Thài lài tía
Đây là loại cỏ sống nhiều năm, hơi mọng nước, mọc bò lan, dài 40 - 50cm, hoặc hơn. Thân phân nhánh và mọc dễ ở các mấu tiếp giáp với đất. Lá mọc so le cuống rất ngắn, phiến lá hình bầu dục, dài 4 - 8cm, rộng 2,3 - 5cm, đầu nhọn, có đường sọc to màu xanh nâu ở giữa và 2 bên mép phiến lá, mặt dưới màu đỏ tía, bẹ lá dài 6 - 12mm, có lông. Cụm hoa ở ngọn thân, mang 2 - 3 hoa không cuống, nằm trong 2 lá bắc dính liền ở phía dưới thành ống ngắn. Hoa có 3 cánh màu đỏ nhạt, nhị 6, chỉ nhị có lông dài. Bầu 3 ô. Quả nang.
Ở Việt Nam, cây Thài lài tía mọc hoang ở những nơi ẩm, đất có nhiều mùn và cũng được trồng làm cảnh, vì có là màu đỏ tía rất đặc trưng.
Để làm thuốc, người ta dùng toàn cây tươi hay đã làm khô, thu hái quanh năm. Trong cây có chấtb-ecdyoson, cyanidin (theo Yang Chunxin và cộng sự 1996).
![]() |
Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây này được dùng chữa thuỷ thũng, sỏi niệu đạo, viêm họng, viêm ruột tiêu chảy, ho, thổ huyết, mắt đỏ sưng đau, bỏng lửa, bạch đới, đái đục, bệnh lậu, kiết lỵ, mụn nhọt độc và phong nhiệt đau đầu.
Bài thuốc
Chữa đái buốt, kiết lỵ:Thài lài tía 30g, Mộc thông hay Mã đề 20g, sắc uống.
Chữa mụn nhọt, sưng tấy: Thài lài tía, Sống đời, mỗi vị 20g - 30g, giã tươi, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vào chỗ sưng.
Cây này dễ nhân giống bằng các đoạn thân ngắn. Nên trồng ở những nơi phù hợp, vì ngoài tác dụng trang trí, làm cảnh quan thêm đẹp, nó còn cung cấp nguyên liệu làm thuốc khi cần, ngọn non có thể luộc ăn như rau, và dùng nuôi lợi.