“Thầy địa lý” diệt tia đất
Chong chóng dò “tia đất”
KS Vũ Văn Bằng đến với nghề khám phá sự nguy hiểm từ tia đất (một dạng trường bức xạ từ dưới mặt đất) từ ngày ông đang học bên Ba Lan, năm 1990. “Cái cách Công ty Phong thủy Almaro dùng thạch anh xử lý các tia đất có hại (phương Tây gọi là trường năng lượng xấu) lúc bấy giờ đã thôi thúc tôi lao vào tìm hiểu những ảnh hưởng của cái gọi là tia đất đối với sức khỏe con người” - kỹ sư Vũ Bằng nhớ lại.
Gần một năm trời đọc tài liệu nói về phong thủy, ông “ngộ” ra rằng tia đất bao gồm cả những tia phát ra từ vỏ cứng của trái đất và lan tỏa trên mặt đất dưới dạng sóng và trường. Xác định được bản chất của hiện tượng, ông bắt tay vào chế tạo máy dò tia đất. Tìm hiểu qua sách vở, ông được biết các nhà khoa học trên thế giới đã từng thiết kế một số thiết bị xác định tia đất đơn giản như bộ đôi đũa hợp kim, con lắc và ăng ten vạn năng. Mất gần 3 năm tự mày mò chế tạo ngay trong xưởng gia đình, chiếc máy dò tia đất mới đã ra đời trong sự dò xét của người thân và bạn bè.
Kỹ sư Vũ Bằng đã thử nghiệm thiết bị này ngay tại nhà mình. Ông cầm máy đi vòng quanh nhà. Bất chợt chong chóng la bàn trên máy đo của ông quay tít khi đi vào gần chân cầu thang. “Nơi này có tia đất hoạt động mạnh không nên để giường ngủ ở đây sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” – Ông Bằng tuyên bố. Nhưng mọi người trong gia đình vẫn không tin. Để kiểm chứng ông đi mua một đôi chim khỏe mạnh về nuôi ở chân cầu thang. Ba tháng sau, cả hai con chim đều chết.
Từ thử nghiệm thành công này, ông đã mở công ty xử lý tia đất tại Ba Lan. Công việc làm ăn đang thành công, năm 2001, ông quyết định về nước lập Công ty cổ phần xây dựng – môi trường – thương mại – phong thủy. Lúc này, máy dò tia đất đã được cải tiến đến phiên bản thứ tư với tên gọi “ăngten vạn năng”.
Chính kỹ sư Vũ Bằng đã vác máy đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đo từ trường vì không tin vào lý do tai nạn do xe không đảm bảo kỹ thuật hay do lái xe không làm chủ tốc độ. Kết quả “tia đất” ở đoạn xảy ra nhiều tai nạn (từ Km 188 đến 195) rất mạnh, hơn những chỗ khác cùng trên đoạn đường. Ông cũng đã lập ra một đề án xử lý hiện tượng này nhưng không được các cơ quan chức năng để ý đến.
Chống tia đất bằng than hoạt tính
Vừa về đến quê cha đất tổ, kỹ sư Vũ Bằng đã đi tìm thạch anh trên thị trường và các vùng núi cao đều không có. Khó khăn này buộc ông phải nghĩ đến một chất mới thay thế. May mắn trong một lần công tác ở Hòa Bình, ông được đến thăm xưởng sản xuất than hoạt tính của gia đình ông Nguyễn Thanh Hải. “Trên đường từ nhà ông Hải về, tôi đã nghĩ ngay đến việc dùng than hoạt tính làm sạch môi trường do tia đất độc hại gây ra”. Vì than hoạt tính có khả năng hấp thụ tối đa các tác nhân gây hại không chỉ với môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người như SO 2, Cl 2, NH 3, CO 2, H 2S, CH 4, H 2, v.v... Nói là làm, kỹ sư Bằng đã quyết định xây xưởng sản xuất than hoạt tính để “diệt” tia đất.
Trường hợp đầu tiên KS Vũ Bằng xử lý tia đất là nhà cố GS Nguyễn Văn Đạo ở tầng 12 nhà T17 khu Trung Hòa Nhân Chính. Khi phát hiện có tia đất xấu, kỹ sư Vũ Văn Bằng đã đặt những giỏ than hoạt tính trong phòng ngủ.
Theo thống kê của kỹ sư Vũ Bằng, đến đầu năm 2007, ông xử lý 600 trường hợp. Mỗi lần như vậy giá thành chưa đến 900.000đ/phòng. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, than hoạt tính được thiết kế thành bó, mỗi bó từ 10-15 thanh cao khoảng 30cm, đựng trong giỏ tre, giỏ nhựa, v.v... để trong phòng như một món đồ trang trí.
Tìm nguồn nước cho cộng đồng
Một trong những khả năng đặc biệt mà ông Bằng đang thực hiện là dùng máy đo để tìm ra nguồn nước ngầm cho người dân vùng sâu vùng xa. Thay vì phải khoan sâu xuống dưới lòng đất hàng trăm mét theo phương pháp địa vật lý.
Ông vẫn nhớ như in lần tìm nguồn nước ngầm kỳ lạ ở Hà Giang. Các nhà địa chất đã khoan sâu tới 200m mà cũng không tìm ra nước. Ông Bằng đã đi xe lên tận nơi và chỉ bằng mấy thao tác đơn giản ông tìm ra 2 nguồn nước ở huyện Đồng Văn, huyện Mèo Vạc. Chỉ cần khoan đúng 1 lỗ là trung ngay nguồn nước. Sau thành công đầu tiên ấy, ông Bằng còn có một tên khác là “thầy địa lý có cái máy quay như chong chóng”.
Đến mùa khô, ông lại vác ba lô lên đường tìm nước cho bà con. Vượt cả hàng nghìn km đồi núi, ông vào tìm nước cho bà con dân tộc ở Tân Lạc, Mai Châu (Hòa Bình). “Tôi dựa vào mối liên hệ chặt chẽ giữa dòng chảy ngầm với tia đất (có dòng ngầm là có tia đất và ngược lại), để tìm cách mạch nước ngầm. Chỉ cần đo trong vòng 5-7 phút là có thể biết chỗ này có nước hay không. Phương pháp này xác định chính xác độ sâu của nguồn nước, hướng dòng chảy của nguồn nước. Duy chỉ có lượng nước là chưa xác định được. Giá thành cho một lần tìm nước từ 500.000 đến 1 triệu đồng, đảm bảo có nước chúng tôi mới nhận tiền” - Kỹ sư Bằng cam kết.
13 năm âm thầm làm công việc dò tìm tia đất và nguồn nước, KS Vũ Văn Bằng chỉ có một mong ước hướng nghiên cứu của mình vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi ông soạn giáo án, giáo trình để hy vọng có thể truyền lại những kiến thức cho những người yêu thích ngành địa chất môi trường. Nhưng đó là công việc của tương lai. Với ông, việc cần làm lúc này là đi để khám phá thêm những nguồn nước mới cho bà con ở các thôn bản vùng xâu vùng xa chưa có nước sinh hoạt.
Tia đất là một dạng vật chất được bức xạ từ dưới mặt đất dưới dạng trường bức xạ điện từ. Trường này có loại có lợi, có loại có hại đến sức khỏe của con người. Những nơi cỏ cây cằn cỗi, vàng úa, người ốm đau bệnh tật lâu ngày mà không tìm ra nguyên nhân, chắc chắn trường khí không tốt. Dùng thiết bị đo đạc kỹ sư Bằng phát hiện những nơi này tồn tại các mạch nước ngầm, thậm chí dòng sông ngầm. Theo ông, dòng nước thải ngầm, ống dẫn dầu, khí ngầm, cáp ngầm, v.v..., ở các khu đô thị cũng là thủ phạm gây ra tia đất với cường độ lớn tương tự như mạch nước ngầm. Vì thế, trước khi xây nhà cần xem dưới nền đất làm nhà ngoài mạch nước ngầm tự nhiên ra còn có các loại đường ống ngầm và nhất là, nước thải để có cách xử lý trước khi quá muộn.
KS Trịnh Quốc Hải, Phòng Địa Kỹ thuật, Viện Địa chất:
Vẫn có sai số
Phương pháp dùng máy dò tia đất tìm nguồn nước của KS Vũ Bằng giống như phương pháp cảm xạ học, dùng con lắc tồn tại từ lâu trong dân gian. Hiệu quả phương pháp này mang lại là tiền đề tốt cho công tác tìm nước ngầm cho đồng bào vùng sâu vùng xa. Nhưng phương pháp này vẫn có sai số. Vì tia đất bao gồm nhiều trường khác nhau. Việc phân biệt giữa các trường chưa rõ ràng. Theo tôi cách tốt nhất là kết hợp phương pháp của kỹ sư Bằng và phương pháp địa vật lý để giảm bớt diện cần khoan thăm dò nguồn nước.