi người ta nói là doanh nghiệp tôi “hammered” hay “hammer” là ta hiểu ngay rằng doanh nghiệp của họ đang gặp khó khăn, mất khả năng kiểm soát, họ đang “bị gõ búa”, tức phải “tuyên bố vỡ nợ”.

Thành ngữ là lời ăn tiếng nói hàng ngày của người lao động tưởng chừng khó lòng diễn tả chính xác khái niệm về sự vật và hiện tượng ấy. Tính hình tượng trong thành ngữ mang tính cụ thể có thể cảm giác được, có thể tri giác được. Do đó, thành ngữ có thể gợi ra sự nhận biết chính xác và dễ dàng về khái niệm thuật ngữ. Không những thế, nó còn làm cho khái niệm thuật ngữ trở nên dễ hiểu, dễ nhớ và gần gũi hơn với mọi người.

Qua những điều trình bày trên, ta thấy không nên tách bạch các điều kiện hình thành một thuật ngữ. Có nghĩa là, việc phải đưa lên đầu hay để xuống cuối tính khoa học, tính dân tộc hay tính đại chúng không còn là điều phải bàn cãi nữa, bởi bản thân chúng đã có một sự ràng buộc nhằm gọi tên chính xác một hiện tượng khoa học.

Nhiệm vụ đặt ra cho các nhà khoa học là phải biết tìm tòi những từ thông thường có sẵn trong ngôn ngữ toàn dân dể đặt thuật ngữ. Từ thông thường như chúng ta đã thấy, với tư cách là một thuật ngữ hoàn toàn không khô khan mà còn mang tính gợi cảm. Rất nhiều thuật ngữ nghe rất “dân giã”, tưởng chừng đây là thứ ngôn ngữ chỉ sử dụng cho người lao động ở tầng lớp dưới, nhưng lại rất “đắt” khi nó được đặt ở vị trí của một thuật ngữ khoa học. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là nâng cao trình độ của quần chúng, phổ biến khoa học cho quần chúng. Điều này đòi hỏi các nhà chuyên môn phải chú ý đến tiếng nói của quần chúng, khai thác vốn từ vựng qúy báu của nhân dân, thông qua nó khám phá tính khách quan nằm sẵn trong thuật ngữ khoa học tưởng chừng như xa vời kia.

Quay lại với vụ việc hợp đồng BH nhân thọ, việc sử dụng các thuật ngữ “khó gặm” của các công ti BH nhân thọ dẫn đến khiếu nại của khách hàng là điều không thể tránh khỏi. Ông Phùng Đắc Lộc, tổng thư kí Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đã nêu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thống nhất bảng thuật ngữ BH nhân thọ để tiến tới thống nhất sử dụng chung. Và ông nhấn mạnh: “Đề nghị các doanh nghiệp BH nhân thọ cùng thực hiện hợp đồng mẫu do hiệp hội phát hành theo hướng đại đa số người dân đều hiểu được”.

Hãy lắng nghe lời nhắc nhở của Bác: “Nhiều người tưởng mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc thì quần chúng hiểu sao được” (Hồ Chí Minh tuyển tập, T1).

Tài liệu tham khảo

  1. Michael R. Sneyd – Accounting, Professional reading Skills Series.
  2. Belverd E. Neddles Jr, Hennry R. Anderson, James Caldwell – Principles of Accounting.
  3. John Lyons – Introduction To Theoretical Linguistics, Cambridge University Press.
  4. Đỗ Hữu Vinh - Từ điển thuật ngữ quốc tế Anh - Việt, Nhà xuất bản Thanh niên.

(Nhận thức của tác giả về thuật ngữ khoa học có một số điểm khác với quan điểm vốn đã được chấp nhận rộng rãi từ lâu của các chuyên gia về thuật ngữ khoa học. “NN&ĐS” cho đăng để các nhà chuyên môn cùng tham luận (người biên tập).

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.
Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.