Thách thức, cơ hội và triển vọng bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển Việt Nam
Nước Việt Nam trải qua 15 vĩ độ theo hướng Bắc – Nam với 3260km bờ biển, khoảng hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ và vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km 2, gấp 3 lần so với diện tích đất liền (329.566 km 2). Vị trí, địa lý và khí hậu vùng biển nước ta đã tạo nên tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới ở cả cấp độ đa dạng về cấu trúc thành phần loài, đa dạng hệ sinh thái và đa dạng nguồn gen. Trong đó bao gồm đầy đủ các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, vùng triều, đầm phá phân bố rộng ở vùng biển ven bờ và các ven các đảo. Do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên từ bắc đến Namnhư: Sự thay đổi nhiệt độ theo vĩ tuyến, mức độ trao đổi môi trường với các vùng xung quanh, hình thái thềm lục địa đã tạo nên những nét đặc trưng khác biệt của các hệ sinh thái giữa các vùng biển ở Việt Nam . Biển Việt Nam còn được coi là nơi có mức độ đa dạng sinh học ở cấp độ thành phần loài cao. Cho đến nay, trong vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình.
Trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, trên 100 loài cá kinh tế, hơn 300 loài san hô cứng, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và 5 loài rùa biển. Đặc biệt, mức độ đa dạng loài cũng thể hiện sự không đồng nhất giữa các vùng sinh thái do sự chi phối của điều kiện tự nhiên và môi trường biển. Ngoài ra, biển và vùng biển Việt Nam còn chứa đựng một tiềm năng lớn về du lịch sinh thái. Cảnh quan trên bờ và dưới nước của vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Hòn Mun (Nha Trang), Cù Lao Chàm (Hội An), Côn Đảo (Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)… hàng năm đã thu hút hàng triệu du khách từ bốn phương.
Mặc dù những nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển rất có giá trị, nhưng có thể thấy chúng ta vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc bảo tồn đa dạng sinh học biển. Việt Nam cần có một kế hoạch quản lý tổng hợp vùng ven bờ đồng bộ hơn nữa nhằm bổ sung cho “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học” và làm cơ sở khoa học cho việc quản lý bền vững đa dạng sinh học biển. Kế hoạch quản lý này cần bao gồm cả chương trình điều tra – giám sát đa dạng sinh học thường niên. Kết quả từ chương trình này sẽ đánh giá được hiện trạng, dự đoán xu thế biến động quần xã sinh vật và phát hiện ra những thay đổi trong tương lai về quần thể của các loài chỉ thị. Đồng thời, là công cụ hữu hiệu cho việc đánh giá sự thành công hay thất bại của kế hoạch quản lý đa dạng sinh học, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh kế hoạch quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở vùng biển Việt Nam.
Thách thức chủ yếu về bảo tồn đa dạng sinh học
Nhận thức tầm quan trọng của đa dạng sinh ọc biển, từ năm 1991 với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN, WWF), Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và thông qua chiến lược Bảo tồn Quốc gia, Kế hoạch quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững. Năm 1993, Việt Namchính thức trở thành Quốc gia thành viên của IUCN và từ đó đến nay có hai tổ chức của Việt Nam trở thành thành viên của IUCN là: Viện Kinh tế Sinh thái và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường – trường Đại học Quốc gia Hà Nội (CRES). Hiện nay, một trong những lĩnh vực chính đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm là bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là các tài nguyên biển, đảo và các vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết mọi quan tâm mới chỉ tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học trên đất liền mà vẫn còn ít chú ý đến bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển.
Việt Nam cũng đã và đang đi theo một mô hình tương tự như các nước khác trên toàn thế giới là cố gắng mở rộng việc khai thác một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hàng triệu người Việt Nam đã và đang dựa vào và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên này bị khai thác quá mức đã trở nên rõ ràng. Bên cạnh đó, tăng cường kinh tế nhanh đang đe dọa các nguồn tài nguyên ở các vùng ven biển do khai hoang, xây dựng cầu cảng và các dự án phát triển khác. Nếu xu hướng này tiếp tục thì sự khan hiếm nghiêm trọng các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và giá trị về khoa học chắc chắn sẽ xảy ra.
Theo kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nguyên nhân sâu xa dẫn đến suy thoái tài nguyên sinh vật, giảm tính đa dạng sin học biển và vùng ven bờ chủ yếu là do chặt phá rừng đầu nguồn, xói lở bờ biển, sa bồi và nghẽn bùn ở cửa sông, cửa đầm, phá, sử dụng đất gây nghèo kiệt, khai khoáng ven biển, lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, xây dựng đường sá và cảng biển, xả nước thải không qua xử lý, du lịch ven biển, khai thác quá mức nguồn lợi hải sản, phú dưỡng do nuôi trồng thủy sản và ô nhiễm do các nguồn công nghiệp. Bao trùm lên tất cả là công tác tổ chức, triển khai các hành động bảo tồn đa dạng sinh học biển chưa thực sự đạt hiệu quả; thiếu các căn cứ khoa học cần thiết để xây dựng các chính sách, hoạch định chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển kinh tế biển, thiếu định hướng cụ thể về phát triển bền vững.
Ngoài ra, hầu hết các vấn đề thách thức hiện nay đang ngăn cản tiến trình bảo tồn đa dạng sinh học biển ở Việt Nam đều giống như ở các nước trong khu vực và trên thế giới, ví dụ như hiểu biết còn ít về quản lý tổng hợp ven biển ở cả trong cộng đồng và các nhà quản lý, hệ thống pháp lý chưa thực sự được thực thi có hiệu lực, đào tạo cán bộ quản lý chủ chốt chưa được đầy đủ, hiểu biết khoa học về các hệ sinh thái ven biển vẫn còn hạn chế trong khi nhu cầu sinh kế thay thế cho cộng đồng ngư dân đang ngày càng gia tăng ở các vùng ven biển.
Một số triển vọng bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam
Để thực hiện được mục tiêu và các chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều chương trình, đề tài hoặc dự án thuộc chương trình cấp Bộ, cấp nhà nước hoặc nguồn tài trợ quốc tế đã, đang và sẽ được triển khai nhằm tăng cường sự hiểu biết đầy đủ, thấu đáo và sử dụng hợp lý các quá trình, các quy luật tự nhiên, tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học phục vụ cho hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi. Ngoài ra, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học biển đang được các tổ chức quốc tế, các quốc gia ven biển đưa lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong chính sách, chiến lược và chương trình hành động của mình trong năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2010. Đây là một trong những triển vọng lớn cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, vừa góp phần tăng cường được công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong nước vừa có điều kiện trao đổi, học hỏi hoặc đúc kết các bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và trên thế giới trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, ở phía Bắc Việt Nam, Dự án điều tra liên hợp nguồn lợi hải sản vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được triển khai. Mục tiêu là điều tra nguồn lợi hải sản vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ nhằm điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, khai thác hợp lý và sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản. Ở phía Nam Việt Nam, cuộc họp tư vấn song phương về hợp tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển giáp gianh giữa tỉnh Campot-Việt Nam, nhằm đánh giá lại những hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được triển khai tại 2 tỉnh Campot và Kiên Giang…
Có thể thấy, thành công trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam cao hơn ở một số nước khác trong khu vực, do sự phát triển kinh tế nước ta ở giai đoạn “đang phát triển” và có sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của chính phủ đối với các cộng đồng ven biển. Tuy nhiên, nếu chúng ta đẩy nhanh hành động bảo tồn, cứu vãn các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quan trọng đang bị suy thoái thì trong tương lai không xa, đa dạng sinh học biển sẽ thực sự trở thành tài nguyên kinh tế chiến lược để phát triển đất nước.