Thủ phạm “chim sệ cánh” hàng loạt: Tiêm sai + bệnh thành tích = teo cơ delta
Những mũi tiêm tội đồ?
“Theo tôi, nguyên nhân nằm ở ba vấn đề: kỹ thuật tiêm, chất tiêm và việc không phát hiện kịp thời tai biến. Trong đó, khả năng do kỹ thuật tiêm là rất cao”. GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên- Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng, Trưởng khoa PHCN- Bệnh viện Bạch Mai, nói về nguyên nhân gây bệnh teo cơ delta. Thực ra, quan điểm của GS Nghiên cũng trùng với ý kiến của GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch hội Thấp khớp học Việt Nam (đăng trên KH&ĐS số 40, ra ngày 19/5/2006). GS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đơn vị chủ trì đề tài cấp bộ về căn bệnh này, cũng phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây với quan điểm tương tự. Nhiều giáo sư, bác sĩ, khác đồng quan điểm như vậy.
Căn bệnh teo cơ delta đã được phát hiện từ những thập niên đầu của thế kỷ trước. Và đại bộ phận người bị teo cơ delta là do tiêm, đặc biệt là tiêm bắp. ở Việt Nam, tiêm là động tác hết sức phổ biến, được thực hiện ngay tại y tế cơ sở, bởi cả y sĩ, y tá lẫn bác sĩ. Khi muốn đưa một lượng kháng sinh, văcxin hay một số chế phẩm sinh học như cortisol..., người ta tiêm bắp. Nếu bị tiêm vào cơ, trẻ đau, rất đau và không dám cử động tay. Về mặt lý thuyết, tất cả các cơ được máu nuôi dưỡng, nối với nhau bằng gân. Gân tồn tại và phát huy khả năng của mình là do cơ cử động. Nếu cơ không cử động thì gân không được nuôi dưỡng, do đó khớp bị cứng dần. Chỉ cần 3-4 tuần không cử động là cơ bị xơ hóa và cơ delta không phải là ngoại lệ.
Hậu quả của căn bệnh thành tích?
Vậy tại sao không có một kết luận chính thức và sớm sủa từ ngành y tế, công khai thừa nhận thực tế này mà lại phải tốn tiền, tốn công cho những đề tài nghiên cứu tốn kém và kéo dài lê thê? Phải chăng vì nếu thừa nhận thực tế này thì người ta buộc phải trả lời câu hỏi: Tại sao một kỹ thuật đơn giản như vậy lại bị làm sai? Việc đào tạo các cán bộ y tế cơ sở đã được tiến hành như thế nào? Trách nhiệm của những vị lãnh đạo y tế trong vụ việc này ra sao? Và phải chăng đó là vì người ta không muốn thừa nhận, và không thể thừa nhận nguyên nhân sâu xa của hiện tượng đau lòng này chính là căn bệnh thành tích?
“Xóa bản trắng, xã trắng về y tế” vốn là một chủ trương ưu việt và đầy tính nhân văn. Tuy nhiên, nó lại đặt trên vai ngành y tế một gánh nặng: bằng mọi giá phải đạt được, càng sớm càng tốt. Có thành tích tuyệt đối về mặt số lượng, ổn về mặt thời gian, người ta sẽ khó bề lo lắng cho chất lượng. “Vấn đề không phải là bao nhiêu bác sĩ mà bác sĩ như thế nào. Hiện nay, chúng ta đang đào tạo để đạt số lượng mà không trang bị cho người ta những kỹ thuật cơ bản và quan trọng” – GS Nghiên khẳng định. “Xây dựng ngành y tế cơ sở là một chiến lược quốc gia, nhưng không phải thực hiện bằng mọi giá. Cần phải có một quy trình quy củ và một biện pháp chặt chẽ”.
Theo GS Nghiên, muốn tìm chính xác nguyên nhân, chỉ cần hỏi xem trước đó, những bệnh nhân teo cơ delta đã lần nào tiêm thuốc hay chưa. Cần phải tìm xem ở những địa phương đó, ai chịu trách nhiệm tiêm cho dân, và trình độ của họ như thế nào. Nếu xác định được điều đó, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi: Phải chăng lãnh đạo y tế đã nhận người không có trình độ để “chăm sóc sức khỏe nhân dân”?
Đó cũng là câu hỏi mà dư luận hiện đang đặt ra cho ngành y tế.
Châm cứu cũng có thể là một giải pháp
BS Lê Ngọc Tùng- Phó khoa Đông y, Bệnh viện Thanh Nhàn- Hà Nội:
Tôi khẳng định, châm cứu, thuỷ châm không gây teo cơ delta. Thuỷ châm là châm vào huyệt nhưng ở vị trí cơ dày như lưng, chân... Người ta không thuỷ châm vào tay bởi ở bắp tay có đám rối thần kinh ở cơ delta mà nếu chọc phải có thể gây liệt, rủ cánh tay ngay sau đó 1-2 ngày. Tôi đã gặp và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị rủ cánh tay do tiêm sai kỹ thuật, và châm cứu có thể giúp phục hồi chức năng của dây thần kinh này sau khoảng 1 tháng điều trị.
Tôi chưa thể khẳng định châm cứu liệu có phục hồi được cơ bị teo hay không vì muốn chắc chắn thì phải nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu đó là tình trạng xơ hoá do thần kinh thì có thể làm được. Với những trường hợp sau mổ, hiệu quả điều trị bằng châm cứu sẽ cao và nhanh hơn. Trong Đông y, điều này không khó thực hiện, nhưng thời gian điều trị kéo dài và phụ thuộc vào mức độ tổn thương của dây thần kinh. Nếu dây thần kinh bị chết hẳn rồi thì không thể phục hồi được. Được biết, chúng ta mới phát hiện tình trạng “chim sệ cánh” ở hàng ngàn trẻ em, nhưng thực chất nó đã xuất hiện từ lâu, vì vậy rất có thể, dây thần kinh đã chết hẳn rồi.
Theo quy định, khi tiêm bắp chỉ được chọc kim tiêm vào khu vực cơ cao nhất của búi cơ delta. Vì vậy, người ta thường yêu cầu bệnh nhân chống tay khi tiêm. Nếu bệnh nhân không làm động tác này thì có thể mũi tiêm sẽ chọc phải dây thần kinh nằm ở đường viền của búi cơ. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra với những cán bộ y tế trình độ kém hay do sơ ý trong thao tác.
Nguồn: KH&ĐS Số 44 Thứ Sáu 2/6/2006