Tách một sào ngô chỉ mất... 20 phút
Siêu nhanh và rẻ
Đức cho biết, ý định chế tạo máy tách hạt ngô hoạt động theo cơ chế tự động nảy sinh từ lúc thấy bố mẹ và các cô bác mất nhiều thời gian ngồi tẽ hạt. Đầu tiên, Đức phác thảo "mơ ước" trên máy tính bằng AutoCad. Có bản vẽ, Đức thu mua vật liệu. Do máy tách hạt ngô liên quan nhiều đến phần cơ khí, không thể dùng đồ phế thải nên dù khó khăn, bố mẹ em vẫn vui vẻ "đầu tư" cho cậu con trai khoảng trên 5 triệu đồng để mua vật liệu.
Máy tách hạt của Đức nặng khoảng 70 - 80kg, dài 1.060mm, rộng 702mm, cao 1.200mm... chỉ mất 20 phút, chiếc máy này có thể tách hết một sào ngô (nếu bằng tay, một người phải ngồi tỉa mất cả tháng). Đức miêu tả, khung máy được làm bằng sắt, trên khung có khay đổ bắp. Sau khi được đổ vào khay, ngô sẽ đi vào bộ phận sắp xếp (xếp cho ngô nằm theo một hướng). Tiếp đó, ngô sẽ tự động được chuyển vào bộ phận tách hạt. Đức giải thích, hiện trên thị trường cũng đã có máy tách hạt ngô. Song, các máy đó có nhược điểm là làm vỡ hạt và lõi do hoạt động theo cơ chế đập. Vì thế em dùng quả xoay tròn, dạng trục có các răng cưa làm bằng thép, hoạt động theo cơ chế xoay tròn (1.400 vòng/phút) giúp máy tách hạt nhanh mà không làm vỡ hạt, vỡ lõi. Cuối cùng, hạt ngô tự động đi ra khay đựng bắp, lõi và vảy ngô sẽ đi ra theo hai khay khác nhau.
Ngoài ra, máy còn được thiết kế thêm 4 bánh xe giúp di chuyển dễ dàng. Phần mô tơ, công tắc và cầu giao giúp máy hoạt động tự động, người sử dụng không mất nhiều thời gian cho các thao tác máy.
Tăng năng suất, giảm chi phí
Ưu điểm của máy là không làm vỡ hạt, vỡ lõi. Thêm nữa, do có đủ các bộ phận để riêng ngô, lõi và quạt gió quạt vảy ngô sang một hướng khác, giúp cho ngô "sạch" sau khi được tách. Hơn thế, chi phí tiền điện cho máy thấp, 500đ/sào ngô. "So với tách bằng tay, máy tách tự động tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí và cho năng suất cao hơn", Đức cho biết thêm.
Do máy liên quan nhiều đến cơ khí nên không biết bao nhiêu lần, Đức phải tháo hết các bộ phận trong máy chỉ vì làm sai một chi tiết nhỏ. Khi làm quả lô tách hạt, răng quả lô bằng quá hoặc chéo quá đều không tách hết hạt khỏi bắp hoặc làm kẹt máy gây tốn điện. Mỗi lần như thế, Đức lại phải tháo tung cả máy để sửa chữa lại.
"Các loại máy tách ngô trên thị trường thường có giá trên 10 triệu đồng, bà con nông dân lấy đâu ra tiền để mua. Nếu sản xuất đại trà, chỉ mất khoảng 2 - 3 triệu đồng/máy. Em hy vọng, máy của em sẽ được ứng dụng rộng rãi", Đức khẳng định.
Máy tách hạt của Đức đã đoạt giải đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2008. Sản phẩm cũng đang được ban tổ chức đề xuất với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cấp bằng sáng chế. Cậu học trò nhỏ này khoe thêm, em đã có thâm niên đoạt giải thưởng. Các năm trước, Đức đã "ẵm" 2 giải nhì và một giải khuyến khích cho "Mô hình robot tình thương", "Dòng điện từ biển khơi" (lấy nước biển tạo ra điện) và "Nước cũng đốt cháy" (dùng nước làm ra lửa). Hiện, nhà sáng chế trẻ đang là học sinh lớp 12 nên sẽ phải "chạy nước rút".
Được biết, tháng 9 này, sản phẩm của Đức sẽ "công du" tham gia triển lãm tại Đài Loan. "Máy của em có nhược điểm là phát ra tiếng ồn lớn. Em sẽ giảm bớt một số chi tiết máy để khắc phục nhược điểm này", Đức quả quyết.
Độc giả muốn biết thêm chi tiết về sản phẩm này có thể liên hệ với Trịnh Văn Đức, lớp 12 A5 trường THPT Hậu Lộc 2, Thanh Hóa. Điện thoại: (037) 3.636303.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên giám đốc Sở KHCN&MT Hà Nội, giám khảo cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2008: Điểm nổi bật của máy tách hạt ngô tự động so với các sản phẩm dự thi khác là khả năng ứng dụng của sản phẩm. Đa phần các sản phẩm dự thi mới chỉ là ý tưởng hoặc mô hình. Sản phẩm này là mô hình bán sản xuất có thể đưa vào phục vụ sản xuất ngay được. Tuy nhiên, do "tự biên tự diễn", nên máy cũng không tránh khỏi một số nhược điểm như tiếng ồn lớn, mỹ thuật công nghiệp chưa bắt mắt... Song tôi nghĩ những cái này có thể chỉnh sửa dễ dàng. |
Nguồn: KH&ĐS, số 106, 2/9/2008, tr 3