Tận dụng phế thải từ quả điều làm thức ăn chăn nuôi gia
Bình Phước là tỉnh miền núi phía Tây Nam nước ta, nguồn thu nhập chính của tỉnh vẫn là cây công nghiệp là chủ yếu như cao su, điều, cà phê, cây ăn trái và từ chăn nuôi, trong đó cây điều chiếm khoảng 170.000ha, lớn nhất diện tích trồng điều lớn nhất cả nước, bên cạnh việc cung cấp cho thị trường trong nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông góp phần nâng cao nguồn thu cho tỉnh, ngoài ra nó còn là sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng. Bên cạnh những ưu thế trên thì vẫn còn những hạn chế nhất định như hiện nay trái điều sau khi thu hoạch hạt người dân không biết cách xử lý đã dẫn đến hệ lụy là ô nhiễm môi trường xung quanh. Hàng năm loại phụ phẩm từ quả điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước là rất lớn, việc tận dụng được trái điều để ủ làm thức ăn gia súc tăng thu nhập cho người dân, đồng thời cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết.
Như chúng ta đã biết để nuôi bò đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, ngoài những vấn đề cơ bản như: chọn giống, tuổi, giới tính, nguồn gốc, xuất xứ… thì người nông dân cần chú trọng nhiều tới nguồn thức ăn có chất lượng: thức ăn có đủ lượng dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển của đàn bò. Vì thế việc tận dụng các phế thải nông nghiệp đồng thời tạo nguồn thức ăn đầy đủ dưỡng chất thay thế các loại thức ăn thông thường hoặc thức ăn bổ sung cho đàn bò là giải pháp tối ưu, đặc điểm của các loại thức ăn được ủ từ quả điều qua quá trình lên men là hàm lượng chất xơ, protein, hàm lượng đường và các vitamin là rất cao, thuận lợi cho quá trình lên men, nên có thể ủ chua để làm thức ăn thay thế một phần thức ăn thô xanh trong khẩu phần ăn.
Nếu quả điều được thu hoạch đúng giai đoạn trưởng thành để giảm tối thiểu hoạt động của các enzym thực vật và vi sinh vật không mong muốn (những vi sinh vật hiện diện tự nhiên trên thực vật), và thúc đẩy vi khuẩn sinh lactic chiếm ưu thế thì đây sẽ là nguồn thức ăn rất tốt phục vụ cho chăn nuôi bò, có giá trị dinh dưỡng cao.
Cách ủ chua phế thải từ quả điều
a. Nguyên liệu:
- Vỏ quả điều mới thu hoạch, vỏ phải tươi, không bị nấm, mốc thời gian sử dụng tốt nhất là không quá 12 giờ sau khi tách hạt.
- Men lactic chế phẩm có bán sẵn tại các của hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng loại đông khô, theo tỷ lệ 0,2% men lactic + 1% rỉ mật + 1% muối/tổng lượng vỏ ủ hòa trong 25% nước.
- Muối ăn.
- Hố ủ: được xây dựng nổi trên mặt đất, trên có mái che. Kích thước hố ủ tùy theo từng đàn gia súc. Hộ gia đình có thể tận dụng bể chứa nước hoặc ô chuồng lợn làm hố ủ. Ngoài ra có thể sử dụng túi nilon để ủ, có thể tận dụng các vỏ bao phân đạm làm túi ủ, bên ngoài túi nilon là bao tải sợi chắc.
- Tấm lót, che phủ: có thể dùng tấm nilông, tấm vải áo mưa… đậy kín để bảo đảm vỏ ủ không nhiễm bẩn giúp tạo điều kiện yếm khí và hạn chế thất thoát dịch ủ.
b. Phương pháp ủ.
- Dùng 0,2 kg men lactic + 1 kg muối + 25 lít nước sạch để ủ 100 kg trái điều.
- Bước 1: Sử dụng các tấm ny-lon để lót nền và che phủ.
- Bước 2: Cân 20 kg quả điều làm chuẩn, dùng đó để định lượng cho các lần khác.
- Bước 3: Dùng bình ôroa dung tích 10 lít đong 5 lít nước sạch.
- Bước 4: Cân 40g men lactic hòa vào 200g muối.
- Bước 5: Đổ dung dịch men và muối vào 5 lít nước khuấy thật đều cho tan hết men.
- Bước 6: Đổ quả điều vào hố ủ thành từng lớp dày 10-15cm, rồi tưới hỗn hợp dung dịch trên lên lớp quả thật đều.
- Bước 7: Dùng đầm hoặc dậm, nén quả trong hố ủ cho thật chặt.
Tiếp tục làm như vậy từ lớp này đến lớp khác cho đến khi đầy hố.
- Bước 8: Dùng các tấm ny-lon che phủ hố thật kín tạo điều kiện yếm khí thuận lợi cho quá trình lên men.
c. Nguồn dinh dưỡng và phương pháp cho ăn
- Bốc dỡ hố ủ tới đâu cho ăn tới đó, dỡ xong che phủ kín như cũ.
- Thông thường thời gian tập cho trâu bò ăn là 3 ngày, mới đầu nên trộn ít quả ủ từ 0,5-1 kg với khoảng 2,5-3 kg cỏ. Khi đã quen ăn, trâu bò có thể ăn 4,5-6 kg quả điều ủ/ngày.
Như vậy:
- Trái điều tươi sau khi đã tách hạt ra được đem phơi khô, nghiền thành bột hoặc ủ lên men làm thức ăn cho bò. Kết quả phân tích thành phẩm cho thấy hàm lượng dinh dưỡng khá cao (protein thô chiếm 6,1%, chất xơ thô 33,17%, lipit 1,29%, chất khoáng tổng số đạt 8,29%). Bà con nông dân có thể sử dụng bột ca cao khô thay thế bột ngô với các tỷ lệ 25%, 30% và 35% trong khẩu phần thức ăn hàng ngày cho bò. Ngoài ra, có thể ủ bột vỏ điều khô với bột ngô theo tỷ lệ 6%,9%,12% trong khẩu phần với thời gian bảo quản trên 90 ngày vẫn cho kết quả tốt.
- Với trái điều chín, sau khi thu hái về bà con tiến hành tách hạt rồi đem ủ với bột sắn, hoặc rơm khô theo tỷ lệ 6% và 9% trong thời gian khoảng 90 ngày để làm thức ăn dự trữ cho bò trong các tháng mùa khô khan hiếm cỏ tươi. Thực tế cho thấy, nếu cho bò ăn thêm nguồn thức ăn bổ sung này sẽ tăng trọng nhanh hơn, cao hơn, chất lượng thịt, sữa tố hơn so với đối chứng, đây là quy trình nhằm giúp bà con nông dân có thể chủ động được nguồn thức ăn mà không phải tốn nhiều chi phí, giúp cho đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt./.