Thoát nghèo nhờ gia nhập Hội
Những năm đầu xây dựng gia đình (1978), vợ chồng anh Nguyệt phải ăn nhờ ở đậu, làm mướn, khai hoang, tiết kiệm chi tiêu để đầu tư sản xuất theo phương pháp lấy ngắn nuôi dài. Thời gian ấy đất hoang hoá còn nhiều, vợ chồng anh khai vỡ được hơn 5ha đất rẫy và đất ruộng một vụ. Do chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác, đầu tư chưa đúng mức nên hiệu quả kinh tế thấp, nhiều khi lỗ vốn. Khi Hội Làm vườn xã được thành lập, anh gia nhập Hội để được hướng dẫn cách làm ăn, giúp tháo gỡ khó khăn.
Sau khi vào Hội anh thường xuyên được dự các lớp tập huấn, hướng dẫn phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Anh Nguyệt kể: "Có những việc rất đơn giản, dễ làm nhưng không có người hướng dẫn mình cũng không nhận ra. Ví dụ như mô hình VAC, lúc đầu chả hiểu gì cả, khi được tập huấn mình thấy dễ làm quá, về bàn với vợ và làm ngay". Hiện gia đình anh đã xây dựng được mô hình VAC khép kín. Với 5 con heo nái, mỗi năm xuất chuồng hai lứa heo con; xây hầm biôga xử lý chất thải từ heo để có chất đốt, vệ sinh môi trường sạch sẽ; hơn 100 m 2 ao thả cá. Thu hoạch mùa xong anh để lại những sản phẩm kém chất lượng như ngô lép, lúa lửng, mì, các loại đậu... và mua những nông sản cùng loại về chế biến thức ăn cho heo, do đó giảm được giá thành chăn nuôi. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi đã giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định, vào loại khá trong ấp.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Nguyệt còn là một cán bộ Hội hăng hái, tích cực. Anh được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Làm vườn ấp Phước Bình I với 286 hội viên và 11 tổ hội. Hàng tháng các tổ hội sinh hoạt định kỳ, nhằm giúp nhau vượt qua nghèo đói, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nguồn: agroviet.gov.vn 13/9/2005