Thận trọng khi dùng thuốc có chứa Pseudoephedrin
Pseudoephedrinchiết xuất từ Ma hoàng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất thuốc, do đó pseudoephedrin trong thành phần các biệt dược có trên thị trường hiện nay phần lớn là hoá chất tổng hợp.
Pseudoephedrin, norephedrin, ephedrin là những chất tác động giống thần kinh giao cảm; kích thích các thụ thể của adrenalin beta 1 và beta 2, nhưng hoạt tính hạ huyết áp và kích thích hệ thần kinh trung ương của pseudoephedrin yếu hơn.
Pseudoephedrin dùng đường uống sau 30 phút bắt đầu có tác dụng chống sung huyết, làm co niêm mạc đường hô hấp trên, giúp cho người bệnh dễ thở và giảm xuất tiết (chống ngạt mũi, khó thở hoặc chảy nước mũi trong). Tác dụng xảy ra từ từ nhưng kéo dài tới 240 phút; sử dụng pseudoephedrin với liều cao, thường có cảm giác bay bổng, giảm ngon miệng, gia tăng năng lực thể chất, tinh thần và cảm giác thần kinh. Do đó, dùng kéo dài có thể sẽ quen thuốc, lệ thuộc vào thuốc, nghiện thuốc kiểu amphetamin. Ngưng thuốc đột ngột có thể sẽ gây trầm cảm.
Chỉ định: Sổ mũi, ngạt mũi do cảm lạnh, nghẹt vòi Eustach (chống sung huyết).
Liều dùng: 12 tuổi trở lên: 60 mg/ lần, ngày 3 - 4 lần. Viên 120mg mỗi lần cách nhau 12 giờ.
Trẻ em 1 mg/kg, ngày 4 lần. Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Không được dùng thuốc cho người quá mẫn với pseudoephedrin. Người bệnh cao huyết áp nặng, bệnh động mạch vành, bí tiểu, tăng nhãn áp, đái tháo đường nặng, glaucome góc hẹp, hen phế quản, cường giáo. Người đang dùng thuốc IMAO hoặc trong vòng 14 ngày sau khi dùng IMAO. Trẻ em viêm phế quản mạn.
Thuốc gây một số tác dụng ngoại ý: lo âu, mất ngủ, đánh trống ngực, ảo giác (cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ ngay). Có tác dụng khác như khô miệng, vã mồ hôi, chán ăn, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn.
Trường hợp nặng: xuất huyết não, phù phổi, hoại tử mô, tróc da, hoại tử cơ tim, động mạch.
Một số thuốc tương tác với pseudoephedrin: các thuốc hạ huyết áp (có thể bị giảm tác dụng), thuốc kháng axit (tăng tốc độ hấp thu pseudoephedrin), thuốc chứa kaolin (giảm hấp thu pseudoephedrin), thuốc giống giao cảm khác (tăng độc tính của pseudoephedrin), glycosid tim, thuốc gây mê cyclopropan, halothan; chống trầm cảm 3 vòng.
Cần thận trọng khi dùng pseudoephedrin ở người mang thai, người đang trong thời kỳ cho con bú, người già trên 60 tuổi, người có bệnh tâm thần, người có tiền sử hen phế quản, người đang dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống loét dạ dày – tá tràng, chống trầm cảm ba vòng; thuốc chứa glycosid tim.
Hiện nay, có rất nhiều biệt dược chứa pseudoephedrin có bán trên thị trường (khoảng 30 -40 tên biệt dược) chủ yếu là thuốc chữa cảm cúm, nghẹt mũi, dị ứng đường hô hấp trên (thuốc phối hợp nhiều dược chất).
Thuốc có hàm lượng pseudoephedrin 120mg hoặc 0,5% phải được bác sĩ kê đơn và bán theo đơn.
Trong bảo quản tại nhà thuốc, các thuốc có pseudoephedrin cần xếp vào khu vực “thuốc chứa pseudoephedrin”, thuốc chứa 120mg pseudoephedrin cần xếp riêng.
Người bán thuốc nên xem kỹ các mục chống chỉ định, tương tác thuốc, thận trọng trước khi cho bệnh nhân dùng thuốc.
Sau khi dùng thuốc, nếu thấy khó chịu, có cảm giác đánh trống ngực, bứt dứt, bồn chồn, mất ngủ, cần ngưng thuốc và đi khám bác sĩ ngay. Dùng thuốc cho trẻ dưới 24 tháng cần hỏi ý kiến bác sĩ.