Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 12/11/2010 19:03 (GMT+7)

Thiên tai và các biện pháp phòng tránh

Thiên tai liên quan đến nước và không khí (sau đây gọi tắt là thiên tai) thường xảy ra là bão, hạn hán, không khí lạnh và rét, lũ , lụt . . .

Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)

Các trận bão đổ bộ vào Việt Nam một phần phát sinh từ tây Thái Bình Dương và một phần phát sinh ở ngay trên biển Đông. Tuy nhiên, không phải tất cả các trận bão và ATNĐ hình thành ở khu vực này đều đổ bộ vào nước ta, mà có một số trận lại di chuyển lên phía bắc hoặc yếu đi và tan ngay ở ngoài biển.

Ở biển Đông, trung bình hàng năm có khoảng 10 cơn bão và ATNĐ hoạt động, chiếm gần một nửa số bão và ATNĐ hoạt động ở tây Thái Bình Dương. Năm có nhiều bão nhất là 18 cơn và năm ít nhất là 3 cơn. Trong số các cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông, hàng năm có từ 4-5 cơn và ATNĐ hình thành ở ngay biển Đông.

Theo số liệu thống kê từ 1956 - 1995 có trên 262 trận bão, ATNĐ đổ bộ vào Việt Nam . Năm nhiều nhất là 12 trận (1978, 1989) và năm 1976 không có trận nào. Trung bình mỗi năm, nước ta chịu ảnh hướng trực tiếp 6,55 trận bão hoặc ATNĐ.

Mùa bão ở nước ta thường từ tháng 6 đến tháng 11, trong đó tập trung vào các tháng 8, 9, 10, 11. Dọc theo bờ biển, càng đi về phía Nam , thời gian xuất hiện bão càng muộn dần về cuối năm. Nhìn chung, khu vực từ Ouảng Ninh đến Hải Phòng, từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh và từ Quảng Bình đến Thừa thiên - Huế là những nơi có tần suất ảnh hướng bão cao. Khu vực từ Thái Bình đến Ninh Bình và từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Nam Bộ có tần suất ảnh hưởng bão thấp nhất.

Bão là một dạng thiên tai cực kỳ nguy hiểm, thường gây ra gió mạnh, có khi đạt đến cấp 12 hoặc trên cấp 12, kèm theo gió giật, mưa lớn kéo dài trên diện rộng và nước dâng ở vùng ven biển, làm thiệt hại lớn về người và tài sản trong vùng bão đi qua.

Hạn hán

Hạn hán có thể xảy ra ở các vùng khác nhau trong cả nước vào những thời gian khác nhau. Ở Bắc Bộ: Thường xảy ra trong mùa đông, từ tháng 10, 11 , kéo dài đến tháng 1, 2, thậm chí đến tháng 3, 4 do lượng mưa rất nhỏ hoặc không có mưa. Khô hạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lúa đông xuân.

ở Nam Bộ và Tây Nguyên thường xảy ra nắng nóng, khô hạn trong giai đoạn cuối mùa đông, làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển không những của lúa màu mà còn của cây công nghiệp như cà phê, tiêu…

Ở duyên hải Trung Bộ: Thường xuất hiện nắng nóng khô hạn kéo dài vào giữa mùa hè, làm thiếu hụt nước gieo cấy vụ mùa. Trong những năm không xuất hiện mưa tiểu mãn, lúa đông xuân đang trổ cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Do thiếu nước, lúa hè thu sẽ phải gieo trồng muộn và do đó lại trổ đúng vào lúc mùa mưa lũ thực sự bắt đầu, có nguy cơ bị úng ngập.

Rét đậm, rét hại, sương giá, sương muối

Các loại hình này thường diễn ra trong mùa đông (giai đoạn từ tháng 12 - 2), chủ yếu ở khu vực phía bắc. Do rét, hiện nay lúa chiêm hầu như được thay thế hoàn toàn bằng lúa xuân. Tuy vậy, có năm vẫn xuất hiện những đợt rét đậm vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 làm chết mạ non hàng loạt.

Cuối tháng 12 - 2002, xuất hiện một đợt không khí lạnh, được tăng cường liên tục vào ngày 3 và 5 - 1 - 2003, gây ra đợt rét đậm, rét hại kéo dài đến 20 ngày ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng và trung du là 6,5 - 7,0 oC. Ở Sapa, nhiệt độ thấp nhất trung bình ngày là 4,2 0c. Ngày 7 - 1, nhiệt độ thấp nhất xuống đến 0 oC, tuyết rơi với độ dày trung bình khi kết thúc là 3 m. Trên núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng có tuyết rơi.

Lũ lụt và lũ quét

Ở Bắc Bộ, trong thời gian mùa hè, từ tháng 5 (hoặc 6) đến tháng 9 (hoặc 10), do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, đặc biệt những trận mưa do bão hoặc dải hội tụ nhiệt đới đã gây ra những trận lũ lớn, có nơi xuất hiện lũ quét, gây tổn thất nặng về người và tài sản. Trận lũ quét xảy ra trong đêm 18 rạng ngày 19 - 7 - 2004 tại 2 xã Du Già và Du Tiến thuộc huyện Yên Minh - Hà Giang đã phá huỷ, làm tắc nghẽn 15 km đường giao thông, cuốn trôi 17 căn nhà, sập 9 căn, làm thiệt hại nặng 290 ha ngô và 80 ha lúa làm mất trắng 19 tấn lúa 10,5 tấn ngô, 68 con bò và 46 con trâu bị lũ cuốn trôi, phá huỷ 1 trường học, 48 người chết do lũ cuốn trôi và đất đá vùi lấp.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông đưa về, gây ngập lụt trên diện rộng suốt từ tháng 8 đến hết tháng 11. Năm 2000, xuất hiện lũ đặc biệt lớn, kéo dài. Mực nước cao nhất tại Tân Châu là 5,06 m, chỉ thấp hơn lũ năm 1961 và 1966.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thời gian mùa mưa - lũ thay đổi tuỳ từng nơi trong phạm vi từ tháng 8 - 12. Tại đây, đã xuất hiện 2 trận lũ lịch sử vào đầu tháng 11 và 12 - 1999. Tại Huế lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ đạt đến 1385 mm và lượng mưa ngày lớn nhất đạt 977,6 mm. Hai trận lũ này đã gây ra những thiệt hại hết sức to lớn cho các tỉnh ven biển miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng. Theo thống kê, số người chết và mất tích khoảng 700 người, hàng trăm người bị thương, 48967 ngôi nhà bị cuốn trôi hoặc sập, 911.700 phòng học bị phá huỷ, 50.506 tàu thuyền bị đắm, 28.799 ha lúa bị ngập, nhiều công trình thuỷ lợi và cầu cống bị phá huỷ. Tổng thiệt hại lên đến 4000 tỷ đồng.

Thiên tai trong năm 2006

Không khí lạnh và rét

Trong những tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có từ 2 - 3 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến thời tiết nước ta, trong đó xuất hiện một số đợt rét đậm, rét hại, đáng chú ý là các đợt:

Từ ngày 6 đến 10 tháng 1 và từ ngày 21 đến 25 tháng 1: Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ rải rác, nhiệt độ thấp nhất ở Sơn La xuống tới 6 oC, Yên 8ái 8,8 oC Lạng Sơn 4 oC Hà Nội 11 0C, Vinh 10,5 0C Và sa Pa là 0,9 oC.

Từ ngày 18 đến 19 tháng 2 ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa, nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 15oC. Nhiệt độ thấp nhất ở Lạng Sơn là 8,8 0C, Hà Nội 12,4 oC, Thanh Hoá 14,0 oC.

Từ ngày 13 đến 14 tháng 3: Nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dao động trong phạm vi 10 - 16 oC. Nhiệt độ thấp nhất tại Sa Pa là 3 oC, Cao Bằng 7 oC , Hà Nội 12,1 oC và Đồng Hới 12 oC .

Nắng nóng và khô hạn

Từ tháng 4 đến tháng 9 có 9 đợt nắng nóng trên diện rộng. Điển hình là đợt nắng nóng từ ngày 10 đến 13 tháng 4 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 39 oC, một số nơi trên 40 oC như Phù Yên (Sơn La) 40,3 oC, Hoà Bình 40,5 oC, Hồi Xuân (Thanh Hoá) 40,7 oC, Hương Khê (Hà Tnh) 40,8 oC, Quãng Ngãi 39,3 oC .

Mùa khô 2005 - 2006, do mưa ít, kết thúc sớm, lượng dòng chảy trên các sông suối cũng như lượng nước đến các hồ chứa ở Bắc Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15 - 30%, mực nước ở hạ lưu sông Hồng xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 100 năm gần đây (mực nước thấp nhất tại Hà Nội là 1,36m, ngày 20 - 2), làm cho hàng trăm nghìn ha lúa ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ có nguy cơ bị thiếu nước sản xuất. Trước tình hình đó, từ ngày 18 tháng 1, phải tiến hành xả nước ở hồ Hoà Bình, Thác Bà với lưu lượng xả tới 1000m3/s để cải thiện tình hình nước ở hạ lưu.

Bão và áp thấp nhiệt đới

Trong năm có 10 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông. Các cơn bão số 2, 3, 4, 7, 8 và 10 không ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Bão số 1 (Chan Chu), mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực trên đất liền nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho ngư dân đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi tại khu vực Bắc Biển Đông. Bão số 5 đi vào địa phận Hà Tĩnh - Quãng Bình (ngày 25 tháng 9). Đặc biệt cơn bão số 6 (Xangsane), khi đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng (sáng 1 tháng 10) với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, 14; các tỉnh ven biển từ Hà tĩnh đến Quãng Trị có gió mạnh cấp 7,8, giật trên cấp 9; từ Quảng Trị đến Quãng Ngãi gió mạnh cấp 9, 10, giật cấp 12, 13, gây thiệt hại lớn về tài sản và người cho các tỉnh. Nhiều tuyến đường từ đồng bằng ven biển đi lên miền núi bị ách tắc do sạt lở núi. Tổng thiệt hại ước tính gần 5000 tỷ đồng, trong đó nặng nhất tại Đà Nẵng, hơn 3000 tỷ đồng.

Cơn bão Durian vào đầu tháng 12 với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đến cấp 12, 13, sau khi đi qua đảo Phú Quý, đổ bộ vào các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và ảnh hưởng trực tiếp đến một số tỉnh miền đông Nam Bộ làm nhiều người chết và mất tích, hàng trăm tàu thuyền bị chìm hoặc hư hỏng nặng.

Dông, lốc, mưa đá

Từ tháng 4 đến những ngày đầu tháng 5 đã xuất hiện dông mạnh kèm theo mưa đá và lốc ở nhiều địa phương. Điển hình là trận lốc xoáy vào ngày 7 - 5 trên địa bàn huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) làm 7 người bị thương, 14 nhà sập, 1423 ngôi nhà hư hỏng.

Trong ba ngày, từ 19 - 21, những trận dông, lốc, kèm theo gió mạnh và mưa đá xuất hiện ở nhiều tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Quảng Ninh. Đây là đợt mưa dông kèm theo mưa đá lớn nhất từ trước tới nay xảy ra ở Bắc Bộ, những hạt mưa đá có đường kính trung bình 1 - 2 cm, lớn nhất 5 - 6 cm, thời gian mưa đá kéo dài chừng 10 - 20 phút. Những trận mưa dông kèm theo mưa đá này làm sập nhiều nhà, thiệt hại hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu, gây đổ nhiều cây gỗ quý (ở Phú Thọ). Đặc biệt, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), dông, lốc đã làm 17 người chết và mất tích, nhiều tàu thuyền bị chìm, làm gãy cẩu giàn và cầu cảng Cái Lân.

Mưa lớn, lũ và lũ quét

Mưa lớn trong đêm và rạng sáng 17 tháng 7 trên lưu vực sông Cầu gây lũ lớn trên sông Cầu, làm ngập gần hết thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, chợ Đồn và thị xã Bắc Cạn. Đây là một trong 4 trận lũ lớn nhất tràn vào thị xã Bắc Cạn từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây.

Từ chiều 6 đến 8 tháng 8, mưa diện rộng ở các tỉnh miền núi phá bắc, đặc biệt lớn ở vùng đông bắc. Lượng mưa đo được tại Yên Bái là 181 mm; Móng Cái 172 mm... Tại Cao Bằng, mực nước sông Bằng lên trên báo động 3 khoảng 1m, làm ngập khoảng 600 ngôi nhà ở thị xã và huyện Hoà An cùng với hơn 1500 ha lúa và hoa màu khác. Tại Quảng Ninh mưa làm sạt lở và đổ 400 m kênh kiên cố tại huyện Hải Hà và xã Hải Đông, hơn 300 ha lúa bị ngập, hàng chục ngôi nhà bị phá huỷ, nhiều đầm nuôi thuỷ sản bị vỡ, sạt lở gây tắc đường từ Hải Hà đi cửa khẩu Hoành Mô, từ Tên Yên đi Bình Liêu, Ba Chẽ. Tại Yên Bái, hơn 150 ngôi nhà ở thành phố bị ngập, 135 ha lúa mất trắng, quốc lộ 32, 36 bị sạt lở nặng. Tại Lào Cai, mưa lũ làm sạt lở hơn 1000 m3 đất đá trên đường Lào Cai đi Sa Pa, làm tắc hoàn toàn tuyến đường này. Tuyến Bắc Hà - Si Ma Cai sạt lở khoảng 1200 m3. Tuyến Hoàng Liên Sơn từ Ô Quý Hồ đến Bát Xát cũng bị sạt lở trên 2000 m3.

Đợt mưa lớn trong ngày 14 và 15 tháng 8 ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên (lượng mưa tại Hương Sơn 325mm; Hương Khê 188mm) đã làm 14 người chết và mất tích, 6930 ngôi nhà và 50 trường học ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông bị ngập trong lũ, 35200 ha lúa, hơn 6850 ha hoa màu, khoảng 1650 ha nuôi tôm cá cũng bị ngập. Hệ thống đê cát bị sạt khoảng 15600m 3, hệ thống bờ bao nội đồng bị vỡ 250.000m 3(chủ yếu tại Quảng Bình), hơn 6km bờ bao bị tràn. Tổng thiệt hại ước tính 125 tỷ đồng.

Trận mưa ngày 17 tháng 8 tại Hà Nội với lượng mưa trên 100mm, kéo dài trong nhiều giờ, làm ngập nhiều tuyến phố từ 30 - 50 cm (Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn - ga Hà Nội, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến, Trương Định, Thái Hà…).

Quản lý thiên tai - Một trong những cơ sở bảo đảm sự phát triển bền vững

Một số đặc điểm của thiên tai

Từ việc phân tích một số thiên tai liên quan đến nước và không khí về sự hình thành và diễn biến của chúng, có thể rút ra một số đặc điểm chính sau:

Hàng năm, nước ta có nguy cơ chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai ở các mức độ khác nhau về quy mô và mức độ ác liệt. Có thiên tai chỉ xảy ra trên một phạm vi không gian hẹp, trong thời gian ngắn (từ một vài phút đến một vài giờ) như dông, lốc, lũ quét, lũ cát hoặc mưa lớn trên quy mô hẹp (một hoặc một vài huyện). Nhưng cũng có thiên tai xuất hiện trên phạm vi rộng lớn, bao gồm nhiều tỉnh, kéo dài từ một vài ngày đến hàng tháng, như bão, lụt, khô hạn. Ngập lụt xảy ra hàng năm ở đồng bằng sông Cửu Long, kéo dài từ 3 -4 tháng là một điển hình về thời gian tác động dài của thiên tai.

Khi thiên tai xuất hiện sẽ gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, không hẳn thiên tai trong mọi trường hợp đều gây ra tổn thất. Trong những điều kiện nhất định nào đó, đôi khi thiên tai lại có những tác động tích cực. Chẳng hạn, bão thường kèm theo mưa lớn. Nếu bão xuất hiện trong thời kỳ khô hạn thì về mặt chống hạn, lượng mưa do bão mang đến lại có giá trị nhiều mặt.

Thời gian xuất hiện các loại thiên tai trên lãnh thổ nước ta về cơ bản là có quy luật, nhưng với độ ổn định không cao. Nói khác đi, có sự biến động khá lớn về thời gian xuất hiện trong năm của các loại thiên tai, tạo nên những "dị thường". Trận bão lớn cuối năm 1977 (bão LINDA) đổ bộ vào Nam Bộ có thể xem là một dị thường, đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân ở vùng này. Trên sông Đà, có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện lũ vào đầu tháng 1 - 2003. Lưu lượng nước đến lúc 1 giờ ngày 7 tháng 1 là 52000 m 3/s, vượt ngưỡng mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 90%. Mực nước hồ Hòa Bình đạt đến 116,88 m, vì vậy phải tiến hành mở hai cửa xả đáy vào ngày 6 và 7 tháng 1 với lưu lượng xả là 5400 m 3/s. Cho đến ngày 9 tháng 1, mực nước hồ Hòa Bình ở mức 116,60 m.

Trong các ngày 11 và 12 tháng 10, trên sông Đà, sông Thao đã xảy ra một đợt lũ vừa nhưng hiếm thấy trong 100 năm qua. Trên sông Đà, mực nước cao nhất là 119,22 m (ngày 12 tháng 10), lưu lượng lớn nhất vào hồ Hòa Bình là 9200 m 3/s, đứng ở vị trí thứ 2 trong chuỗi số liệu tháng 10 trong 100 năm qua. Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải mở 4 cửa xả đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 9130 m 3/s. Trên sông Thao, mực nước lớn nhất tại Lào Cai đạt 82,10 m, trên mức báo động hai là 0,10 m, nhưng là giá trị lớn nhất vào tháng 10 trong 100 năm qua.

Trong 2 ngày 9 và 10 tháng 11 năm 1984 đã xuất hiện trận mưa đặc biệt lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ riêng 2 ngày, lượng mưa đo được tại Láng là 561 mm, vì vậy, lượng mưa trong tháng 11 - 1984 lên đến 611 mm, vượt xa lượng mưa trung bình tháng 11 nhiều năm (khoảng 47mm). Trận mưa đã gây ngập úng 7,5 vạn ha ở Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và Hưng Yên. Riêng thành phố Hà Nội, nhiều nơi bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, kéo dài 7 - 8 ngày.

Quản lý và phòng tránh thiên tai

Không thể loại trừ được thiên tai. Tuy nhiên, bằng các biện pháp thích hợp, con người có thể hạn chế hoặc giảm nhẹ đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra. Có 2 loại biện pháp chủ yếu là biện pháp công trình và phi công trình.

Tiến hành thường xuyên việc nghiên cứu thiên tai nhằm nâng cao hiểu biết về bản chất của các thiên tai (nguyên nhân hình thành, khả năng và điều kiện xuất hiện…), trên cơ sở số liệu thu được của một hệ thống quan trắc đủ dày, được trang bị những thiết bị quan trắc hiện đại, thích hợp, cho phép phát hiện sớm sự hình thành và xuất hiện của thiên tai. Từ đó nghiên cứu các biện pháp phòng tránh phù hợp.

Theo dõi, dự báo sự xuất hiện cũng như quá trình diễn biến của các thiên tai, làm căn cứ cho việc lựa chọn và thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thiệt hại. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, người ta có thể phát hiện sớm và theo dõi khá sát diễn biến của một số thiên tai. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, do tình hình biến động phức tạp của thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được như mong muốn cả về mặt độ lớn cũng như thời gian và quy mô xuất hiện của chúng với độ dài thời gian dự kiến khác nhau, đặc biệt đối với những thiên tai có phạm vi ảnh hưởng không lớn nhưng diên ra bất nhanh như tố, lốc, lũ quét . . .

Mặt khác, phải tăng cường năng lực của hệ thống thông tin liên lạc, bảo đảm cung cấp kịp thời những kết quả dự báo đến khu vực có nguy cơ ảnh hưởng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát huy hiệu quả của công tác triển khai các biện pháp phòng tránh.

Tăng cường nhận thức cộng đồng về thiên tai (thời gian chúng thường xuất hiện trong năm, đặc điểm nhận dạng...) để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương (thôn, xã...) chủ động tiến hành các biện pháp phòng tránh và tự bảo vệ phù hợp.

Xuất phát từ đặc điểm của thiên tai ở mỗi vùng để tìm những giải pháp thích hợp. Chiến lược "chung sống với lũ" ở đồng bằng sông Cửu Long là một biện pháp thích ứng hiệu quả, vừa bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao trong toàn vùng, vừa bảo đảm sự bền vững của hệ sinh thái tự nhiên và sự ổn định của môi trường.

Chủ động tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nhằm nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất và các cơ sở hạ tầng.

Tiến hành điều tra, khảo sát nhằm đánh giá đầy đủ tiềm năng cũng như những hạn chế của tài nguyên thiên nhiên, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch phát triền sản xuất và xây dựng khu dân cư, phù hợp với tiềm năng thiên nhiên cùng đồng thời bảo đảm né tránh được những bất lợi do nó gây ra. Một nguyên tắc cần được tôn trọng là không bao giờ khai thác đến ngưỡng giới hạn của tài nguyên . Đó chính là cơ sở của sự phát triển bền vững.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.