Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 21/09/2005 14:44 (GMT+7)

Tham nhũng: Vì sao càng chống càng tăng?

Tệ tham nhũng đã trở thành một căn bệnh trầm kha của bất cứ nhà nước hoặc thể chế chính trị nào, chỉ có điều nếu pháp luật nghiêm minh có cơ chế giám sát chặt chẽ thì tệ nạn tham nhũng sẽ được giảm thiểu... Ở Việt Nam từ khi đất nước chuyển đổi sang cơ chế kinh tế mới, tệ tham nhũng ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, ngay từ Đại hội VII (giữa nhiệm kỳ -1994) đã phân tích 4 nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng, lãng phí. Không một ngày nào trên mặt báo không đưa tin về tình trạng tham nhũng, hối lộ của một số quan chức từ cấp cơ sở đến các bộ ngành Trung ương hoặc giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước. Tham nhũng không chỉ ở những cá nhân cụ thể mà đã hình thành những đường dây lớn, với sự tham gia, bảo kê của một số quan chức trong các cơ quan công quyền, mà điển hình là những vụ mới xảy ra gần đây, như vụ án Lã Thị Kim Oanh, vụ tiêu cực trong ngành dầu khí, vụ tiêu cực trong việc cấp quota ở Bộ Thương mại, vụ đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng)... Khi tham nhũng có “ô dù” che chắn sẽ rất khó khăn cho việc phát hiện và xử lý vì bản thân người quản lý, người lãnh đạo ở ngành đó, cấp đó đã “nhúng tràm” thì làm sao “trị” được cấp dưới.

Chúng ta đều biết, đặc trưng cơ bản của tham nhũng chỉ xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền. Nhưng trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta mới chỉ mạnh về hô hào chứ chưa có biện pháp, bước đi, cách làm một cách cụ thể. Thậm chí, còn có tình trạng áp dụng đấu tranh không đúng đối tượng, khiến dư luận xã hội cho rằng việc chống tham nhũng chỉ là hình thức. Ví dụ: việc buộc các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp phường, xã phải kê khai tài sản. Hãy thử nhìn vào cơ cấu của cơ quan quyền lực địa phương này, đa số trong số họ là những cán bộ đã nghỉ hưu, tham gia công tác địa phương, vậy thì làm gì nảy sinh quyền lực, làm gì được động chạm đến tiền bạc mà tham nhũng để phải áp dụng hình thức kê khai tài sản?

Khi nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhiều cán bộ lão thành cách mạng đã đặt lại câu hỏi: “Chống tham nhũng – ai sẽ chống ai?”. Cán bộ lãnh đạo địa phương hô hào chống tham nhũng, cán bộ tỉnh, thành phố cũng kêu gọi chống tham nhũng, cán bộ ngành, Trung ương cũng vậy! Nhưng cụ thể ai là người “chống”, ai là đối tượng phải tập trung “chống” và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng ở ngành mình, cấp mình? Tham nhũng xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền, nếu không có cơ chế giám sát minh bạch thì chính những cán bộ hô hào ấy lại “chống” chính mình hay sao?

Chúng ta coi tham nhũng là “Giặc nội xâm”, là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Vậy, đứng trước một kẻ thù nguy hiểm như thế thì không còn sự lựa chọn nào khác là phải tiêu diệt, phải làm thật nghiêm minh. Song hãy nhìn lại xem, những “phương thuốc” đưa ra để diệt trừ tham nhũng, chưa trị đã “nhờn”! Tại sao vậy? Bởi vì, có nhiều vụ việc, dư luận cho rằng chúng ta chỉ mới “tắm từ vai trở xuống”, chưa dám làm mạnh, làm đến cùng vì e ngại mất uy tín của Đảng, mất “ổn định chính trị” hoặc mất hết cán bộ quản lý... Như vậy, vô hình chung chúng ta đã chấp nhận “sống chung” với tham nhũng và kẻ tham nhũng cũng không còn sợ bị trừng trị!

Để phòng ngừa tham nhũng, theo chúng tôi, yếu tố cán bộ là cực kỳ quan trọng. Tham nhũng nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân của mỗi cán bộ có chức có quyền nên trong quá trình đề bạt cán bộ, ngoài yếu tố năng lực chuyên môn thì quan trọng là phải có đạo đức cách mạng. “Đạo đức” không phải là một tiêu chí chung chung, không phải có “đức” tức là cán bộ ấy chưa từng bị mắc khuyết điểm hoặc hình thức kỷ luật nào. Đánh giá “đức” của một cán bộ cần căn cứ vào tình hình dư luận và sự tín nhiệm với cán bộ ấy. Chúng tôi rất tâm đắc với lời khuyên của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi trao đổi với báo giới: “Cán bộ tham nhũng có thể giấu về mặt pháp lý chứ không giấu được dư luận”

Tuy nhiên, lại có một hiện tượng khá phổ biến hiện nay, đó là tình trạng mua chức, mua quyền. Những vị trí chủ chốt ở cấp này, ngành này đều có giá của nó; và khi chức quyền đã trở thành một “công cụ” phải đầu tư, thì người đầu tư phải nghĩ cách để “thu hồi vốn” - tham nhũng, hối lộ chính từ đó mà ra! Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần phải được trong sạch hóa, chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề là phải triển khai một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn mới tạo được sự chuyển biến rõ nét về công tác cán bộ.

Về lĩnh vực giám sát, chúng ta đều biết, trong mỗi cơ quan luôn có tổ chức Đảng, Công đoàn, Thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thể hiện vai trò giám sát đối với hoạt động chuyên môn. Nhưng vì những lý do khác nhau nên hiệu lực giám sát của các tổ chức này còn hạn chế. Song chúng ta lại có một nguồn lực vô tận trong họat động giám sát, đó là quần chúng. Vấn đề ở chỗ, nếu chúng ta phát huy được dân chủ, có cơ chế công khai minh bạch thì quần chúng sẽ là lực lượng giám sát khách quan và hùng hậu nhất. Nhưng cũng cần phải đưa ra một thực tế: Đã có nhiều trường hợp quần chúng phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ, dũng cảm đứng lên tố cáo, nhưng đơn thư của họ lại được trả về nơi tố cáo để giải quyết, và họ đã trở thành nạn nhân của sự trù dập ! Một thực tế khác, nhiều người sợ bị trù dập đã viết đơn thư nặc danh để tố cáo, cho dù nội dung tố cáo có cơ sở nhưng vẫn không được xem xét vì bị gán là thư nặc danh với mục đích “gây rối”, “làm mất đoàn kết nội bộ”...

Còn rất nhiều nguyên nhân nữa, song do khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ xin nêu ra một nguyên nhân cuối cùng thuộc về lĩnh vực cải cách hành chính, tưởng như không liên quan đến tham nhũng, nhưng lại là mảnh đất tốt để tham nhũng phát triển, đó là tệ “xin-cho”. Chừng nào trong việc quản lý hành chính của chúng ta còn duy trì cung cách “xin-cho“ thì chừng ấy tệ tham nhũng, hối lộ còn có đất để tồn tại. Vì vậy, sự cần thiết ở đây là phải triệt tiêu những thủ tục không cần thiết, công khai hóa các bước, các thủ tục trong mọi quan hệ hành chính, đồng thời phải gắn thời gian mà công chức phải giải quyết cho từng hồ sơ hành chính, không để công chức có điều kiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh đòi hối lộ...

Trước thực tế của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, hối lộ hiện nay, sắp tới Luật phòng chống tham nhũng sẽ được thông qua, là sự kỳ vọng lớn đối với nhân dân. Hy vọng với những điều luật cụ thể trong đó có nhiều điều khoản gắn kết chặt chẽ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, công cuộc phòng chống tham nhũng tại nước ta sẽ thu được những kết quả khả quan.


Nguồn: Tạp chí Pháp Lý, số 7/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.